SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khoa học - công nghệ gắn với đời sống xã hội

[29/01/2013 20:29]

Song song với kết quả đạt được như xét duyệt và triển khai 104 đề tài, dự án; nghiệm thu 82 đề tài, dự án khoa học - công nghệ (KH-CN); đánh giá hiệu quả điều trị của chế phẩm Ruvintat; bước đầu sản xuất thử 150.000 chip vi xử lý thay thế chip nhập khẩu… thì nhiệm vụ năm 2013 của Sở KH-CN TPHCM cho thấy phải gắn liền với đời sống xã hội.

Phó Chủ tịch UBND TPHCM Lê Mạnh Hà
trao bằng khen cho các cá nhân có thành tích
xuất sắc trong hoạt động KH-CN năm 2012.
Ảnh: T.HÂN

Ứng dụng và phát triển công nghệ cao

Tại buổi tổng kết hoạt động của Sở KH-CN TPHCM năm 2012 vừa được tổ chức, trọng tâm hoạt động KH-CN của sở cho thấy, các chương trình sẽ gắn liền với đặc thù của TPHCM, như tập trung nghiên cứu các giải pháp KH-CN chống kẹt xe, chống ngập nước; phát triển vi mạch bán dẫn; thương mại hóa các sản phẩm khoa học công nghệ.

Tiếp tục triển khai 13 chương trình nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ giai đoạn 2011 - 2015, chú trọng đến các lĩnh vực: khoa học xã hội, bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu, an ninh quốc phòng, vật liệu mới, năng lượng mới, phát triển các sản phẩm ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sạch từ công nghệ nano, công nghệ sinh học, công nghệ tự động hóa…

Ông Phan Minh Tân, Giám đốc Sở KH-CN cũng cho biết thêm, cần đẩy mạnh đổi mới công nghệ phục vụ tái cấu trúc doanh nghiệp, vườn ươm doanh nghiệp công nghệ; nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa và phát triển tài sản trí tuệ của doanh nghiệp; phát triển thị trường KH-CN, đưa sàn giao dịch công nghệ thử nghiệm hoạt động hiệu quả; phát triển khoa học dịch vụ hỗ trợ các ngành dịch vụ thành phố phát triển dựa trên nền tảng ứng dụng các công nghệ quản lý tiên tiến...

“Song song đó tập trung triển khai chương trình ứng dụng và phát triển công nghệ cao, tăng tỷ trọng đóng góp của công nghiệp công nghệ cao trong GDP của thành phố. Tiếp tục hoàn thành các công trình khu công nghệ cao, công viên khoa học và công nghệ, khu nông nghiệp công nghệ cao, trung tâm công nghệ sinh học nhằm thu hút các dự án đầu tư của nước ngoài cũng như các doanh nghiệp trong nước… tiếp tục là những công tác trọng tâm”, ông Tân nhấn mạnh.

Đặt hàng nghiên cứu

Trên những kết quả đã đạt được, TPHCM tiếp tục đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng KH-CN vào phát triển các sản phẩm công nghệ cao tiếp tục được thực hiện, đặc biệt chú trọng đến các chương trình nghiên cứu như: phát triển vi mạch bán dẫn, công nghệ nano và vật liệu mới - công nghiệp dược; công nghệ sinh học. Năm 2013 cũng bắt đầu triển khai Chương trình phát triển khoa học dịch vụ đến năm 2015, gồm: đào tạo nguồn nhân lực cho ngành khoa học dịch vụ; thí điểm ứng dụng khoa học dịch vụ tại một vài doanh nghiệp trong ngành du lịch và CNTT của thành phố…

Tuy nhiên, để các chương trình trên đạt được kết quả tốt thì tiếp tục đổi mới và hoàn thiện cơ chế quản lý và chính sách phát triển KH- CN sẽ là khâu đột phá. Đáng chú ý, Sở KH-CN TPHCM đã nghiên cứu đề xuất đổi mới cơ chế quản lý đầu tư và tài chính KH-CN phù hợp với đặc thù của hoạt động KH-CN của thành phố.

Với vấn đề này, ông Phan Minh Tân cho biết cụ thể: Năm 2013 sẽ áp dụng thí điểm cơ chế mua sản phẩm khoa học từ công trình nghiên cứu khoa học cho một số đề tài, dự án KH-CN bằng hình thức hợp đồng đặt hàng nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ. Khuyến khích doanh nghiệp đặt hàng, đồng đầu tư trong nghiên cứu khoa học theo hướng xã hội hóa đầu tư cho phát triển khoa học và công nghệ.

Tập trung đầu tư nghiên cứu đề xuất các giải pháp khoa học công nghệ trong lĩnh vực chống kẹt xe, chống ngập nước, tạo ra sản phẩm công nghệ mới góp phần quan trọng vào chuyển dịch cơ cấu kinh tế của thành phố. 

Công tác nghiên cứu phát triển các sản phẩm công nghệ cao, làm tiền đề cho sự chuyển đổi cơ cấu sản phẩm công nghiệp theo hướng hiện đại hóa và phát triển bền vững đạt được khá nhiều kết quả. Điển hình sản phẩm lõi IP điều khiển thay thế một số thiết bị, linh kiện nhập; chip thương mại SG8-V1; chip nhận dạng từ xa bằng sóng radio - RFID; các bộ kit chẩn đoán bệnh; ứng dụng GIS trong quản lý duy tu nâng cấp, xây dựng mới hạ tầng giao thông (thí điểm tại quận 1); ứng dụng nano sắt từ trong chẩn đoán hình ảnh; sản xuất nano bạc và ứng dụng trong khử trùng; năng lượng sinh khối; nhiên liệu sinh học; nhiên liệu diesel nhũ tương sử dụng cho các loại động cơ đốt trong tiết kiệm nhiên liệu và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đăng ký các sản phẩm (chip điện tử; kháng thể đơn dòng tái tổ hợp dùng trong chẩn đoán và điều trị ung thư) vào danh mục sản phẩm quốc gia…

http://www.sggp.org.vn (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài