SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đánh giá kết quả nội soi điều trị trật khớp chè đùi ở trẻ em

[26/03/2024 16:52]

Nghiên cứu nhằm Đánh giá các chỉ định của nội soi trong điều trị mất vững khớp chè đùi.

Trật khớp chè đùi (TKCĐ) khá phổ biến ở trẻ em với tần suất 43/100.000. Trong 1 nghiên cứu gần đây, Abbassi và cộng sự [2] đã cho thấy 31% thiếu niên chấn thương gối được chẩn đoán TKCĐ. TKCĐ là nguyên nhân thường gặp hơn ở trẻ 10- 14 tuổi tràn dịch khớp gối so với đứt dây chằng chéo trước thường ở lứa tuổi 15-18 tuổi. TKCĐ có thể là một biến cố riêng lẻ (trật khớp cấp, lần đầu) hoặc điều kiện mạn tính. Hai nghiên cứu gần đây ở trẻ em với trật khớp chè đùi cấp lần đầu đã cho thấy tỉ lệ tái phát 30 – 38% với điều trị bảo tồn.

Phần lớn các trường hợp, tái tạo DCCĐT được lựa chọn hơn là khâu nếp cánh trong vì hệ thống mô liên kết bên trong bị tổn thương mạn tính thường không đủ chắc để chống di lệch bánh chè ra ngoài. D’Ambrosi và cộng sự năm 2021 đã tống kết y văn về biến chứng và tái phát sau tái tạo DCCĐT ở trẻ em đã cho thấy tỉ lệ tái phát ở 18/352 khớp gối (5,1%), không có biến chứng trầm trọng, nhưng cần có chứng cứ mức cao để đánh giá tốt hơn kết quả lâu dài. Tái tạo DCCĐT đơn lẻ có thể không đủ để ngăn cản trật tái hồi nếu có các yếu tố nguy cơ khác như xương bánh chè lên cao, nghiêng xương bánh chè, góc Q lớn, khoảng cách lồi củ chày- rãnh lồi cầu (TT-TG) trên 20mm, hoặc loạn sản lồi cầu đùi.

Nội soi giúp thám sát các tổn thương xương sụn kèm theo, giải phóng cánh ngoài và khâu nếp cánh trong. Năm 2007, Ali và cộng sự [8] thực hiện nội soi cắt cánh ngoài và khâu nếp cánh trong ở 35 bệnh nhân với 36 khớp gối, theo dõi trung bình 51 tháng; theo thang điểm Lysholm, tốt và rất tốt 78%, trung bình 11%, và xấu 11%; tác giả cho rằng nội soi ít di chứng và phục hồi nhanh hơn. Năm 2011, Xu và cộng sự [9] báo cáo 15 bệnh nhân được cắt cánh ngoài, khâu nếp cánh trong qua nội soi theo dõi 1-2 năm cho thấy không trường hợp nào tái phát. Nha và cộng sự [10] năm 2021 đã báo cáo thang điểm Kujala cải thiện đáng kể sau cắt cánh ngoài khâu cánh trong qua nội soi ở 25 bệnh nhân 18,3 ± 4,8 tuổi bị TKCĐ tái hồi với thời gian theo dõi 3,8-12,2 năm.

Đối tượng nghiên cứu: Từ 2013 đến 2021, 160 bệnh nhân TKCĐ được phẫu thuật. Trong số này, 40 bệnh nhân được nội soi theo các chỉ định sau: trật lần đầu kèm mảnh gãy xương sụn, bán trật hoặc trật tái hồi, và trật thường xuyên. Tiêu chuẩn chọn bệnh: chưa phẫu thuật lần nào, theo dõi tối thiểu 2 năm, không có bất thường về trục xương đùi và chày; loại trừ những trường hợp cộng hưởng từ (CHT) không có sẵn hoặc thiếu các chỉ số đánh giá. Cuối cùng, 33 bn (35 khớp gối) từ 7-16 tuổi theo dõi từ 2-10 năm (trung bình 5,5 năm).

Phương pháp nghiên cứu: Các phương pháp bao gồm khâu cánh trong, tái tạo dây chằng chè đùi trong, cắt cánh ngoài, kéo dài gân tứ đầu. Đánh giá tái phát, biến chứng và chức năng sau cùng theo thang điểm Kujala.

Trong số 35 khớp gối, trật lần đầu 2 (5,7%), trật tái hồi 30 (85,7%), và trật thường xuyên 3 (8,6%); Cắt cánh ngoài 27/35 (77,1%), khâu cánh trong 23/35 (65,7%), tái tạo dây chằng chè đùi trong 12/35 (34,3%), kéo dài gân tứ đầu ở 1 khớp gối trật thường xuyên. Biến chứng đáng kể là 1 trường hợp cứng khớp gối sau cắt cánh ngoài + khâu nếp cánh trong. Tái phát ở 4/35 (11,4%) khớp gối; không liên quan đến cắt cánh ngoài (p = 0,21), khâu cánh trong hoặc tái tạo dây chằng chè đùi trong (p = 0,07); trong 23 khớp gối khâu cánh trong, tái phát liên quan đến số mối khâu (p = 0,045). Thang điểm Kujala: 88- 100 (trung bình 95,5).

Phương pháp khâu nếp cánh trong vẫn cho thấy hiệu quả với tỉ lệ tái phát không khác biệt so với phương pháp tái tạo dây chằng chè đùi trong. Lưu đồ về chỉ định nội soi của nhóm nghiên cứu có thể ứng dụng rộng rãi, nhưng cần số liệu lớn hơn và theo dõi dài hơn. Từ khóa: Dây chằng chè đùi trong, cắt cánh ngoài, khâu nếp cánh trong.

Tạp chí y dược học Cần Thơ Số 68/2023
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài