SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tự chủ làm khoa học: Đường đi nhiều chông gai

[09/03/2013 08:51]

Sau 6 năm thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo Nghị định 115 và Nghị định 80 của Thủ tướng Chính phủ, các tổ chức khoa học công nghệ của Bộ Công Thương đã đạt được nhiều thành tựu trong hoạt động nghiên cứu và triển khai, tham gia nhiều dự án, phát huy tính sáng tạo, lợi nhuận thu được do đó tăng đáng kể.

Thứ trưởng Bộ Công Thương 

Nguyễn Cẩm Tú phát biểu tại Hội nghị 

Thành tựu thấy rõ 

Hiệu quả rõ nét được đề cập tại hội nghị tổng kết “6 năm thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các tổ chức khoa học công nghệ (KH&CN) thuộc Bộ Công Thương” vừa diễn ra tại Hà Nội. 

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Cẩm Tú, sau 6 năm thực hiện, Nghị định 115/2005/NĐ-CP đã cho thấy sự đúng đắn về chủ trương chuyển đổi mô hình hoạt động của các tổ chức KH&CN nhằm tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, qua đó, phát huy tính sáng tạo của cán bộ KH&CN. 

Bộ Công Thương hiện có 22 viện nghiên cứu thuộc diện chuyển đổi mô hình theo Nghị định 115 và Nghị định 80, trong đó có 19 viện được phê duyệt đề án hoạt động theo mô hình tổ chức KH&CN tự trang trải kinh phí hoạt động thường xuyên và 3 đơn vị được phê duyệt đề án hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH&CN. Việc chuyển đổi này đã giúp tăng cường tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm trong hoạt động, phát huy nguồn lực sáng tạo, tăng cường sự gắn kết giữa nghiên cứu và sản xuất của các tổ chức KH&CN công lập. Điều này được thể hiện rõ ở chỗ doanh thu từ hoạt động KH&CN của nhiều viện đã tăng lên đáng kể, trong đó tỷ lệ doanh thu từ các hợp đồng tư vấn, dịch vụ KH&CN, chuyển giao công nghệ từ các nguồn ngoài ngân sách nhà nước đã tăng mạnh, đặc biệt có viện chiếm đến 90%. 

Ông Nguyễn Đình Hiệp, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ, Bộ Công Thương cũng cho rằng, sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, doanh thu của phần lớn các viện đều tăng cao. Đặc biệt, một số viện như Viện Cơ khí Năng lượng mỏ, Viện Máy và Dụng cụ công nghiêp (IMI) có doanh thu trên 500 tỷ đồng/năm. Trong đó, tỷ trọng doanh thu từ hoạt động tự chủ chiếm tới 90% tổng doanh thu. 

Riêng về việc thành lập các doanh nghiệp KH&CN, hiện Bộ Công Thương đã có 3 viện được chuyển đổi hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH&CN là: Công ty TNHH MTV Viện Kinh tế kỹ thuật Thuốc lá; Công ty TNHH MTV Viện Máy và Dụng cụ công nghiệp (IMI); Công ty TNHH MTV Viện Công nghiệp Giấy và Xenluylo. Việc chuyển đổi này sau 6 năm cũng khẳng định tính đúng đắn khi đạt được những hiệu quả đáng ghi nhận. Cụ thể, sau 6 năm thực hiện chuyển đổi, được quyền chủ động trong các hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, IMI đã được cấp chứng nhận cho 10 giải pháp hữu ích và kiểu dáng công nghiệp các sản phẩm cơ điện tử; 15 phần mềm ứng dụng và góp phần thiết kế chế tạo thành công trên 100 sản phẩm mới, ứng dụng có hiệu quả vào sản xuất công nghiệp, mang lại doanh thu hàng trăm tỷ đồng cho Viện IMI và các đơn vị thành viên mỗi năm… Viện Nghiên cứu Cơ khí là một đơn vị tiêu biểu cho sự thành công sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động. Nói về những cái “được” này, ông Nguyễn Chỉ Sáng – Viện trưởng chia sẻ: Sau khi chuyển đổi mô hình hoạt động, Viện đã giành được nhiều thành công trong các đề án nghiên cứu khoa học như nội địa hóa thiết bị cơ khí thủy công, cơ khí xi măng… Bên cạnh đó, doanh thu giai đoạn 2002-2011 của Viện đã tăng khoảng 30%, bộ máy hoạt động được sắp xếp gọn nhẹ, không chỉ chủ động trong tuyển dụng nhân lực mà còn trong việc thuê chuyên gia nước ngoài, điều này đã giúp Viện chủ động trong các nhiệm vụ được triển khai. Do đó, tình thế có vẻ đã thay đổi khá nhiều. “Nếu như trước đây, chúng tôi phải chủ động liên hệ để tìm cơ hội hợp tác với các tổ chức nước ngoài thì đến nay, đã có một số đối tác nước ngoài tìm đến và hợp tác với chúng tôi. Đây quả là những điều trước kia có nằm mơ không thấy”. Ngoài ra, nhiều DN trong nước như Lilama cũng đã lựa chọn Viện Nghiên cứu Cơ khí làm đơn vị tư vấn thiết kế chính cho các công trình đầu tư trọng điểm trong nước. 

 Khó khăn “kìm giữ” 

Tuy nhiên, sau 6 năm thực hiện cơ chế chuyển đổi cho các tổ chức, đơn vị khoa học công nghệ, về lâu dài, còn khá nhiều những khó khăn đã và đang “kìm chân” các tổ chức KH&CN này. Khó khăn đầu tiên chính là việc khó tiếp cận vốn vay. Đây cũng đang là hạn chế khiến các đơn vị này ít được tham gia các dự án lớn. 

Chia sẻ về vấn đề này, ông Sáng cho biết, cách đây 3 năm, để tiếp tục dự án chế tạo thiết bị cơ khí thủy công, Viện Nghiên cứu Cơ khí đã phải thế chấp tài sản để vay tiền, do Viện chỉ được xếp hạng tín nhiệm trung bình khá nên trong tình hình khó khăn về vốn, các viện nghiên cứu thường là đối tượng bị hạn chế cho vay đầu tiên. Thực tế những gì các tổ chức KH&CN đang đối mặt cũng đều nói lên điều này. Trong giai đoạn chuyển đổi, do chưa được giao tài sản, đất đai nên các tổ chức KH&CN không thể thế chấp tài sản để vay vốn ngân hàng cho sản xuất kinh doanh, huy động vốn đầu tư để thực hiện các hợp đồng, dự án kinh tế lớn. Ngoài ra, việc các cơ quan quản lý nhà nước không phân biệt các tổ chức KH&CN hoạt động theo Nghị định 115 và các tổ chức KH&CN chưa chuyển đổi hoặc không phải chuyển đổi trong việc tham gia đấu thầu các đề tài nghiên cứu khoa học của Nhà nước (trong khi đơn vị đã chuyển đổi phải tính chi phí lương trong giá thầu trong khi đơn vị chưa chuyển đổi không phải tính lương vì đã được cấp lương thường xuyên), làm ảnh hưởng đến tính cạnh tranh của các đơn vị KH&CN đã chuyển đổi…

Đại diện Viện Nghiên cứu Dầu và Cây có dầu cho biết, do hoạt động theo Nghị định 115 nên các viện về nguyên tắc không sử dụng tài sản để thế chấp vay vốn, do đó không đủ tài chính để thực hiện các hợp đồng lớn. Bên cạnh đó, một khó khăn nữa đối với tạo nguồn tài chính cho nghiên cứu khoa học là việc chưa khai thác được cơ sở hạ tầng hiện có để đưa vào liên doanh liên kết. 

Xuất phát từ những gì đã phải đối mặt trong 6 năm chuyển đổi qua, tại Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện cơ chế tự chủ của các tổ chức KH&CN thuộc Bộ Công Thương, các viện đã đưa ra một số kiến nghị một số vấn đề về ưu đãi thuế, tín dụng… Cụ thể, các viện đề xuất để được vay vốn trung hạn, dài hạn với lãi suất ưu đãi và mức vay là 100% dự toán đầu tư. 

Chia sẻ với những bức xúc của các tổ chức KH&CN, theo Bộ Công Thương, cần có quy định cụ thể về cơ chế ưu đãi cho các viện nghiên cứu khi chuyển từ thực hiện theo Nghị định 115 sang loại hình doanh nghiệp KH&CN như Nghị định 80. Ngoài ra, cần có hướng dẫn chuyển các viện trực thuộc các tập đoàn, tổng công ty hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Nếu chuyển sang doanh nghiệp khoa học công nghệ và áp dụng mô hình công ty cổ phần, nên có cơ chế riêng về quy định vốn điều lệ, về giá trị phần vốn nhà nước, về đại diện chủ sở hữu vốn nhà nước.                                                                                  

http://www.vista.vn (ttxthanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài