SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đặc điểm lâm sàng và tính nhạy cảm kháng sinh của vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết ở người bệnh điều trị tại bệnh viện bệnh Nhiệt đới Trung ương

[25/08/2023 14:12]

Nghiên cứu do nhóm tác giả Tạ Thị Diệu Ngân Lã Thị Tuyết thực hiện.

Ảnh minh họa

Nghiên cứu cắt ngang 300 bệnh nhân nhiễm khuẩn huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương giai đoạn 2017-2022 nhằm mô tả đặc điểm lâm sàng và tính nhạy cảm kháng sinh của vi khuẩn gây bệnh.

Nhiễm khuẩn huyết (NKH) là một vấn đề sức khỏe lớn mang tính toàn cầu. Nhiễm khuẩn huyết gây rối loạn chức năng các cơ quan do rối loạn điều hòa đáp ứng của cơ thể đối với nhiễm trùng,1 có thể tiến triển thành sốc nhiễm khuẩn, suy đa cơ quan và tử vong. Năm 2017, ước tính có khoảng 48,9 triệu người bị NKH trên toàn cầu, trong đó có khoảng 11 triệu ca tử vong, chiếm 19,7% tổng số ca tử vong trên toàn thế giới.2 Chẩn đoán, điều trị kịp thời và sử dụng kháng sinh sớm, phù hợp trước khi có kết quả cấy máu đóng vai trò quan trọng làm giảm tỉ lệ biến chứng và cải thiện tỉ lệ tử vong của NKH.3

Xét nghiệm cấy máu tìm được vi khuẩn là tiêu chuẩn vàng để khẳng định chắc chắn NKH, tuy nhiên kết quả cấy máu dương tính thường rất thấp, chỉ khoảng 4-12%.4 Tỉ lệ từng loại vi khuẩn gây NKH cũng khác nhau, tùy thuộc vào lứa tuổi, cơ địa và các bệnh lý nền kèm theo. Mặt khác, việc lựa chọn kháng sinh ban đầu theo kinh nghiệm phần lớn dựa vào triệu chứng của ổ nhiễm khuẩn khởi điểm, việc định hướng căn nguyên gây bệnh. Do vậy, nghiên cứu về  biểu hiện lâm sàng, căn nguyên của nhiễm khuẩn huyết và tính nhạy cảm kháng sinh của vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết luôn là vấn đề cần thiết. Cùng với sự gia tăng các bệnh mạn tính, tình trạng kháng thuốc của vi khuẩn cũng đang ngày càng gia tăng và trở thành mối lo ngại trên toàn cầu. Tại châu Á, Việt Nam là nước có tỉ lệ kháng kháng sinh cao nhất.5 Việc lựa chọn kháng sinh điều trị nhiễm khuẩn huyết cũng sẽ là một thách thức đối với các bác sỹ lâm sàng. Nghiên cứu này được thực hiện với mục tiêu mô tả các biểu hiện lâm sàng, căn nguyên gây nhiễm khuẩn huyết và nhận xét tính nhạy cảm kháng sinh của các vi khuẩn gây nhiễm khuẩn huyết ở các bệnh nhân điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương giai đoạn 2017-2022.

Kết quả nghiên cứu cho thấy, có 71,3% bệnh nhân sốt; 89% có triệu chứng của ổ nhiễm khuẩn khởi điểm, hay gặp nhất là từ đường hô hấp, tiêu hóa và thần kinh; 48,3% bệnh nhân có suy tạng trong đó có 23% suy đa tạng; 15,7% sốc khi nhập viện. Các vi khuẩn chính gây bệnh là E. coli (28%), S. aureus (27,3%), K. pneumoniae (10%). E. coli nhạy hầu hết với amikacin, nhóm carbapenem, piperacillin-tazobactam. Có 76,9% chủng E. coli kháng cotrimoxazole, trên 40% kháng ceftriaxone, cefotaxime, ciprofloxacin và levofloxacin. Hầu hết K. pneumoniae nhạy cảm với amikacin, gentamicin, carbapenem, levofloxacin, piperacillin-tazobactam; hơn 80% số chủng K. pneumoniae nhạy cảm với ampicillin-sulbactam, ceftriaxone, cefotaxime, tobramycin. Với S. aureus, 100% nhạy vancomycin, linezolide, nitrofurantoin, quininpristin; trên 90% nhạy cotrimoxazole, rifampicin, tigecycline, moxifloxacin; S. aureus kháng clindamycin (67,9%), cefoxitin (60%), oxacillin (61,7%). 100% chủng S.suis nhạy ceftriaxone, vancomycin và linezolide; kháng clindamycin và erythromycin lần lượt là 75% và 72,7%.

KẾT LUẬN
 Lâm sàng của NKH khá đa dạng, hơn một nửa số bệnh nhân NKH có suy tạng, E. coli và S. aureus là vi khuẩn thường gặp nhất gây NKH, tỷ lệ sốc nhiễm khuẩn của E. coli cao hơn so với A.aureus. Thông tin về tính nhạy cảm kháng sinh của vi khuẩn góp phần cho bác sĩ lâm sàng lựa chọn kháng sinh điều trị ban đầu hợp lý hơn.

Tạp chí y học, Tập. 528 Số. 2(2023)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài