SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Nghiên cứu sự đa hình của các mẫu giống vừng (Sesamum indicum L.) dựa trên đặc tính hàm lượng dầu và thành phần axit béo trong hạt.

[28/04/2013 22:34]

Đề tài nghiên cứu do tác giả Phạm Đức Toàn (Viện Nghiên cứu Công nghệ Sinh học và Môi trường, trường Đại học Nông lâm thành phố Hồ Chí Minh) và tác giả Bùi Cách Tuyến (Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường) đồng thực hiện, nhằm đánh giá mức độ đa dạng của hàm lượng dầu và thành phần các axit béo trong hạt của các mẫu giống vừng thu thập tại Việt Nam.

Cây vừng (Sesamum indicum L.) là có dầu, ở Việt Nam, cây vừng được trồng hầu hết ở các tỉnh. Cây vừng chịu hạn tốt và sinh trưởng tốt trên hầu hết các loại đất khác nhau.

Mục đích của các nhà chọn giống là cải tiến các giống vừng thích ứng với điều kiện canh tác của địa phương, năng suất cao, ổn định và đặc biệt là hàm lượng và chất lượng dầu trong hạt tốt. Do đó, việc đánh giá hàm lượng dầu và thành phần các axit béo trong hạt của các mẫu giống vừng sẽ rất hữu ích trong việc nhận dạng các giống để cải tiến chọn lọc các giống vừng phục vụ trong sản xuất.

Tổng số 13 mẫu giống vừng khác nhau được thu thập từ các vùng trồng ở Việt Nam. Trong đó ở vùng trồng phía Bắc thu thập được 6 mẫu, khu vực miền Trung và Tây Nguyên gồm 2 mẫu, và khu vực Nam Bộ gồm 5 mẫu. Các mẫu thu thập được phân tích  hàm lượng dầu và thành phần axit béo. Hàm lượng dầu ở các mẫu hạt dao động từ 47,8 đến 54,4%, với trung bình là 50,4%. Các axit béo chính trong hạt vừng như oleic, linoleic,linolenic có hàm lượng dao động lần lượt tương ứng như sau: 35,2 đến 39,3%; 45,2 đến 48,7% và 0,30 đến 0,40%. Sự tương quan thuận giữa các axit béo cũng được tìm thấy như palmitic và palmitoleic, linoleic, arachidic. Hàm lượng dầu cũng có sự tương quan thuận với axit béo oleic nhưng tương quan nghịch với các axit béo khác.

Kết quả phân tích nhóm đa hình của các mẫu giống cho thấy 13 mẫu giống có mức độ đa hình cao từ 0,00 đến 4,61 và được phân chia thành 4 nhóm ở mức khoảng cách đa hình trung bình 1,54. Kết quả này sẽ là thông tin hữu ích trong việc cải tiến, phát triển những giống vừng mới cho năng suất và chất lượng tốt.

Tạp chí NN&PTNT, số 5/2013
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài