SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Chế tạo dây chuyền sản xuất gỗ nhựa tự động hoá cao bằng nguồn lực trong nước

[05/04/2024 15:30]

Gỗ nhựa là một sản phẩm có nhiều ưu điểm và thân thiện với môi trường. Tuy nhiên tại Việt Nam, hoạt động sản xuất công nghiệp gỗ nhựa chưa thực sự phát triển do phải nhập khẩu dây chuyền, thiết bị với giá cao. Để góp phần giải quyết khó khăn này, được sự hỗ trợ từ Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030, Công ty TNHH Công nghiệp Quang Nam đã tiến hành nghiên cứu, chế tạo thành công dây chuyền sản xuất gỗ nhựa có tính tự động hóa cao với nguồn lực hoàn toàn trong nước.

Mặc dù ở trong nước đã có một số công trình nghiên cứu về gỗ nhựa (cấu trúc, vật liệu...) song hầu như chưa có nghiên cứu về công nghệ thiết kế chế tạo dây chuyền/thiết bị sản xuất gỗ nhựa. Các doanh nghiệp Việt Nam khi cần các dây chuyền/thiết bị này sẽ phải mua sản phẩm nhập khẩu với giá cao, dẫn đến giá thành sản phẩm gỗ nhựa chế tạo trong nước cũng cao. Bên cạnh đó, mỗi khi cần bảo trì, bảo dưỡng hoặc thay thế linh kiện, các doanh nghiệp cũng rất vất vả, tốn kém, lãng phí thời gian, thậm chí có thể bị ngừng nhịp độ sản xuất, gây trễ các đơn hàng... Ngoài ra, việc giá dây chuyền nhập khẩu đắt đỏ sẽ làm cho doanh nghiệp nhỏ và vừa khó tiếp cận, hoặc chỉ tiếp cận được một phần, dẫn đến khó đáp ứng các yêu cầu về sản phẩm chất lượng cao.

Để góp phần giải quyết các vấn đề nêu trên, Chương trình Đổi mới công nghệ quốc gia đến năm 2030 đã hỗ trợ Công ty TNHH Công nghiệp Quang Nam thực hiện đề tài “Nghiên cứu đổi mới dây chuyền, thiết bị công nghệ sản xuất sản phẩm gỗ nhựa phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu”. Thông qua đó, Công ty đã nghiên cứu, chế tạo thành công dây chuyền sản xuất gỗ nhựa có tính tự động hóa cao và làm chủ được quy trình công nghệ chế tạo sản phẩm gỗ nhựa.

Dây chuyền tự động hóa sản xuất gỗ nhựa do Công ty nghiên cứu, chế tạo có công suất 80-100 kg/giờ, sản phẩm đầu ra là gỗ nhựa đạt tiêu chuẩn xuất khẩu.

Dây chuyền này có mức độ tự động hóa cao, từ khâu chuẩn bị nguyên liệu đầu vào cho đến đầu ra của sản phẩm. Dây chuyền có hệ thống máy phụ trợ vận chuyển và cân đo nguyên liệu, giúp quá trình pha trộn và chuyển tiếp các vật liệu phục vụ từng công đoạn diễn ra một cách thuận lợi và chính xác. Các máy và hệ thống vận chuyển được điều khiển tự động, căn chỉnh tốc độ hoạt động phù hợp và ăn khớp nhau, sao cho lượng nguyên liệu đầu ra của máy trước bằng lượng nguyên liệu có thể xử lý của máy sau, giúp hệ thống hoạt động nhịp nhàng, năng suất cao.

Dây chuyền sản xuất được chia thành 2 nhóm máy: tạo hình và tạo họa tiết. Mỗi nhóm máy sẽ gồm các máy chính và máy phụ trợ. Máy chính có chức năng gia công sản xuất chính, máy phụ trợ đi theo thay thế con người thực hiện các chức năng hỗ trợ cho máy chính như: vận chuyển sản phẩm, hỗ trợ gia công, tăng độ chính xác cho máy chính, hút bụi, làm mát…

Dây chuyền đã được Công ty Công ty TNHH Quang Nam ứng dụng trong thực tiễn sản xuất, mang lại hiệu quả tốt hơn cả về năng suất và chất lượng so với trước. Sản phẩm đầu ra đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của khách hàng trong nước và quốc tế.

Tạp chí KH&CN Việt Nam số 1+2 năm 2024 (trang 80-83)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài