SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Chuyển giao KH&CN về nông thôn: Bước tiến mới trong sản xuất

[27/05/2013 10:07]

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chính sách về phát triển nông nghiệp nông thôn trong đó có việc chuyển giao ứng dụng Khoa học và Công nghệ (KH và CN) trong nông nghiệp nông thôn. Và việc ứng dụng KH và CN trong nông nghiệ đã và đang tạo những

     Ứng dụng KH&CN trong nông nghiệp

đã  và đang tạo những chuyển biến tích cực

             tại các địa bàn nông thôn

Phối hợp đồng bộ các nguồn lực

Thực chất việc chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ thuộc Chương trình nông thôn, miền núi, Bộ KH và CN là cuộc chuyển giao kỹ thuật cho nông dân ở các vùng nông thôn, miền núi – nơi tập trung nhiều tiềm năng, nguồn lực và là mục tiêu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Việc huy động các nguồn lực để tham gia thực hiện các dự án là hết sức quan trọng góp phần vào sự thành công của dự án.

TS Bùi Mạnh Hải, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, thành viên Ban Chỉ đạo Chương trình nông thôn, miền núi cho rằng, thành công của các dự án thuộc Chương trình phụ thuộc rất lớn vào mức độ cam kết và tập trung chỉ đạo của các cấp lãnh đạo Đảng và chính quyền địa phương, sự phối hợp hành động của các ban, ngành chức năng. Trong đó, trách nhiệm cao nhất trong chỉ đạo thực hiện dự án tại địa phương thuộc về lãnh đạo chính quyền các cấp, có trách nhiệm chỉ đạo các ngành liên quan phối hợp về nguồn lực để triển khai thực hiện dự án, tránh khoán trắng cho hệ thống các cơ quan quản lý khoa học và công nghệ. Ông Hải nhấn mạnh, cần lồng ghép các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư và các chương trình khác, tập trung sức mạnh tổng hợp về nguồn tài chính và đội ngũ kỹ thuật viên tại cùng một địa bàn, thực hiện chuyển giao công nghệ để đạt được cùng một mục tiêu: phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập và cải thiện đời sống nhân dân.

Tại tỉnh Thái Bình, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH và CN phục vụ CNH – HĐH nông nghiệp của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhiều tiến bộ KH và CN về giống, quy trình canh tác, phòng trừ dịch bệnh, phân bón… đã được áp dụng có hiệu quả vào sản xuất đời sống như các giống lúa: TBR1, BC15, TBR36, ứng dụng có hiệu quả công nghệ vi sinh để xử lý môi trường chăn nuôi, rác thải sinh hoạt… Theo nhận định của ông Trần Xuân Định, Phó giám đốc Sở KH và CN tỉnh Thái Bình, để KH và CN thực sự là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, từ nay đến 2020 tỉnh sẽ tập trung vào những giải pháp như: tiếp tục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của KH và CN đối với CNH – HDH nông thôn; đổi mới cơ chế chính sách ứng dụng mạnh mẽ các tiến bộ KH và CN vào sản xuất nông nghiệp; đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động KH và CN; tăng cường nguồn nhân lực KH và CN…

Theo ThS Nguyễn Thế Ích, quyền Chánh Văn phòng Chương trình nông thôn, miền núi, để chương trình được thực hiện hiệu quả, ngoài các yêu cầu quan trọng như mô hình phải phù hợp với các điều kiện tự nhiên và quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; cơ quan chuyển giao công nghệ phải là đơn vị tạo ra công nghệ, có năng lực, có kinh nghiệm và lực lượng chuyển giao…; vấn đề đặc biệt quan trọng là phải huy động được nguồn lực tại chỗ, lựa chọn mục tiêu, nội dung phù hợp với điều kiện thực tế trong xây dựng mô hình và cần có sự tham gia tích cực của nhân dân, cần có sự phối hợp chặt chẽ trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện giữa các các cơ quan chuyển giao công nghệ, các Sở KH và CN với chính quyền và các đoàn thể địa phương. 

Hiệu quả mang lại

Theo báo cáo của Bộ KH và CN, từ năm 2011- 2012, Chương trình đã thực hiện, chuyển giao và ứng dụng 961 công nghệ, đào tạo 2.650 kỹ thuật viên cơ sở, 1.000 cán bộ quản lý địa phương các cấp, tập huấn trên 61 nghìn lượt nông dân,… đặc biệt có 27 dự án doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, gần 100 doanh nghiệp cải tiến theo hướng hiện đại… Ngoài ra, các dự án của Chương trình đã ứng dụng tiến bộ KH và CN tạo ra sản phẩm có giá trị cho địa phương; xác định công nghệ phù hợp cho từng vùng, hoàn thiện quy trình sản xuất phù hợp địa phương, mang lại hiệu quả rõ rệt. Với 287 dự án được triển khai đã giải quyết việc làm cho trên 16.000 lao động, tăng năng suất cây trồng vật nuôi góp phần tăng thu nhập cho người dân. Các dự án điểm là điểm sáng về ứng dụng KH và CN, tạo hiệu quả kinh tế - xã hội thiết thực, tạo công ăn việc làm cho người dân, nâng cao năng suất cây trồng tăng lên 25 – 30 %, chăn nuôi, thủy sản tăng lên 10 – 20%...

Đánh giá về hiệu quả của Chương trình tại Thái Bình, ông Trần Xuân Định cho biết thêm, hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tiến bộ KH và CN phục vụ CNH – HĐH nông nghiệp của tỉnh đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, nhận thức về vai trò của KH và CN đối với phát triển kinh tế xã hội được nâng cao. Hiệu quả của việc ứng dụng đồng bộ các tiến bộ KH và CN trong tỉnh đã mang lại nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh có hiệu quả kinh tế - xã hội cao như: Mô hình luân canh 4 vụ ở xã Song An (huyện Vũ Thư) với công thức: Vụ Lúa xuân với giống lúa Japomica (Nhật Bản), Vụ hè (dưa Thanh Lê), Vụ lúa mùa, Vụ đông (khoai Tây) cho thu nhập từ 150 triệu đồng/ha/năm đến 180 triệu/năm. Rồi mô hình nuôi cá rô phi lai xa thương phẩm ở vùng chuyển đổi tập trung tại Hưng Hà với diện tích 1,63 ha có giá trị kinh tế lên đến 180 triệu đồng/ha. Điều này đã tạo ra nguồn thu nhập ổn định mang tính bền vững cao cho bà con nông dân.

Cùng theo TS Bùi Mạnh Hải, tính từ năm 2011 đến nay, Chương trình đã phê duyệt 278 dự án, triển khai và thực hiện trên địa bàn 60 tỉnh/thành phố với tổng kinh phí là 1.300 tỷ đồng (trong đó ngân sách TƯ là 586 tỷ đồng – chiếm 45%), huy động từ người dân, doanh nghiệp và ngân sách địa phương khoảng 713 tỷ đồng. Dự kiến Chương trình sẽ huy động được khoảng 600 lượt cán bộ khoa học từ 86 tổ chức KH và CN của TƯ và địa phương về phục vụ tại địa bàn nông thôn, miền núi cũng như xây dựng 870 mô hình, đào tạo khoảng 2.650 kỹ thuật viên và tập huấn cho 61.500 lượt nông dân.                                                                    

http://daibieunhandan.vn (ttxthanh)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài