SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Chương trình NTMN: Mới đáp ứng 57% đề xuất của địa phương

[21/01/2013 15:32]

Thông tin trên được đưa ra tại “Hội nghị sơ kết hai năm thực hiện Chương trình hỗ trợ ứng dụng và chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ phục vụ phát triển kinh tế - xã hội Nông thôn và Miền núi, giai đoạn 2011 – 2015” tại Bình Định diễn ra mới đây.

Dự án nuôi cấy mô...

Nhiều dự án phát huy hiệu quả

Bà Trần Thị Thu Hà - Phó chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, là một tỉnh có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp, Bình Định đã đầu tư mạnh KH&CN cho lĩnh vực này.

Cụ thể, trong hai năm qua, tỉnh đã nghiên cứu chuyển giao nhiều giống cây trồng mới có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất (như giống lúa thuần ĐB6, ĐB5 và các giống lúa lai Nhị ưu 69, Nghi Hương 2308,… Những giống lúa này là kết quả của chương trình chuyển đổi từ 3 vụ lúa sang 2 vụ lúa/ năm của

tỉnh. Các giống cây trồng khác như giống lạc L14, LDH 01 và quy trình nhân giống lạc vụ Thu Đông trên đất gò đồi đạt năng suất 25 tạ/ha); Tạo lập được được nhiều giống gia cầm, gia súc thích nghi với điều kiện khí hậu của tỉnh như gà Sao hướng thịt, gà Ai Cập hướng trứng, bê lai F1 giữa bò chuyên thịt Crimousine và bò cái lai nền Zebu…

Ông Võ Ngọc Anh, Phó Giám đốc Phụ trách Sở KH&CN Bình Định cho hay, dự án Nông thôn Miền núi đã tạo thêm việc làm cho người lao động trong tỉnh, nâng cao thu nhập cho nông dân vùng khó khăn, góp phần xóa đói giảm nghèo, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường ở địa phương.

Trong đó phải kể đến như: dự án “Xây dựng mô hình sản xuất cây mai vàng chất lượng cao theo hướng chuyên canh, hàng hoá tại tỉnh Bình Định” đã xây dựng được các mô hình thâm canh cây mai vàng theo hướng sản xuất sạch tại các làng nghề trồng mai của xã Nhơn An, Thị xã An Nhơn quy mô 10.000 chậu mai/ 10 hộ/ 4 thôn làng nghề. Tại các mô hình, cây mai phát triển tốt, lá xanh dày, ít sâu bệnh và chống chịu được điều kiện bất thường của thời tiết. Thời gian sâu bệnh trở lại trên cây mai ở mô hình chậm hơn lô cây đối chứng.

Hay dự án “Xây dựng mô hình sản xuất và ứng dụng chế phẩm nấm ký sinh (Metarhizium sp.)  để quản lý rầy nâu hại lúa ở Bình Định” đã nhận chuyển giao công nghệ 12 quy trình kỹ thuật từ Viện lúa Đồng bằng sông Cửu Long về phân lập, tuyển chọn, nhân sinh khối, bảo quản, giữ giống, sản xuất chế phẩm nấm ký sinh và triển khai áp dụng để quản lý rầy nâu hại lúa ở Bình Định giúp cho bà con nông dân tại đây hạn chế sâu bệnh, tăng năng suất cây lúa mỗi vụ thu hoạch.

Đặc biệt là dự án “Xây dựng mô hình nhân nhanh giống mía mới bằng công nghệ nuôi cấy mô tại Bình Định” thông qua đó đã nhận chuyển giao công nghệ 6 quy trình kỹ thuật nhân nhanh giống mía mới. Triển khai nhân được 1.000 bình giống gốc, ra ươm được 30.000 cây để làm vườn giống cung cấp giống gốc cho nhân nhanh giống mía mới phục vụ sản xuất, lợi nhuận thu được: 16,8 triệu đồng/ha (so với 2,05 triệu đồng trước đây).

Anh Thiệu Văn Huy, nông dân trông mía tại đây chia sẻ, dự án đã hỗ trợ gia đình anh (vụ mía 2012 – 2013) 100% mía giống nuôi cấy mô và các vật tư khác như: phân (chuồng, vô cơ, vi sinh), chế phẩm vi sinh xử lý đất, thuốc bảo vệ thực vật... Thông qua việc tham gia vào dự án, không chỉ gia đình anh mà các hộ dân khác đã được tập huấn hướng dẫn kỹ thuật tại ruộng, được tiếp cận giống mía mới, kỹ thuật canh tác mía hàng đôi, dùng chất vi sinh xử lý đất trồng mía… Từ đó giúp cho người dân nhận thức được việc trồng thâm canh và áp dụng khoa học kỹ thuật góp phần tăng năng suất mía trên một đơn vị diện tích, mạnh dạn đầu tư để tăng thêm thu nhập, nâng cao hiệu quả kinh tế.

Cần thành lập doanh nghiệp công nghệ cao

Theo Vụ trưởng, Trưởng Ban KH&CN địa phương (Bộ KH&CN) Hồ Ngọc Luật thì việc triển khai các dự án thuộc chương trình Nông thôn Miền núi trong thời gian qua cho thấy hiệu quả đầu tư vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương chủ yếu tập trung giải quyết 3 nhóm vấn đề: Chuyển giao và tiếp nhận công nghệ; Đào tạo kỹ thuật viên và tập huấn cho nông dân; Ứng dụng công nghệ vào thực tế thông qua các mô hình cho nông dân làm chủ, phát triển các công nghệ được chuyển giao và phát triển kinh tế địa phương bằng khoa học, công nghệ.

7.jpg

...và dự án trông mía đã giúp nông dân vươn lên làm giầu.

Qua hai năm thực hiện, đến nay đã có 278 dự án thuộc chương trình được phê duyệt và đang triển khai; có 27 dự án do doanh nghiệp làm đơn vị chủ trì mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, 99 doanh nghiệp cải tiến công nghệ theo hướng tiên tiến, hiện đại. Ngoài ra, chương trình đã chuyển giao trên 960 công nghệ tiên tiến, kỹ thuật mới vào vào sản xuất nông nghiệp, nâng cao hiệu quả sản xuất cho người dân; Phát triển năng lượng gió, mặt trời, khí sinh học- biogas bảo vệ môi trường; Đào tạo kỹ thuật cho 2.560 cán bộ kỹ thuật viên cơ sở làm nòng cốt, tập huấn cho trên 61.000 người dân; Hỗ trợ hình thành 60 doanh nghiệp nhỏ và vừa, ứng dụng công nghệ mới, công nghệ cao.

Mặc dù mang lại nhiều đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội tại nhiều địa phương trong cả nước, giúp người dân vùng nông thôn và miền núi thoát khỏi cảnh đói nghèo,… Tuy nhiên, Chương trình mới chỉ đáp ứng được 57% đề xuất của các địa phương. Cụ thể, tổng kinh phí được phê duyệt thực hiện chương trình là 1.300 tỉ đồng nhưng hiện nay, chương trình mới chỉ hỗ trợ được 57% nhu cầu đề xuất của các địa phương, thông tin đưa ra tại hội nghị cho biết.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ KH&CN Nguyễn Quân cho biết, trong thời gian tới Bình Định nên thành lập được một số doanh nghiệp công nghệ cao. Đây sẽ là lực lượng tiên phong góp phần thay đổi kinh tế - xã hội theo hướng nhanh và bền vững. Bộ trưởng khẳng định sẽ ủng hộ những đề xuất mà tỉnh đưa ra, tuy nhiên địa phương nên viết thành những dự án có sức thuyết phục, phương án đầu tư, cam kết hiệu quả, không chỉ phục vụ cho Bình Định mà còn khu vực miền Trung để những dự án, đề tài KH&CN thực sự mang lại hiệu quả.

Đồng thời, Bộ trưởng cũng đề nghị Ban chỉ đạo Chương trình Nông thôn miền núi cần phối hợp với Bộ KH&CN, Bộ Tài chính và các Bộ, Ngành liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép bổ sung kinh phí từ ngân sách sự nghiệp KH&CN Trung ương khoảng 300 tỷ đồng để tiếp tục triển khai một số dự án mới nhằm thực hiện triệt để và toàn diện mục tiêu, nội dung Chương trình Nông thôn miến núi.

Theo Bộ trưởng, trước mắt Bình Định cần tăng cường hơn nữa công tác xã hội hóa hoạt động KH&CN, cùng với đầu tư của Nhà nước cần khuyến khích hoạt động KH&CN của các doanh nghiệp trong việc xây dựng Quỹ phát triển KH&CN. Đổi mới cơ chế tài chính cho KH&CN, cần xem xét bổ sung dự toán kinh dự phòng để thuận lợi trong triển khai các nhiệm vụ KH&CN, kinh phí thuê chuyên gia để thu hút sự đóng góp nhiều hơn nữa của các nhà khoa học cho các vùng nông thôn, miền núi.

Đồng tình với nhận định trên, Bà Trần Thị Thu Hà chia sẻ, để chương trình thực sự phát huy hiệu quả, cần sự phối hợp đồng bộ giữa cơ quan chủ trì dự án với các đơn vị liên quan, với địa phương triển khai mô hình và hộ dân trực tiếp tham gia mô hình để triển khai có kết quả các mô hình của dự án, định kỳ đánh giá kết quả và xây dựng phương án nhân rộng mô hình phù hợp với điều kiện từng vùng của địa phương.

Đặc biệt là các đơn vị sự nghiệp khoa học công nghệ nên chủ trì các dự án chuyển giao tiến bộ KH&CN vào sản xuất và các dự án nghiên cứu ứng dụng cung cấp nguồn giống đầu dòng. Về phía các doanh nghiệp nên chủ trì thực hiện các dự án ứng dụng KH&CN trong sản xuất ra sản phẩm cụ thể và trực tiếp có doanh thu.

http://baodatviet.vn (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài