SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tác dụng chống oxy hóa của cây rau càng cua thu hái tại Hải Phòng

[12/04/2024 16:36]

Rau càng cua (Peperomia pellucida L.) phân bố rộng ở Việt Nam, được dùng nhiều trong Y học dân gian và làm rau ăn. Nghiên cứu này được thực hiện bởi Ngô Thị Quỳnh Mai, Nguyễn Thị Thu Phương - Trường Đại Học Y Dược Hải Phòng nhằm đánh giá tác dụng chống oxy hóa của cao toàn phần và các phân đoạn từ cây Rau càng cua bằng phản ứng dọn gốc tự do DPPH (2,2–Diphenyl–1– picrylhydrazyl).

Rau càng cua (Peperomia pellucida L.) thuộc họ Hồ Tiêu phân bố ở cả trung du, miền núi và đồng bằng. Toàn cây Rau càng cua được dùng chữa phế nhiệt, viêm họng, giúp lợi tiểu, giải nhiệt, chữa đau lưng cơ co rút...Trong Y học hiện đại, cây Rau càng cua được chứng minh với các tác dụng chống viêm, chống ung thư, chống đái tháo đường, kháng khuẩn, giảm đau. Thành phần hóa học chính của rau càng cua là phenylpropanoid, sesquiterpene, lignan, và flavonoid. Tác dụng chống oxy hóa của cao chiết toàn phần ethanol cây rau càng cua đã được nghiên cứu trong nghiên cứu trước đây của nhóm nghiên cứu trường Đại học Y Dược Cần Thơ. Tuy nhiên tác dụng của các phân đoạn và các chất phân lập từ cây rau càng cua còn hạn chế.

Cây Rau càng cua thu hái tại Hải Phòng vào tháng 11 năm 2021. Mẫu nghiên cứu sau khi được đem rửa sạch. Toàn cây phơi hoặc sấy khô ở 60°C, bảo quản để nghiên cứu thành phần hóa học và tác dụng chống oxy hóa. Kết quả cho thấy tác dụng chống oxy hóa tăng dần theo thứ tự cao toàn phần < cao n- hexan < cao nước < cao ethyl acetat. Trong đó cao phân đoạn ethyl acetat có tác dụng tốt nhất với IC50 là 388,91 µg/mL. Kết quả nghiên cứu cung cấp bằng chứng cho việc sử dụng cây thuốc trong dân gian cũng như là căn cứ cho các nghiên cứu sâu hơn về hóa học và tác dụng sinh học liên quan đến chống oxy hóa.

Dựa trên kết quả của nghiên cứu, các nghiên cứu sâu hơn về thành phần hoạt chất theo định hướng chống oxy hóa và các tác dụng liên quan nên được thực hiện để ứng dụng dược liệu này với hiệu quả tốt hơn.

Tạp chí Y học Việt Nam - Tập 537 Số 1B (2024)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài