SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong phát triển dược liệu

[09/11/2014 18:32]

Ngày 9/11, tại thành phố Hạ Long, Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh tổ chức Hội nghị “Xúc tiến đầu tư ứng dụng khoa học công nghệ phát triển dược liệu tỉnh Quảng Ninh”.

Hội nghị đã thu hút được sự tham gia đông đảo của các nhà hoạch định chính sách, nhà đầu tư và người sản xuất. (Ảnh: VT)

Phát biểu tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho biết: Việt Nam là quốc gia có các lợi thế vị trí địa lý tự nhiên hiếm có với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với sự phát triển của các loài cây thuốc. Cùng với đó là nền y học dân tộc cổ truyền lâu đời với tri thức sử dụng các loài dược liệu, các bài thuốc có giá trị dùng để chữa các bệnh thông thường cũng như nhiều bệnh nan y. Mặc dù ngành Dược của Việt Nam đã đảm bảo cung ứng đủ thuốc cho nhu cầu phòng bệnh và chữa bệnh của nhân dân; tuy nhiên, Việt Nam vẫn phải nhập khẩu tới 90% nguyên liệu để phục vụ việc sản xuất thuốc trong nước. Đây chính là khó khăn lớn nhất của ngành công nghiệp Dược Việt Nam.

Đánh giá về hiện trạng dược liệu Việt Nam, theo ông Phạm Vũ Khánh - Cục trưởng Cục Y Dược Cổ truyền, Bộ Y Tế, với xu hướng và nhu cầu sử dụng các loài dược liệu làm thuốc ngày càng tăng ở trong nước cũng như trên thế giới, do khai thác liên tục trong nhiều năm không chú ý tới bảo vệ tái sinh, cộng với nhiều nguyên nhân khác đã làm cho nguồn tài nguyên dược liệu Việt Nam bị giảm sút nghiêm trọng, nhiều loài đang đứng trước nguy cơ bị tuyệt chủng như: Sâm vũ diệp, Tam thất hoang, Hoàng liên gai, Vàng đắng, Sâm ngọc linh, Thiên niên kiện, Cốt khí củ, Ba kích, Đảng sâm, Hoàng đằng, Ngũ gia bì chân chim…

Báo cáo của Cục Quản lý dược, Bộ Y tế cũng cho thấy, trong nước hiện đang có khoảng 80 doanh nghiệp dược có sản xuất thuốc từ dược liệu và hơn 200 cơ sở sản xuất thuốc từ dược liệu đăng ký hộ kinh doanh. Những năm gần đây, các doanh nghiệp này đã nhập khẩu khoảng 400 loại dược liệu khác nhau với khối lượng trung bình mỗi năm đạt khoảng 17,6 nghìn tấn và giá trị đạt 12 triệu USD.

Trước bối cảnh đó, với mục tiêu phát triển bền vững ngành Dược liệu tại Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Y tế Lê Quang Cường cho rằng cần tập trung đẩy mạnh việc nghiên cứu về ứng dụng những tiến bộ của khoa học kỹ thuật thế giới vào việc bảo tồn, phát triển nguồn gen và áp dụng vào thực tế nuôi trồng cây, con dược liệu làm thuốc của Việt Nam. Bên cạnh đó, tập trung nghiên cứu, đánh giá, tham khảo để đặt việc phát triển dược liệu của Việt Nam vào trong quá trình toàn cầu hóa của thế giới mới. Xác định được vai trò, vị trí của sản phẩm dược liệu Việt Nam trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Đối với tỉnh Quảng Ninh nói riêng và ngành Dược Việt Nam nói chung, cần có những nghiên cứu, đánh giá thực trạng nhu cầu cung - cầu dược liệu, cây con làm thuốc. Để đảm bảo việc phát động phong trào nuôi trồng dược liệu phải phù hợp với nhu cầu đầu ra, phải đảm bảo tiêu thụ hết toàn bộ sản phẩm của người dân, tránh tình trạng “được mùa mất giá - giá cao thì mất mùa”.

Với mục tiêu đó, để đưa góp phẩn đẩy mạnh đầu tư trong phát triển dược liệu, tại hội nghị, ông Đặng Huy Hậu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cam kết sẽ tạo mọi điều kiện để các nhà đầu tư, doanh nghiệp tham gia vào quá trình bảo tồn và phát triển dược liệu trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đưa ra các nhóm hỗ trợ như: hỗ trợ giải phóng mặt bằng, UBND tỉnh Quảng Ninh san lấp mặt bằng, thuê đất; hỗ trợ lãi suất, trong đó các nhà đầu tư được hỗ trợ lãi suất tiền vay tại các ngân hàng thương mại để thực hiện dự án; hỗ trợ nguồn nhân lực (thuê chuyên gia), xây dựng thương hiệu và chuyển giao công nghệ, đổi mới công nghệ; hỗ trợ phát triển vùng trồng tập trung cây dược liệu bao gồm: hỗ trợ chi phí để xây dựng cơ sở hạ tầng về hệ thống đường giao thông, hệ thống điện, hệ thống cấp thoát nước, hệ thống thu gom và xử lý chất thải, nhà lưới, vật liệu làm giống và mua thiết bị để sản xuất giống và trồng cây thuốc; hỗ trợ đầu tư cơ sở sơ chế, chế biến dược liệu, cơ sở sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng và mỹ phẩm từ dược liệu bao gồm: hỗ trợ chi phí để xây dựng cơ sở hạ tầng về xử lý chất thải, giao thông, điện, nước, nhà xưởng và mua thiết bị trong hàng rào dự án…

Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài