SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Ảnh hưởng của chất đáy và mật độ ương lên tỉ lệ sống và tốc độ tăng trưởng của ấu trùng sò huyết trong ao lót bạt (Anadara granosa Linnaeus, 1758)

[15/04/2024 09:52]

Nghiên cứu: “Ảnh hưởng của chất đáy và mật độ ương lên tỉ lệ sống và tốc độ tăng trưởng của ấu trùng sò huyết trong ao lót bạt (Anadara granosa Linnaeus, 1758)” do nhóm tác giả: Nguyễn Thị Thúy Quyên, Lê Thị Thảo, Trần Phan Nhân, La Xuân Thảo - Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản II thực hiện.

Sò huyết (Anadara granosa) là động vật thân mềm hai mảnh vỏ có giá trị cao được nhiều người ưa thích. Bên cạnh giá trị làm thức ăn, sò huyết còn có giá trị trong y học như sản xuất các loại vitamin đặc biệt là vitamin B12 (Hoàng Thị Bích Đào, 2005). Các thành phần sinh hóa như protein, lipid, đường tổng số và hàm lượng tro của thịt sò huyết tương đối cao, đặc biệt là ở sò huyết trưởng thành. Sự có mặt của 9 axit amin không thay thế bao gồm methionine, threonine, lysine, isoleucine, leucine, valine, arginine, histidine và phenylalanine là một ưu điểm của đối tượng này. Trong thịt của sò huyết có các nguyên tố vi lượng cần thiết cho quá trình trao đổi chất như Cu, Fe, Zn, Mn và Ca với hàm lượng cao, đây là nguồn cung cấp khoáng chất lý tưởng cho cơ thể Trong những năm gần đây, từ 2010 đến 2019 diện tích nuôi động vật hai mảnh vỏ tăng bình quân 14,8%/năm (tăng từ 9.024 ha năm 2010 lên 31.191 ha vào năm 2019), diện tích nuôi giai đoạn này tăng nhanh do tính cả diện tích nuôi sò huyết xen ghép trong ao nuôi tôm, sản lượng tăng từ 19.150 tấn vào năm 2010 lên 75.590 tấn vào năm 2019. Sò huyết được nuôi hầu hết các tỉnh ven biển nước ta, nhưng tập trung nhiều ở vùng biển Đông Nam Bộ, Tây Nam Bộ và vịnh Bắc Bộ tập trung ở khu vực Quảng Ninh với nguồn giống khai thác từ tự nhiên, chỉ có một số ít địa phương mới bước đầu sản xuất giống nhân tạo như Thái Bình, huyện Cần Giờ - thành phố Hồ Chí Minh, Bạc Liêu,... Một số tỉnh có bãi sò tự nhiên đã khoanh vùng bảo vệ, cấm khai thác trong mùa sinh sản như Cà Mau, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Phú Yên, Bình Định (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, 2021). Những năm gần đây, nguồn lợi sò huyết trong tự nhiên suy giảm nhanh chóng do nhiều nguyên nhân, trong đó có việc môi trường vùng cửa sông ven biển thay đổi và việc khai thác không hợp lý đã làm cho nguồn lợi sò huyết ngày càng cạn kiệt. Để bảo vệ và phát triển nguồn lợi, đồng thời tạo sản phẩm cung cấp lâu dài và liên tục đáp ứng nhu cầu của thị trường cần phải có những đầu tư nghiên cứu, tiến tới chủ động sản xuất con giống, phát triển nuôi thương phẩm. Vòng đời sò huyết gồm giai đoạn ấu trùng trôi nổi chỉ xảy ra trong thời gian ngắn và chủ yếu là sống đáy, do đó nền đáy rất quan trọng. Nhiều nghiên cứu đều tìm thấy sò huyết A. granosa phân bố ở nền đáy bùn mịn (Võ Thế Minh và Ngô Thị Thu Thảo, 2013). Ngược lại, cũng có những phát hiện sò ở các vùng có nền đáy khác (Boonruang và Janekarn, 1983). Tại Cần Giờ, tăng trưởng của sò huyết được Trí và Lin (1999) điều tra cho thấy có thể liên quan đến thành phần đất sét và chất hữu cơ của bãi nuôi. Để xác định điều đó đã có những nghiên cứu về vai trò của nền đáy trong giai đoạn chuyển từ sống trôi nổi sang sống đáy tại Việt Nam: tỉ lệ sống rất thấp khi không có chất đáy (1,4 - 3,1%) hoặc chất đáy cát (1,1 - 2,6%), tỉ lệ này tăng lên khi có nền đáy là bùn-cát (7:3) (2,2% - 3,4%) hoặc bùn mịn (1,6% - 3,7%) trong điều kiện thí nghiệm độ mặn từ 10 ppt – 35 ppt (La Xuân Thảo, 2004; Hoàng Thị Bích Đào, 2005). Tương tự, trong điều kiện thí nghiệm Nuramira et al. (2021) xác định ở nền đáy cát (cỡ hạt cát 1 - 2,36 mm) sò A. granosa cỡ 20 – 30 mm (chiều dài vỏ) tăng trưởng tốt hơn và tỉ lệ sống cao hơn so với ở nền đáy bùn (cỡ hạt bùn 1,4 – 78 µm) (Nuramira và ctv., 2021). Các nghiên cứu về chất đáy của sò giai đoạn đáp đáy (spat) chưa nhiều. Bên cạnh mật độ cũng là một trong những yếu tố quan trọng ảnh hưởng rõ rệt tới sò do cạnh tranh thức ăn, không gian sống. Qua nhiều năm nghiên cứu, Broom xác định được tỉ lệ chết của cả hai quần đàn sò huyết giống cỡ 10 mm chiều dài vỏ có nguồn gốc từ tự nhiên và từ sản xuất nhân tạo đều không bị ảnh hưởng bởi mật độ ương ban đầu 2.500 con/m2 nhưng tỉ lệ này sẽ tăng khi mật độ ương cao hơn, đồng thời nghiên cứu cũng cho thấy sản lượng tính theo số lượng cá thể giảm khi mật độ ương nuôi sò giống có nguồn gốc nhân tạo tăng (Broom, 1983). Ở giai đoạn ấu trùng trôi nổi A. granosa, mật độ ương 1 - 2 con/mL cho tăng trưởng và tỉ lệ sống cao nhất trong điều kiện thí nghiệm so với mật độ 3 - 4 con/mL (La Xuân Thảo, 2004; Hoàng Thị Bích Đào, 2005) và kết quả tương tự ở sò A. grandis ở giai đoạn ấu trùng 230 μm (ReynosoGranados et al., 2012)230 ± 20 m (mean ± SD, n = 20. Ương nuôi sò huyết từ giai đoạn ấu trùng Veliger trong ao lót bạt tại Cần Giờ chưa được nghiên cứu, vì vậy cần xác định các yếu tố như chất đáy, mật độ ương ấu trùng sò huyết trong ao lót bạt tại Cần Giờ nhằm góp phần nâng cao hiệu quả ương sò hiện nay tại địa phương.

Nghiên cứu này xác định ảnh hưởng của chất đáy và mật độ ương đến tỉ lệ sống và tốc độ tăng trưởng của sò huyết giai đoạn từ ấu trùng Veliger (ấu trùng chữ D) tới spat trong ao đất lót bạt 100 m2 trong 32 ngày tại Cần Giờ, thành phố Hồ Chí Minh. Thí nghiệm được bố trí với ba lần lặp lại của ba nghiệm thức trong chín ao có diện tích mỗi ao là 100 m2 . Kết quả cho thấy sò huyết khi ương ở chất đáy cát mịn (0,05 – 0,25 mm) với mật độ 500 ấu trùng/L có tỉ lệ sống cao nhất 3,00 ± 0,26% và tốc độ tăng trưởng 4,15 ± 0,08%/ngày; ngược lại tỉ lệ sống và tốc độ tăng trưởng thấp nhất của ấu trùng ở chất đáy cát trung bình (0,25 - 0,5 mm) lần lượt là 1,70 ± 0,35 % và 3,76 ± 0,17%/ngày. Với chất đáy cát cỡ mịn, mật độ 700 Veliger/L có tỉ lệ sống cao nhất 3,16 ± 0,15% nhưng khác biệt không có ý nghĩa thống kê (P > 0,05) so với hai mật độ ấu trùng còn lại (500 và 1.000 Veliger/L) trong khi tăng trưởng của sò ở mật độ trên là 4,22 ± 0,18%/ngày cao hơn có ý nghĩa so với mật độ 1.000 Veliger/L, 3,72 ± 0,07%/ngày (P < 0,05), do đó mật độ ương nuôi sò huyết từ Veliger đến spat phù hợp trong ao lót bạt với đáy cát mịn tại Cần Giờ là 1.000 con/L.

 

Tạp chí nghề cá ĐBSCL,số 23/2022
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài