SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Truyền thông và sứ mệnh thắp ngọn lửa khoa học công nghệ trong xã hội

[29/04/2014 05:22]

Có thể nói, nhận thức về vai trò của KH - CN của nhiều nhà quản lý, nhiều doanh nghiệp và nhiều bạn trẻ còn chưa tương xứng với chủ trương coi KH - CN là động lực then chốt, tất yếu để phát triển đất nước của Đảng và Nhà nước. Với sức mạnh đặc biệt của mình, truyền thông cần thực hiện thành công sứ mệnh thắp ngọn lửa khoa học công nghệ trong xã hội, doanh nghiệp và người dân; từ đó tháo gỡ những rào vách để đất nước bay cao trên đôi cánh KHCN.
Nguồn: ITN

Thế kỷ XXI là kỷ nguyên của sự phát triển KH - CN, là đỉnh cao trí tuệ loài người trong các nấc thang phát triển. Quốc gia nào không có KH - CN tất yếu bị loại khỏi cuộc đua và rơi vào lạc hậu. Cùng với vai trò quốc sách hàng đầu của KH - CN, truyền thông KH - CN xác lập vai trò cầu nối giữa nhà quản lý, nhà khoa học, doanh nghiệp và người dân; cung cấp thông tin về những thành tựu khoa học, công nghệ mới, truyền thông và đưa các cơ chế, chính sách đến với doanh nghiệp, công chúng. 

Thời gian qua, báo chí cũng đã nỗ lực nhiều cho công tác đưa khoa học công nghệ đến với công chúng. Từ những bài báo mổ xẻ các bất cập trong chính sách KH - CN hiện hành và nêu bật những chính mới, những bài viết về sở hữu trí tuệ, năng lượng nguyên tử, phát triển điện hạt nhân, phát triển năng lượng xanh, công nghệ cao, thiết bị thông minh… Trong đó, nhiều doanh nghiệp KH - CN hoạt động hiệu quả đã được biểu dương, nhiều tấm gương nhà khoa học trẻ được tôn vinh, nhiều thành tựu mới về khoa học công nghệ được cập nhật, đăng tải trên hơn 700 cơ quan báo chí cùng các đài phát thanh, truyền hình trung ương và địa phương; nhiều báo đài đã có hẳn các chuyên trang, chuyên mục về KH - CN.

Tuy nhiên, chúng ta vẫn không khỏi chạnh lòng với khoảng cách khá xa giữa trình độ và năng lực KH - CN của đất nước với các nước trong khu vực và thế giới. Nhiều nhà quản lý vẫn mải mê với các thành tích, con số thống kê và sự xuôi chèo mát mái mà quên mất chú trọng phát huy và đầu tư phát triển khoa học; vẫn còn nhiều doanh nghiệp mải mê cạnh tranh giá rẻ với những thứ công nghệ cũ kỹ, lạc hậu thay vì đầu tư vào nghiên cứu, phát triển (R&D); nhiều bạn trẻ chỉ chăm chăm với những ngành học kinh tế, tài chính và mải mê đấu tranh cho những nấc thang của kim tự tháp nhân sự mà họ mãi là một đinh ốc trong một cỗ máy thay vì đeo đuổi giấc mơ đam mê sáng tạo, khởi nghiệp và tạo ra những giá trị mới; và các nhà đầu tư, họ còn bận bịu với chứng khoán và bất động sản nên chẳng mấy ai ỏ ê đến những ý tưởng sáng tạo của giới trẻ mà mạnh dạn đầu tư mạo hiểm… Một bức tranh kinh tế mà sự đóng góp của năng suất yếu tố tổng hợp (TFP) vào nền kinh tế còn ở mức độ quá nhỏ bé khiến nó thiếu đi yếu tố bền vững, đột phá. Những điều này cho thấy, truyền thông còn nợ đất nước một sứ mệnh thổi bùng ngọn lửa khoa học công nghệ trong các tầng lớp xã hội.

5.jpg

Thứ trưởng Bộ KH-CN Nghiêm Vũ Khải trong buổi giao lưu trực tuyến vể đề tài "Đổi mới cơ chế chính sách - đột phá phát triển khoa học công nghệ".

Làm thế nào để truyền thông có thể thực hiện sứ mệnh này? Trước hết, cần phải có một kế hoạch đào tạo nguồn lực truyền thông KH - CN chuyên nghiệp. Theo Trưởng khoa Báo chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Ts Nguyễn Văn Dững, Việt Nam đang thiếu một chiến lược truyền thông quốc gia phục vụ phát triển bền vững của đất nước trong quá trình hội nhập. Trong đó, thiếu cả nhân lực làm truyền thông lẫn người đào tạo nghề truyền thông chuyên nghiệp, trong đó có truyền thông KH-CN. Có thể thấy rằng KH-CN chưa phải là mối quan tâm của giới truyền thông trong nước, xu hướng truyền thông KH-CN nếu có, chỉ dừng lại ở tính quảng bá sản phẩm KH-CN với mục đích kinh doanh mà thôi. Quá trình đào tạo nhân lực truyền thông cũng cần tập trung vào lực lượng truyền thông KH-CN ở các địa phương, hiện đang yếu cả về kỹ năng công nghệ thông tin truyền thông lẫn khả năng truyền tải thông tin hữu ích.

Có một thực tế là bản thân một số nhà báo viết về mảng đề tài này còn thiếu kiến thức chuyên sâu về mảng đề tài mình phụ trách. Việc họ ít được đánh giá cao về vị trí, vai trò, đồng thời không được tạo điều kiện cao trong các hoạt động nghề nghiệp làm cho đội ngũ nhân lực báo chí viết về mảng KH-CN thiếu những động lực quan trọng nhất để phát triển. Vì vậy, cần có sự thay đổi làm sao để nhà báo ngành KH-CN có đầy đủ kiến thức chuyên ngành và đủ đam mê để viết. Việc trang bị kiến thức chuyên ngành chuyên sâu đồng thời là con đường dẫn các nhà báo tới nguồn tin nhanh hơn, tìm ra bản chất của sự kiện, vấn đề để đưa tin, phân tích và giải thích thuyết phục công chúng. Từ đó tạo diễn đàn cho toàn xã hội trong việc phân tích và phản biện xã hội về chính sách về nguồn nhân lực, đề xuất các vấn đề về phát triển KH-CN.

6.jpg
Lễ trao giải báo chí về Khoa học và Công nghệ năm 2013

Cùng với sự đầu tư phát triển nhân lực truyền thông KH-CN chuyên nghiệp, cũng cần làm sao để lãnh đạo các cơ quan truyền thông, báo chí hiểu được tầm quan trọng của KH-CN đối với sự phát triển và tương lai của đất nước, hiểu được sứ mệnh quan trọng và cần kíp của truyền thông KH-CN trong giai đoạn hiện nay, từ đó sẽ có những sáng kiến, đầu tư và điều chỉnh để cải thiện cả về lượng và chất trong công tác truyền thông trong lĩnh vực này, góp phần nâng cao nhận thức của toàn xã hội về vị trí, vai trò của KH-CN, động lực tất yếu cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước.

Đại biểu nhân dân (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài