SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khảo sát bệnh đẻ khó trên mèo và các yếu tố nguy cơ tại phòng thí nghiệm bệnh xá thú y thực hành, Trường Đại học Cần Thơ

[16/08/2023 16:38]

Nghiên cứu do nhóm tác giả gồm Trần Ngọc Bích, Lê Bình Minh, Lê Quang Trung, Đặng Thị Mỹ Tú (Khoa Nông nghiệp-Thủy sản, Trường Đại học Cửu Long) và Trần Thị Anh Đào (Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Vĩnh Long) thực hiện.

Bệnh đẻ khó trên mèo là một bệnh sinh sản khá hiếm và có rất ít nghiên cứu trên thế giới, tỷ lệ mèo mắc bệnh đẻ khó dao động trong khoảng từ 0,30-8,00% trong quần thể được khảo sát. Đẻ khó là một trường hợp khẩn cấp trong quá trình sinh sản, xảy ra khi quá trình sinh nở không diễn ra bình thường, đe dọa đến tính mạng của cả mèo mẹ và mèo con. Bệnh xảy ra ở tất cả các giống mèo và mèo ở các lứa tuổi sinh sản khác nhau đều có nguy cơ mắc bệnh đẻ khó. Tại Việt Nam, hầu như chưa có nghiên cứu nào báo cáo về bệnh đẻ khó trên mèo, đặc biệt là nghiên cứu kết hợp kỹ thuật siêu âm và chẩn đoán lâm sàng nhằm xác định chính xác bệnh và đánh giá các yếu tố nguy cơ liên quan đến bệnh. Trong việc chẩn đoán bệnh ở động vật ngoài các yếu tố như trình độ chuyên môn, kinh nghiệm lâm sàng cần phải có sự hỗ trợ của các trang thiết bị và khoa học kỹ thuật, trong đó có kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh (siêu âm) phát hiện bệnh đạt hiệu quả. Siêu âm là một phương pháp hỗ trợ chẩn đoán rất quan trọng trong việc đánh giá khả năng sống sót của thai, dị tật và suy thai. Nhịp tim thai dưới 140 nhịp/phút cho thấy cần phải can thiệp thú y ngay lập tức, nhịp tim thai từ 140-160 nhịp/phút cho thấy khả năng sống kém của thai. Do đó, đây là nghiên cứu đầu tiên tại Việt Nam áp dụng kỹ thuật siêu âm và chẩn đoán lâm sàng trong chẩn đoán bệnh đẻ khó trên mèo, khảo sát các triệu chứng lâm sàng và nguyên nhân của bệnh đẻ khó, đồng thời đánh giá các yếu tố nguy cơ gây bệnh.

Hình minh họa (Nguồn: Internet)

Tiến hành điều tra cắt ngang trên 147 con mèo cái có biểu hiện bất thường ở cơ quan sinh dục được đưa đến khám tại phòng thí nghiệm Bệnh xá Thú y thực hành, trường Đại học Cần Thơ. Ứng dụng phương pháp chẩn đoán lâm sàng kết hợp với siêu âm để chẩn đoán bệnh đẻ khó trên mèo. Mục tiêu chính của nghiên cứu là khảo sát bệnh đẻ khó trên mèo và đánh giá các yếu tố nguy cơ gây bệnh. Kết quả nghiên cứu cho thấy có tổng cộng 42 mèo mắc bệnh đẻ khó, chiếm tỷ lệ 28,57% trên tổng số mèo được khảo sát. Tiêm thuốc ngừa thai và thai lớn là hai nguyên nhân chủ yếu dẫn đến bệnh đẻ khó ở mèo. Các triệu chứng như rặn liên tục nhưng thai không ra; sốt, bỏ ăn, bụng to, siêu âm quá ngày dự sanh; cổ tử cung mở rất ít, chảy dịch âm hộ có màu xanh hoặc đen, hôi là những biểu hiện lâm sàng khá tin cậy để định hướng chẩn đoán bệnh đẻ khó ở mèo. Kết quả khảo sát sự tương quan của các yếu tố nguy cơ cho thấy mèo có tiêm thuốc ngừa thai có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 4,96 lần so với không tiêm thuốc ngừa thai; mèo nuôi thả có nguy cơ mắc bệnh cao gấp 3,61 lần so với nuôi nhốt.

Tạp chí Khoa học kỹ thuật Thú y, Tập XXIX Số 4 năm 2022
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài