SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phát triển khoa học và công nghệ lĩnh vực nông - lâm - thủy sản

[04/05/2014 09:01]

Nổi tiếng một thời với văn hóa bốn Mường "Mường Bi, Mường Vang, Mường Thàng, Mường Ðộng", nhưng đến nay Hòa Bình vẫn là một tỉnh nghèo. Trong nhiều nỗ lực, tỉnh đang tìm các giải pháp khắc phục hạn chế khó khăn, đầu tư nghiên cứu, ứng dụng các thành tựu của khoa học và công nghệ nhằm đẩy nhanh quá trình CNH, HÐH của địa phương theo hướng phát triển bền vững.

Nuôi cá tầm trong lồng bè ở xã Hiền Lương, huyện Ðà Bắc (Hòa Bình).

Chiếc thuyền nhỏ của anh bảo vệ xã Hiền Lương, huyện Ðà Bắc lướt nhẹ trên mặt nước trong xanh hướng ra mấy lồng bè nuôi cá cách bờ chừng gần 300m. Khi kỹ sư trẻ Bùi Văn Duy dùng vợt nâng những con cá tầm có trọng lượng khoảng bốn kg/ con, thạc sĩ Bùi Văn Chủm, Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH và CN) tỉnh Hòa Bình chia sẻ: Cách đây hai năm, sau khi tìm hiểu và nghiên cứu các chỉ số môi trường nước vùng ngập sông Ðà, xã Hiền Lương, thấy phù hợp, chúng tôi lên Yên Bái để học hỏi kinh nghiệm nuôi cá tầm ở vùng nước lạnh. Cuối năm 2012, Trung tâm ứng dụng KH và CN thuộc sở triển khai đề tài "Xây dựng mô hình thử nghiệm ương giống cá tầm trong bể và nuôi thương phẩm bằng lồng bè tại xã Hiền Lương, huyện Ðà Bắc". Ðến nay, tuy chưa phát triển được nhiều, nhưng đã có khoảng 2.500 cá tầm có trọng lượng bốn, năm kg/ con; hy vọng sau năm năm lứa cá này sẽ đẻ trứng và cho giá trị kinh tế cao.

Vượt dốc Cun, ngược đường số 6, chúng tôi đến xã Ðông Phong, huyện Cao Phong, nơi có sản phẩm cam Cao Phong nổi tiếng nhiều năm nay. Ði qua bạt ngàn những vườn cam chín muộn, Phó Chủ tịch UBND huyện Vũ Ðình Việt giới thiệu đây là giống cam Valencia (còn gọi là Cam V2). Trong năm, sau các giống cam Xã Ðoài, cam đường Canh cho thu hoạch vào khoảng tháng 9 và dịp giáp Tết Nguyên đán, thì giống cam V2 chín muộn cho sản phẩm vào tháng giêng, tháng 2. Cam V2 có khả năng chịu hạn, kháng bệnh tốt, phân cành đều, tỷ lệ ra hoa và đậu quả cao. Quả cam V2 tươi lâu trên cành, dễ bảo quản và ưu điểm nổi trội là nước nhiều, ngọt dịu và rất ít hạt; đồng thời cho năng suất cao (sau bốn năm trồng có thể đạt 35 - 40 tấn quả/ ha)... Nông trường Cao Phong giải thể, chuyển đổi cơ chế mới. Khoảng 300 cán bộ, công nhân nhận khoán để trồng các loại cây có múi dưới sự hỗ trợ về kỹ thuật, cây giống của Công ty TNHH một thành viên Cao Phong. Ðến nay, bên cạnh các giống cam Xã Ðoài, Bố Hạ, quýt Ôn Châu, vùng đất Cao Phong phát triển thêm các giống cam đặc sản đường Canh, V2... nâng diện tích lên khoảng 650 ha. Với diện tích nhận khoán, mỗi hộ từ nửa ha đến năm, bảy ha; năng suất giống cam Xã Ðoài và cam V2 cho từ 300 kg đến 500kg/ gốc, như thời giá cuối năm 2013, hơn 50 hộ khu vực thị trấn Cao Phong có thu nhập từ 500 triệu đồng đến hơn một tỷ đồng/ hộ. Ðáng chú ý trong đó có không ít hộ như gia đình ông Bùi Văn Tiến (ở khu 3), ông Tạ Ðình Ðào (khu 5B), bà Ðặng Thị Thu, ông Nguyễn Văn Sơn... đã xây nhà tầng, mua xe hơi đắt tiền từ trồng cam. Xác định cây có múi là cây trồng chủ lực đến năm 2015 và những năm tiếp theo, đi liền với cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp và áp dụng các tiêu chuẩn VietGap, AseanGap... huyện Cao Phong phấn đấu đến năm 2020 có khoảng 1.800 ha cam, quýt các loại với sản lượng đạt 20 nghìn tấn trở lên; đáp ứng thị trường trong nước và hướng tới xuất khẩu ra các nước trong khu vực...

Hòa Bình là "cửa ngõ" của vùng Tây Bắc, ngoài công trình thủy điện trên sông Ðà đi vào hoạt động đã hơn 15 năm nay, cung cấp nguồn điện khá lớn cho nền kinh tế - xã hội của cả nước, thì sản phẩm chủ yếu vẫn là nông - lâm - ngư nghiệp. Không kể hai huyện vùng cao là Mai Châu và Ðà Bắc có địa hình bị chia cắt phức tạp, Hòa Bình hiện vẫn còn khoảng 70 xã thuộc diện khó khăn. Ðời sống của người dân tuy đã được cải thiện nhiều nhưng tỷ lệ hộ nghèo của toàn tỉnh vẫn còn 26% (không ít xã địa bàn vùng cao diện nghèo còn hơn 40%). Bởi vậy, dù chỉ cách Hà Nội 60 km, nhưng hoạt động về KH và CN ở Hòa Bình vẫn trong trạng thái trầm lắng.

Hoạt động KH và CN của Hòa Bình trong vài năm trở lại đây đã có những chuyển biến tích cực, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển. Song đánh giá một cách nghiêm túc thì năng lực, trình độ của đội ngũ cán bộ KH ở đây còn không ít hạn chế, bất cập. Xác định được điều đó, ngành KH và CN Hòa Bình đang tiếp tục thực hiện có hiệu quả Ðề án "Phương hướng, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển KH và CN tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2011 - 2015" và các năm tiếp theo. Muốn làm được điều đó, như một cán bộ quản lý ngành KH và CN Hòa Bình cho biết, cần khắc phục hiện tượng một số cấp ủy, chính quyền địa phương nhận thức chưa đúng, thậm chí xem nhẹ vai trò của KH và CN, từ đó thiếu sự quan tâm đầu tư cho hoạt động này. Tháo gỡ được các vướng mắc trong tư tưởng mới có thể tổ chức triển khai có hiệu quả các chương trình KH và CN, góp phần đẩy nhanh quá trình CNH, HÐH của tỉnh theo hướng phát triển bền vững nhằm đạt được các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2015. Trong đó, tập trung vào việc xây dựng các mô hình ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, canh tác; nhất là ứng dụng các kỹ thuật hiện đại về nuôi cấy mô, công nghệ tế bào, công nghệ gien... tạo điều kiện phát triển kinh tế hộ gia đình theo hướng trang trại cây ăn quả có múi, vườn rừng; đồng thời mở rộng nuôi trồng thủy sản nước ngọt kết hợp phát triển chăn nuôi gia súc có chất lượng. Quan tâm hơn việc hỗ trợ các doanh nghiệp trên địa bàn tiếp cận với công nghệ hiện đại, công nghệ sạch; mặt khác tìm biện pháp tăng nguồn quỹ KH và CN của tỉnh nhằm giúp các doanh nghiệp áp dụng hệ thống quản lý chất lượng tiên tiến và thực hiện các quyền sở hữu trí tuệ... nhằm hình thành thị trường KH và CN còn hết sức nhỏ bé ở Hòa Bình. Trong điều kiện nguồn nhân lực KH và CN của tỉnh còn thiếu và yếu, một mặt coi trọng chăm lo phát triển đội ngũ cán bộ tại chỗ, mặt khác tỉnh Hòa Bình tạo môi trường thể chế và các chính sách thích hợp nhằm thu hút các chuyên gia thuộc các viện nghiên cứu ở Trung ương đến làm việc, cũng như cán bộ khoa học trẻ ngoại tỉnh có nhu cầu công tác lâu dài tại địa phương. Ðây cũng là cách gia tăng tiềm lực KH và CN để làm tốt hơn việc gắn kết KH và CN với phát triển kinh tế - xã hội ở tỉnh được mệnh danh là "cửa ngõ vùng Tây Bắc" còn lắm khó khăn này...

Nhân dân điện tử (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài