SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Khoa học công nghệ là một phần của văn hóa làm nên văn minh nhân loại: Người dân có ý tưởng sáng tạo sẽ được hỗ trợ nếu hợp tác với các cơ quan quản lý khoa học

[30/11/2014 23:02]

Trong thời gian qua, dư luận và cử tri cả nước rất quan tâm đến những sáng kiến, sáng tạo về công nghệ không được ứng dụng, đặc biệt những sản phẩm này lại do chính những người chân đất tạo ra. Tuy nhiên, thực tế vấn đề này thế nào, với trách nhiệm là cơ quan quản lý nhà nước về khoa học - công nghệ (KH - CN), tôi có thể chia sẻ như sau.

Trong nhiều năm qua, Đảng và Nhà nước cũng như Bộ Khoa học và Công nghệ luôn luôn trân trọng tất cả những sáng kiến, cải tiến của người dân nếu nó đáp ứng được yêu cầu của sản xuất, kinh doanh cũng như phục vụ cho xã hội. Tuy nhiên, chúng ta đã bước vào thế kỷ XXI được hơn 10 năm, chúng ta đã hội nhập quốc tế rất sâu rộng cho nên chúng ta thấy mọi sản phẩm cung ứng cho xã hội cũng phải có giá trị nhất định và phải được xã hội chấp nhận, vấn đề là thị trường phải chấp nhận được những sản phẩm này. Chúng tôi thường xuyên hỗ trợ cho những người dân có sáng kiến thông qua các chợ công nghệ thiết bị (thường gọi là Techmart). Theo đó mời những người nông dân có sáng kiến về KH - CN, cải tiến kỹ thuật đến để giới thiệu sản phẩm của chính mình với cộng đồng để xã hội có thể tiếp cận, các doanh nghiệp tiếp cận cùng nhau đầu tư. Thực tế đã có rất nhiều nông dân có sản phẩm ứng dụng rộng rãi, thậm chí đã trở thành những doanh nghiệp thành đạt.

Tuy nhiên, trong lĩnh vực tàu ngầm, máy bay, xe thiết giáp… thì người dân nên hợp tác với cơ quan khoa học, quản lý. Nếu chỉ làm tàu ngầm cho gia đình, để trong ao, hồ nhà mình thì không ai ngăn cản. Nhưng đem ra thử nghiệm ngoài biển, hoặc chế tạo máy bay đem thử nghiệm trên trời, chắc chắn phải có sự cho phép của cơ quan quản lý nhà nước, vì liên quan đến tính mạng, tài sản của người dân và chính người chế tạo, chưa kể vấn đề an ninh quốc phòng của quốc gia. Chúng tôi cũng rất tiếc rằng, có những bác nông dân khi có sáng kiến rất hợp tác cùng các nhà khoa học, trao đổi, hỗ trợ trong việc thiết kế, chế tạo, nhưng cũng có một số trường hợp thì bà con cứ lặng lẽ làm mà cơ quan quản lý không được biết, đến khi đưa ra để thử nghiệm thì lúc ấy cơ quan quản lý vào cũng không xử lý được, bởi vì thiết kế thì đã làm rồi, chế tạo cũng đã làm rồi, không thể thay đổi được nữa.

Riêng về tàu ngầm, tàu lặn Hòa Bình, vì sự đam mê của một nhóm các nhà khoa học Vinashin cùng với một số nhà khoa học ở bên ngoài đã phối hợp thiết kế, tự bỏ vốn chế tạo, tàu có thể chở được 4 người, lặn tối đa 2 ngày, ở độ sâu tối đa là 50m. Tuy nhiên khi có ý tưởng,  nhóm các nhà khoa học này đã tuân thủ các quy trình rất rất bài bản, mời các cơ quan khoa học ở trong nước, đại diện Bộ Quốc phòng, các cơ quan đăng kiểm của Bộ GT - VT, thậm chí mời cơ quan đăng kiểm của Cộng hòa liên bang Đức cùng tham dự, và kết quả đã thành công. Chúng tôi đánh giá rất cao nỗ lực này của những nhà khoa học và Bộ KH - CN cũng đã hỗ trợ khoảng 3 tỷ đồng. Bộ KH - CN mong muốn được hỗ trợ nhiều hơn, nhưng do hệ thống chính sách chúng ta chưa phù hợp, cho nên rất nhiều chứng từ không thanh toán được, chỉ đáp ứng được khoảng 10% giá trị con tàu.

Nếu cũng con tàu này chúng ta mua của nước ngoài có giá từ 5 - 7 triệu USD. Còn nếu thuê thì giá thuê trong vòng 3 năm đắt hơn giá chúng ta mua con tàu này của Việt Nam. Vì thế, chúng tôi thấy đây là một hướng đi rất có triển vọng, có thể thương mại hóa để trở thành sản phẩm kiểm tra các chân đế giàn khoan, có thể phục vụ cho du lịch ở các vùng biển, có thể để cứu hộ, cứu nạn ở những vùng nước không sâu.

Nhiều người có nói rằng vì sao ngân sách dành cho những sáng tạo mang hàm lượng trí tuệ cao như vậy lại được hỗ trợ thấp, nguyên nhân một phần do bất cập về cơ chế. Tuy nhiên, các nhà khoa học và các bác nông dân có tinh thần khoa học có thể yên tâm, điều quan trọng là hỗ trợ về chính sách, về những quy định quản lý, để sản phẩm của bà con có có thể được cấp phép và lưu hành. Về vấn đề này, Chính phủ đã ban hành Nghị định về sáng kiến trong đó quy định rõ người dân làm gì, cơ quan nhà nước hỗ trợ như thế nào và chia sẻ chủ sở hữu kết quả ra sao. Vì vậy, chúng tôi rất mong người dân ngay từ khi có ý tưởng nên liên hệ ngay với các cơ quan quản lý về khoa học công nghệ. Chúng tôi cũng đã yêu cầu 63 Sở KH - CN trong cả nước luôn luôn quan tâm đến sáng kiến của người dân, và khi người dân tìm đến phải có hỗ trợ nếu vượt quá thẩm quyền thì báo cáo với cơ quan quản lý cấp trên.

Đặc biệt, Luật Khoa học Công nghệ sửa đổi năm 2013 có một điểm mới là cơ chế quỹ, tức là dự toán ngân sách sau khi được QH phê chuẩn sẽ được Chính phủ giao cho các quỹ về khoa học công nghệ. Khi có nhiệm vụ, đề tài, hay sáng kiến của người dân nảy sinh bất kỳ thời điểm nào đều có thể cấp phát kinh phí để triển khai ngay, không phải chờ năm sau.

Cuối cùng, chúng tôi mong muốn những người dân có ý tưởng sáng tạo và có năng lực hãy hợp tác chặt chẽ với các cơ quan khoa học, các cơ quan quản lý để sản phẩm khi làm ra được đánh giá tốt, được phép lưu hành và được cơ quan nhà nước hỗ trợ trong việc thương mại hóa. Chúng ta không thể chấp nhận những máy bay không có đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn, hay những tàu ngầm không đăng kiểm vì khi lưu hành sẽ ảnh hưởng đến vấn đề an ninh, quốc phòng, ảnh hưởng đến tính mạng của người sáng chế và xã hội.

NGUYỄN QUÂN - Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ

Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài