SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Thực trạng và một số yếu tố liên quan đến các rối loạn tâm thần – hành vi của học sinh thành phố Thái Nguyên

[25/11/2013 10:18]

Đề tài của nhóm tác giả Đàm Thị Bảo Hoa, Nguyễn Văn Tư, Trường Đại học Y Dược Thái Nguyên và Trần Tuấn, Trung tâm Nghiên cứu Đào tạo và Phát triển cộng đồng nghiên cứu nhằm xác định tỷ lệ các rối loạn tâm thần - hành vi ở học sinh tiểu học và trung học cơ sở Thành phố Thái Nguyên và mô tả một số yếu tố liên quan đến các vấn đề sức khỏe tâm thần của học sinh.

Các rối loạn tâm thần và hành vi ở trẻ em và thanh thiếu niên rất phổ biến và ảnh hưởng đến khoảng 20% trẻ em và thanh thiếu niên ở mọi quốc gia trên thế giới (Tổ chức Y tế Thế giới, WHO-2003). Tuy nhiên, vấn đề này ở nhiều quốc gia còn chưa được quan tâm đúng mức. Nhiều rối loạn không được phát hiện và chữa trị sớm làm cho bệnh trở nên nặng nề, ảnh hưởng nghiêm trọng đến quá trình phát triển nhân cách và học tập của trẻ, ảnh hưởng đến mối quan hệ của trẻ đối với gia đình và cả cộng đồng. Theo nghiên cứu của nhiều tác giả, khoảng 10-20% học sinh Việt Nam có các vấn đề sức khỏe tâm lý, tâm thần cần được theo dõi, tư vấn và chữa trị. Thái Nguyên cũng phải đối mặt với rất nhiều vấn đề phức tạp đặc biệt là các vấn đề của trẻ em và thanh thiếu niên như: trộm cấp, đánh nhau, trốn học, nghiện ma túy, nghiện game…

Nghiên cứu tiến hành trên 1638 học sinh ở 2 trường Tiểu học Hoàng Văn Thụ, Tiểu học Nguyễn Viết Xuân và 1212 học sinh ở 2 trường Trung học cơ sở Độc lập, Trung học cơ sở Nguyễn Du, thành phố Thái Nguyên. Tỷ lệ trẻ có rối loạn tâm thần và hành vi được xác định bằng chuẩn đoán bằng khám tâm thần và làm test tâm lý. Các yếu tố liên quan rối loạn tâm thần và hành vi ở học sinh: tuổi, giới tính, dân tộc, sang chấn tâm lý. Công cụ được sử dụng trong nghiên cứu là thang sàng lọc các vấn đề sức khỏe tâm thần cho trẻ từ 4-16 tuổi, bảng phân loại quốc tế ICD-10, bản phỏng vấn chuẩn đoán quốc tế kết hợp CICI, test tâm lý: trầm cảm Beck, lo âu Zung, tăng động giảm chú ý Vanderbilt, và bệnh án nghiên cứu chi tiết.

 Kết quả nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ chung của học sinh tiểu học và trung học cơ sở có nghi ngờ có rối loạn sức khỏe tâm thần (có điểm SDQ >14 điểm) là 22,9%.Tỷ lệ chung của học sinh có RLTT & HV sau khi khám, phỏng vấn chi tiết là 8,2%. Các rối RLTT & HV chủ yếu là trầm cảm (76%); Tăng động giảm chú ý gặp ở (32,2%), lo âu (17,6%). Nhiều trẻ có nhiều rối loạn phối hợp (39,1%). Tuổi và yếu tố stress tâm lý là các yếu tố có liên quan đến các RLTT & HV ở học sinh.

Theo Tạp chí Y học Thực hành, số 7 năm 2013
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài