SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bàn giải pháp phát triển KH&CN địa phương

[16/03/2013 11:55]

Cần thành lập tại mỗi vùng một mô hình liên kết giữa sản xuất kinh doanh, giáo dục đào tạo, khoa học và công nghệ (KH&CN) và tạo lập môi trường hợp tác giữa các địa phương; tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ; nâng cao nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành về vai trò và vị trí của KH&CN với phát triển kinh tế xã hội địa phương;…

Nhiều giống ngô ngắn ngày, năng suất cao được nghiên cứu thành công và trồng tại Bắc Kạn. Ảnh: NH

Đó là những giải pháp nhằm phát triển KH&CN địa phương được đưa ra tại hội Giám đốc các Sở KH&CN ngày 9/3 tại Hà Nội, tiếp sau thành công của hội nghị toàn quốc triển khai Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 - 2020.

Ngân sách cho KH&CN địa phương: Có tín hiệu tốt

Những năm gần đây, đầu tư từ Ngân sách Nhà nước (NSNN) cho phát triển hoạt động KH&CN đã đảm bảo được mục tiêu đặt ra theo Luật Khoa học công nghệ là đạt 2% tổng chi NSNN (tương đương 0,5-0,6% GDP) và đạt tốc độ tăng chi bình quân 19% trong giai đoạn 2007-2011, tương đương với tốc độ tăng tổng chi NSNN. Đến nay, NSNN vẫn là nguồn lực chủ đạo, chiếm tới 65-70% tổng đầu tư của toàn xã hội cho hoạt động KH&CN.

Về cơ cấu chi cho KH&CN, trong tổng chi NSNN cho hoạt động KH&CN giai đoạn 2006-2011, chi đầu tư phát triển chiếm bình quân 35,5% và chi thường xuyên chiếm bình quân 48%. Tổng chi ngân sách cho KH&CN hàng năm (100%) được phân bổ: địa phương chiếm từ 33% - 35%, Bộ, ngành, tổ chức KH&CN Trung ương khoảng 56%-59%, nhiệm vụ nhà nước từ 9%-11%.

Thực tế, kinh phí ngân sách chi cho các hoạt động KH&CN tại địa phương lớn hơn khoảng 1,3 lần tỷ lệ phân bổ này vì rất nhiều nhiệm vụ KH&CN (chương trình, đề tài, dự án) của các Bộ, ngành ở Trung ương được thực hiện tại địa phương để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, đem lại lợi ích trực tiếp cho các địa phương, nhưng do tính chất phức tạp, liên ngành của nhiệm vụ, các tổ chức KH&CN ở các địa phương không hoặc chưa đảm nhiệm được.

5.jpg

Lãnh đạo Bộ KH&CN thăm mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học xử lý rơm rạ thành phân bón cây trồng tại Thái Bình. Ảnh: PH

Theo báo cáo của Ban KH&CN địa phương (Bộ KH&CN), việc giải ngân kinh phí sự nghiệp khoa học của địa phương thời gian qua đã có những tín hiệu tốt, đảm bảo 99,5%. Ngày càng nhiều địa phương sử dụng hiệu quả nguồn kinh phí này. Có 39/63 địa phương phê duyệt bằng và cao hơn mức Trung ương cân đối. Đặc biệt, một số địa phương phê duyệt cao hơn 3% – 55% như Sơn La, Điện Biên, Nam Định, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Đồng Nai (27%), Bình Thuận, Long An, Cần Thơ, Cà Mau (55%); từ 90%-97% có các tỉnh Yên Bái, Hòa Bình, Vĩnh Phúc, Quảng Ngãi, TP.HCM, Bình Dương,…

Bên cạnh đó, các tỉnh còn huy động nguồn ngân sách từ các chương trình quốc gia và các nguồn lực đáng kể khác ngoài NSNN cho phát triển KH&CN. Theo tính toán, ngoài nguồn NSNN, nguồn lực đầu tư cho KH&CN đến nay đã chiếm khoảng 30-35% tổng đầu tư toàn xã hội cho phát triển KH&CN. Ngoài ra, hiện có 29 địa phương đã có Quỹ phát triển KH&CN, 5 tỉnh, thành phố sẽ thành lập Quỹ trong năm 2013.

Mặc dù các địa phương có tỷ lệ giải ngân kinh phí sự nghiệp khoa học cao nhưng trong số đó, có một số địa phương sử dụng chưa đúng mục đích nguồn kinh phí này. Ví dụ như Hà Nội sử dụng nguồn kinh phí dành cho KH&CN để xây dựng đường từ đường 32 vào Khu Công nghiệp Nam Thăng Long, xây dựng, lắp cột anten và trung tâm kỹ thuật truyền dẫn phát sóng; Thanh Hóa dùng để đầu tư trang thiết bị đào tạo cao đẳng chuyên ngành kỹ thuật xét nghiệp đa khoa và kỹ thuật hình ảnh y học của Trường Cao đẳng y tế Thanh Hóa; hay Hưng Yên sử dụng xây dựng mạng lưới quan trắc tài nguyên dưới lòng đất, tài nguyên mặt nước và khu xử lý chất thải rắn thành phố Hưng Yên (giai đoạn 2), bãi rác thải huyện Khoái Châu;…

Theo kết quả điều tra năm 2011, tổng kinh phí địa phương đầu tư cho nghiên cứu và phát triển là 1.107 tỷ đồng. Trong đó, các viện nghiên cứu, trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN sử dụng 267 tỷ đồng, cơ quan hành chính sự nghiệp KH&CN sử dụng 641 tỷ, chiếm 58,3%. Con số này cũng phản ánh một phần thực trạng KH&CN hiện nay tại địa phương.

Tăng cường ứng dụng KH&CN vào sản xuất

Với những cơ chế, chính sách đã được ban hành, từ Nghị quyết Trung ương 6 về Phát triển KH&CN, Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020 tới dự thảo Luật KH&CN (sửa đổi) đã trình Quốc hội cho ý kiến và sẽ được trình thông qua tại kỳ họp tháng 5/2013, có thể nói, KH&CN đang có những điều kiện rất thuận lợi.

Còn với KH&CN địa phương, TS. Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng, Trưởng Ban KH&CN Địa phương cho rằng, lần đầu tiên trong Chiến lược phát triển KH&CN có nội dung cụ thể về nhiệm vụ chiến lược phát triển KH&CN địa phương. Nhiệm vụ đầu tiên là tập trung khai thác lợi thế, điều kiện đặc thù của từng vùng để đẩy mạnh sản xuất hàng hóa là các sản phẩm chủ lực. Thành lập tại mỗi vùng một mô hình liên kết giữa sản xuất kinh doanh, giáo dục đào tạo, KH&CN và tạo lập môi trường hợp tác giữa các địa phương.

Bên cạnh đó, hình thành các sàn giao dịch công nghệ từ TP. Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, Đà Nẵng liên thông với hệ thống trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN của các tỉnh, thành phố, kết nối với các sàn giao dịch công nghệ và thế giới. Đồng thời, xây dựng hệ thống tổ chức và cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ hoạt động KH&CN. Các Sở KH&CN cần chú ý đến việc xây dựng các Trung tâm Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng để sẵn sàng kết nối với các Trung tâm khác tạo nên một mạng lưới cung cấp dịch vụ cho doanh nghiệp và xã hội.

6.jpg

Ứng dụng KH&CN sản xuất phụ tùng xe máy của doanh nghiệp tại Hà Nội. Ảnh: NH

Nội dung thứ 2 của Chiến lược về phát triển KH&CN địa phương là tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới công nghệ. Cần sớm hình thành được các khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, khu công nghệ thông tin tập trung, các vùng sản xuất hàng hóa tập trung. Chú trọng sản xuất nông nghiệp sạch với quy mô công nghiệp. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, công nghệ bảo quản và chế biến sau thu hoạch vào sản xuất.

Ông Lường Đăng Ninh, Giám đốc Sở KH&CN Lạng Sơn cho rằng, cần đổi mới tổ chức KH&CN và đổi mới trong nghiên cứu, triển khai bởi đây là những nội dung rất quan trọng. Ở địa phương, việc đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất chủ yếu được thực hiện ở các Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN. Vì thế, các địa phương cần xác định rõ vị thế của Trung tâm này cũng như hình thức hoạt động.

Ông Lê Kim Hùng, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Ninh Thuận cho biết, trong điều kiện tiềm lực KH&CN còn yếu, hầu hết các chỉ tiêu đều thấp hơn bình quân cả nước (kinh phí đầu tư từ ngân sách cho KH&CN bình quân hàng năm đạt khoảng 0,57 % tổng chi ngân sách của tỉnh, thấp hơn bình quân cả nước), nhưng 02 năm qua Ninh Thuận có được yếu tố quan trọng giúp cho KH&CN phát triển khá, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp về KH&CN, đó là sự chuyển biến về nhận thức của lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Sở KH&CN. Tỉnh đã có những kế hoạch cụ thể cho phát triển KH&CN, khắc phục những hạn chế, khó khăn, từng bước đưa KH&CN trở thành một động lực quan trọng để phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt chú trọng hỗ trợ doanh nghiệp về KH&CN. Sở KH&CN Ninh Thuận kiến nghị cần có giải pháp cụ thể, khả thi để huy động các nguồn lực xã hội, đặc biệt là của doanh nghiệp cho phát triển KH&CN; có cơ chế, chính sách đặc thù ưu tiên đầu tư cho các tỉnh có tiềm lực KH&CN còn thấp hơn bình quân cả nước.

Ông Tạ Duy Thịnh, Giám đốc Sở KH&CN Quảng Ninh, một tỉnh đã có những đầu tư lớn về hoạt động KH&CN thời gian qua cho biết, từ cuối năm 2011, KH&CN của tỉnh đã có những bước phát triển khác biệt so với những năm trước. Theo ông Thịnh, để thúc đẩy phát triển KH&CN địa phương, nhận thức của lãnh đạo các cấp, các ngành rất quan trọng. Quảng Ninh cũng đã tranh thủ được sự quan tâm và vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành trong vấn đề này. Trong tất cả các hội nghị giao ban lớn của Tỉnh ủy, UBND đều nhắc đến phát triển KH&CN. Tỉnh đã ký Chương trình phối hợp hoạt động KH&CN với Bộ KH&CN và đã ban hành được nhiều văn bản quan trọng để đẩy mạnh phát triển KH&CN, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ,…

truyenthongkhoahoc.vn (H.O)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài