SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Công nghệ xử lý lún, nghiêng và di dời công trình xây dựng

[30/04/2013 20:01]

Xử lý sự cố lún, nghiêng cũng như di dời các công trình xây dựng là lĩnh vực mới mẻ ở nước ta. Ðề tài khoa học do hai cha, con anh Ðỗ Quốc Khánh và Ðỗ Quốc Việt chủ trì "Nghiên cứu công nghệ và thiết kế, chế tạo thử nghiệm trang thiết bị đồng bộ phục vụ xử lý sự cố lún, nghiêng, sập công trình xây dựng và di dời nhà" đã giành Giải nhất Giải thưởng VIFOTEC năm 2012 về lĩnh vực cơ khí - tự động hóa.

8.jpg

Thạc sĩ Ðỗ Quốc Khánh (người bên phải) nhận giải thưởng công trình di dời nặng nhất thế giới năm 2009 do Hiệp hội di dời nhà thế giới trao tặng tại Mỹ.

Tòa nhà công nghệ cao Phú Cát (km 27 Láng - Hòa Lạc) được khởi công năm 2001, khánh thành vào năm 2003. Song chưa kịp đưa vào sử dụng thì có lệnh phải di dời vì nằm trong quy hoạch mở rộng đường Láng - Hòa Lạc. Cuối năm 2005, ông Phạm Xuân Lãng, chủ đầu tư công trình này đã ký hợp đồng di dời với "Thần đèn" Nguyễn Cẩm Lũy nhưng vì các lý do khác nhau,  hợp đồng không được thực hiện. Công trình được chuyển tiếp cho Trường đại học Xây dựng Hà Nội làm tổng thầu. Sát thời điểm UBND tỉnh Hà Tây (lúc đó) thi hành lệnh cưỡng chế, tháng 12-2007, Trường đại học Xây dựng Hà Nội ký hợp đồng với Công ty Xử lý lún, nghiêng Việt Nam do thạc sĩ Ðỗ Quốc Khánh làm giám đốc thực hiện di dời. Ngày 2-1-2008, việc di dời khu nhà có trọng lượng khoảng  ba nghìn tấn khởi nguồn từ ý tưởng của các giáo sư Trường đại học Xây dựng Hà Nội được bắt đầu. Trong quá trình di chuyển gặp không ít khó khăn như phải khắc phục, thay thế các con lăn bị bẹp, méo, mặt đường bị lún tại nhiều vị trí, nhất là qua các điểm hố mới được san lấp, đầm lèn. Tuy nhiên chỉ sau năm ngày tòa nhà đã được di dời cách vị trí cũ hơn 45 m, một cách an toàn và chồng khít vào nền móng mới. Thạc sĩ Ðỗ Quốc Khánh cho biết:  Ðể di dời tòa nhà có trọng lượng lớn, chúng tôi đã sử dụng công nghệ đẩy thủy lực. Thiết bị phục vụ công trình này được thiết kế và lắp đặt ngay tại công trường.  Các vật tư, chi tiết máy đều được mua ở Hà Nội, Hải Phòng rồi giao cho một tổ gia công lắp đặt. Ðây là công trình đầu tiên tại Việt Nam áp dụng phương pháp đẩy bằng cơ khí thủy lực.  Bởi các "Thần đèn" khác lâu nay muốn di dời một công trình nào đó thường dùng biện pháp kéo. Sức kéo của các loại pa-lăng xích chỉ đạt năm, mười tấn, lớn nhất cũng khoảng 20 tấn và điều khiển bằng tay cho nên không bảo đảm độ chính xác tuyệt đối. Trong khi phương pháp đẩy sử dụng cơ khí thủy lực có công suất cao, chuẩn xác hơn và có thể thực hiện di dời các khu nhà nặng nghìn tấn. Ðây chỉ là một trong số 700 công trình xây dựng từ hai đến hàng chục tầng mà suốt 25 năm qua, thạc sĩ Ðỗ Quốc Khánh và con trai là tiến sĩ Ðỗ Quốc Việt cùng các cộng sự đã xử lý lún, nghiêng hoặc di dời đến vị trí mới theo yêu cầu của chủ công trình. Thạc sĩ Ðỗ Quốc Khánh tâm sự: Quá trình làm nghề đã để lại cho tôi không ít ấn tượng trong khi "khám bệnh" cũng như "bốc thuốc" để chữa trị cho các công trình có sự cố. Chẳng hạn ngôi nhà ba tầng bị nghiêng nằm bên quốc lộ 6, tại thị trấn Kỳ Sơn, tỉnh Hòa Bình. Ngôi nhà nghiêng 29 độ, gấp tám lần độ nghiêng của tháp Pisa (I-ta-li-a). Thú thực là tôi cũng cảm thấy rùng mình. Nhưng để cứu ngôi nhà, tránh những thiệt hại nếu nó đổ sập, bằng các kỹ thuật, công nghệ mới, chúng tôi đã nâng phía sau ngôi nhà lên 1,5 m, phía trước 0,4 m. Sau đó thay thế chân cột bê-tông cốt thép bằng cọc nhồi bê-tông cốt thép đường kính 800 mm để vừa chống lún và phòng ngừa trôi, trượt thành công. Hoặc như ngôi nhà bảy tầng, cao 28 m, nặng khoảng 1.200 tấn ở phố Trần Phú, thị xã Hà Giang. Khi công trình đang ở giai đoạn hoàn thiện thì xảy ra hiện tượng lún 60 cm, nghiêng 1,2 m, sáu chân cột bị sập vỡ khiến cho ngôi nhà ở tư thế "ngồi bệt" và ngửa mặt lên trời. Chủ nhà đi cầu cứu khắp nơi nhưng đều nhận được câu trả lời "không thể làm được", tỉnh Hà Giang cũng ra thông báo quyết định phá dỡ ngôi nhà nhằm bảo đảm an toàn tính mạng cho người đi đường. Thậm chí đã có phương án nổ mìn đánh sập ngôi nhà. Sử dụng khéo léo các biện pháp kỹ thuật sau nhiều tháng, thạc sĩ Ðỗ Quốc Khánh và các cộng sự đã "nâng bổng" ngôi nhà bảy tầng lên 70 cm; thay móng cọc đơn bằng móng cọc nhồi và cọc bê-tông ống thép, đồng thời thay sáu cột tầng hầm và những vết rạn nứt trên tường được bơm keo miết chắc...

Từ thực tế xử lý khá nhiều công trình lún nghiêng, cũng như di dời một số nhà cửa, công trình văn hóa, năm 2009, Công ty Xử lý lún, nghiêng Việt Nam được giao triển khai đề tài cấp Nhà nước "Nghiên cứu công nghệ và thiết kế, chế tạo thử nghiệm trang thiết bị đồng bộ phục vụ xử lý sự cố lún, nghiêng, sập công trình xây dựng và di dời nhà". Theo tiến sĩ Ðỗ Quốc Việt (chủ nhiệm đề tài): Công trình đạt hiệu quả khoa học, giá trị kinh tế - xã hội cao, cho nên Hội đồng Khoa học và Công nghệ, Tổng hội Xây dựng Việt Nam đánh giá, xếp loại đề tài đạt loại xuất sắc (trung tuần tháng 10-2012). Công nghệ xử lý lún, nghiêng và di dời công trình xây dựng, nhất là công nghệ đẩy bằng cơ khí thủy lực lần đầu được ứng dụng ở Việt Nam và cả thế giới, mở ra khả năng ứng dụng rộng rãi của đề tài, đem lại hiệu quả kinh tế lớn cho xã hội, bởi hằng năm ở nước ta, có tới hàng nghìn công trình ở các quy mô khác nhau có sự cố lún, nghiêng hoặc nhu cầu di dời vì các lý do khác nhau. Theo tính toán của các nhà chuyên môn nếu công nghệ này được ứng dụng sẽ giúp chủ công trình thuộc các cơ quan Nhà nước, hay cá nhân có nhu cầu xử lý công trình nghiêng, lún, tiết kiệm được hàng nghìn tỷ đồng. Với tất cả ý nghĩa và giá trị nhiều mặt của nó, đề tài "Nghiên cứu công nghệ và thiết kế, chế tạo thử nghiệm trang thiết bị đồng bộ phục vụ xử lý sự cố lún, nghiêng, sập công trình xây dựng và di dời nhà" của hai cha con Ðỗ Quốc Việt và Ðỗ Quốc Khánh đã vinh dự nhận giải nhất, Giải thưởng  VIFOTEC năm 2012, lĩnh vực cơ khí - tự động hóa.

Nhân dân Điện tử (lntkhanh)
Xem thêm
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài