SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Kỹ thuật chọn điểm xoay cho vạt da trên cá ngoài nguồn nuôi ngược dòng

[26/03/2024 16:48]

Nghiên cứu nhằm xác định điểm xoay dựa vào thông nối mạch máu giữa nhánh xuống với động mạch trước mắt cá ngoài và thông nối giữa động mạch trước mắt cá ngoài với động mạch chày trước.

Vạt da trên mắt cá ngoài được sử dụng để che phủ cho các khuyết hổng mô mềm vùng cổ bàn chân có lộ mô quý như gân, cơ và xương .Vạt có thể được sử dụng theo nhiều cách như vạt cân mỡ trên mắt cá ngoài, vạt có nguồn nuôi hỗn hợp và vạt có nguồn nuôi ngược dòng. Đối với vạt có nguồn nuôi hỗn hợp được Masquelet mô tả từ năm 1988, sau đó nhiều tác giả đã nghiên cứu sâu thêm về giải phẫu và ứng dụng, cho thấy điểm xoay của vạt nằm ở mặt trước khớp chày mác dưới, vị trí 5 cm phía trên so với đỉnh mắt cá ngoài. Việc xác định được điểm xoay cho vạt trước mổ hỗ trợ đắc lực cho phẫu thuật viên trong ứng dụng lâm sàng để tính mức độ khả dụng của vạt da nhằm có phương án điều trị tốt cho người bệnh. Đối với vạt da trên mắt cá ngoài nguồn nuôi ngược dòng, điểm xoay nằm ở đâu, cách thiết kế chọn điểm xoay như thế nào vẫn chưa được mô tả.

Đối tượng nghiên cứu:

 - Tiêu chuẩn chọn mẫu: Cẳng chân cắt cụt trên gối ở người Việt Nam (≥15 tuổi [8]) do u bướu vùng trên gối được phẫu thuật bởi khoa Bệnh học bệnh viện Chấn thương chỉnh hình.

- Tiêu chuẩn loại trừ: Cẳng chân bàn chân có những bất thường giải phẫu đại thể như dị dạng, bướu hoặc sẹo chấn thương ở 1/3 dưới cẳng chân, mu chân.

Phương pháp nghiên cứu:

- Phương pháp nghiên cứu: Báo cáo hàng loạt ca. - Cỡ mẫu: 24 cẳng chân phẫu tích.

- Chúng tôi chọn mốc trên da bao gồm mốc 1 và mốc 2 (hình 1). Trong đó đường nối hai mắt cá được xác định với cổ chân vuông góc, lấy mặt phẳng 450 đi qua điểm gồ cao nhất của hai mắt cá, giao cắt với bề mặt da mặt trước cổ chân. Mốc 1 là giao điểm của đường nối hai mắt cá và động mạch chày trước. Mốc 2 là giao điểm của đường nối hai mắt cá và trục xương bàn IV.

Nghiên cứu này kế thừa kết quả từ các nghiên cứu trước, trong đó Masquelet đã chỉ ra rằng vạt da trên mắt cá ngoài có giới hạn trước là đường mào chày, giới hạn sau là bờ sau xương mác, giới hạn trên là đường ngang đi qua giữa cẳng chân. Trục vạt da là đường thẳng đi qua hõm sờ được trên da của khớp chày mác dưới (5 cm trên mắt cá ngoài) và trung điểm của đường mào chày ở trước, đường dọc bờ sau xương mác ở phía sau. Tổng chiều dài vạt da là khoảng cách từ vị trí thông nối mạch máu nuôi vạt cho tới giao điểm của đường giữa cẳng chân và đường trục vạt da.

Nghiên cứu ghi nhận khoảng cách giữa mốc 1 và 2 tới vị trí thông nối nhánh xuống và động mạch trước mắt cá ngoài, tới thông nối giữa động mạch trước mắt cá ngoài và động mạch chày trước . Tương quan giữa điểm thông nối nhánh xuống với động mạch trước mắt cá ngoài và đường nối hai mắt cá. Tổng chiều dài vạt da tính từ thông nối nhánh xuống với động mạch trước mắt cá ngoài và từ thông nối động mạch trước mắt cá ngoài với động mạch chày trước. Nghiên cứu được thực hiện từ tháng 01/2020 tới tháng 12/2022 tại phòng thực nghiệm vi phẫu bệnh viện Chấn thương Chỉnh hình TP. HCM, có đầy đủ trang thiết bị phù hợp việc phẫu tích mạch máu nhỏ.

Luôn có sự tồn tại của các thông nối mạch máu nuôi vạt da trên mắt cá ngoài nguồn nuôi ngược dòng. Tổng chiều dài vạt da tính từ thông nối giữa nhánh xuống với động mạch trước mắt cá ngoài trung bình là 19,5 cm, tính từ thông nối động mạch trước mắt cá ngoài với động mạch chày trước trung bình là 21,9 cm

Vạt da trên mắt cá ngoài nguồn nuôi ngược dòng được cấp máu từ thông nối mạch máu giữa nhánh xuống với động mạch trước mắt cá ngoài, thông nối động mạch trước mắt cá ngoài với động mạch chày trước. Tổng chiều dài vạt da thu được dài nhất là 30 cm khi chọn điểm xoay dựa vào thông nối giữa động mạch trước mắt cá ngoài với động mạch chày trước.

Tạp chí y dược học Cần Thơ Số 68/2023
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài