SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Hội nhập AEC: phải làm gì đây?

[17/03/2015 08:14]

Do tình hình kinh tế thay đổi, tháng 1-2007 lãnh đạo các nước ASEAN đã quyết định đẩy nhanh quá trình thành lập Cộng đồng kinh tế ASEAN (AEC) vào năm 2015 thay vì năm 2020 như trước.

Chúng ta vẫn chưa sẵn sàng

Việc thành lập AEC mang đến nhiều cơ hội cho doanh nghiệp trong khu vực khi thị trường được mở rộng thêm; sự chu chuyển tự do hàng hóa, dịch vụ, lao động có tay nghề, các dòng vốn và dòng đầu tư sẽ giúp hình thành nên thị trường và cơ sở sản xuất thống nhất trong cộng đồng này...Nhưng đi kèm theo đó là những thách thức. Tuy gia nhập AEC là điều kiện để doanh nghiệp Việt Nam tự đổi mới, nhưng nếu doanh nghiệp không chịu đổi mới hoặc không đủ năng lực để đổi mới thì nguy cơ bị “đào thải” sẽ càng cao hơn thực tại.

Trên thực tế, nhận thức của doanh nghiệp chúng ta về cơ hội, thách thức của hội nhập AEC vẫn còn nhiều hạn chế. Trong khi ở Singapore, Thái Lan, Malaysia, Indonesia và ngay cả Lào, chính phủ và doanh nghiệp đã thực hiện các hoạt động chuẩn bị hội nhập như cung cấp thông tin thị trường ASEAN, thành lập ủy ban đảm bảo sẵn sàng hội nhập, học hỏi và nâng cao các kỹ năng làm việc... thì ở ta vẫn còn khá thờ ơ. Đa số doanh nghiệp Việt Nam cho rằng AEC không có ảnh hưởng hoặc ảnh hưởng rất ít đến hoạt động sản xuất kinh doanh của mình và thường có xu hướng quan tâm đến WTO, TPP và hiệp định thương mại Việt Nam - EU hơn là hội nhập AEC. Doanh nghiệp thường suy nghĩ tìm cách tiếp cận thị trường lớn như Mỹ, Nhật, châu Âu, và không chú ý đến ASEAN vì cho rằng đây là thị trường nhỏ.

Một điểm đáng chú ý nữa là đa số các doanh nghiệp Việt Nam đều có quy mô nhỏ. Các số liệu thống kê cho thấy có đến trên 90% các doanh nghiệp ở Việt Nam là ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ. Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ thời gian vừa qua đã rất chật vật để chống chọi với cơn bão khủng hoảng kinh tế nên không còn sức lực để quan tâm đến hội nhập. Từ đó dẫn đến việc doanh nghiệp không lường trước những khó khăn khi Việt Nam mở cửa để có những chuẩn bị cần thiết và kịp thời cũng như điều chỉnh chiến lược kinh doanh nhằm đón đầu cơ hội, vượt qua thử thách trong xu thế hội nhập.

5 bước cần làm

Để việc hội nhập AEC hiệu quả, xin đưa ra năm gợi ý.

Thứ nhất: thay đổi tư duy trong hội nhập. Doanh nghiệp cần xem ASEAN là thị trường quan trọng không thua Mỹ, Nhật hay EU. Nếu thị trường Việt Nam được ví như “ao nhà” thì ASEAN được xem như “ao làng”, còn thị trường thế giới (có Mỹ, Nhật, EU) chính là biển lớn. Doanh nghiệp cần nhận thức rằng nếu không bơi nổi trong ao làng AEC thì khả năng bơi ra đại dương còn khó lắm. Từ đó doanh nghiệp cần có những tìm hiểu, nghiên cứu sâu hơn thị trường ASEAN cũng như các chính sách hỗ trợ mà AEC mang lại để vạch ra chiến lược kinh doanh thích hợp.

Thứ hai: nhạy bén hơn trong tìm kiếm và nắm bắt cơ hội. Loại bỏ được căn bệnh “thích hoành tráng” thì tư duy doanh nghiệp sẽ thoáng hơn trong việc nhận thức cơ hội kinh doanh. Tìm kiếm thị trường ngách hoặc phương thức kinh doanh mới cũng là cách để doanh nghiệp khai thác cơ hội, đồng thời né tránh sự cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp nước ngoài. Cơ hội này dựa trên lợi thế so sánh, năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị, trong sự nắm bắt những ngành nghề, những xu thế phát triển kinh tế mới cũng như những hỗ trợ mà AEC mang lại.

Thứ ba: cải thiện và phát huy năng lực. Áp lực bị “đào thải” trong sân chơi AEC sẽ rất cao nếu doanh nghiệp không chịu cải thiện hoặc cải thiện chưa tới để tăng năng lực cạnh tranh. Doanh nghiệp cần “nhìn lại chính mình” một cách toàn diện để xem đâu là điểm mạnh, điểm yếu, những điểm nào phù hợp với bối cảnh mà doanh nghiệp đã có và điểm nào còn thiếu để đầu tư phát triển. Cụ thể, doanh nghiệp nên đầu tư nâng cao chất lượng sản phẩm, mẫu mã, dịch vụ, nhân lực, công nghệ... Đồng thời doanh nghiệp cũng cần cập nhật xu hướng tiêu dùng ở mỗi nước ASEAN, tìm kiếm cơ hội liên kết với các nhà phân phối tại các nước đó. Bản thân lãnh đạo cũng phải nâng cao khả năng quản trị, nhất là quản trị rủi ro trên phạm vi quốc tế vì khi hội nhập, doanh nghiệp sẽ sống trong môi trường quốc tế, sẽ có những nền văn hóa, ngôn ngữ, luật pháp, tập quán kinh doanh khác nhau cùng tham gia vào quá trình sản xuất kinh doanh. Điều này đồng nghĩa với rủi ro sẽ tăng lên.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng cần xem xét việc tìm nguồn huy động vốn để đầu tư phát triển các năng lực của mình.

Thứ tư: làm tốt ngay trên sân nhà. Các doanh nghiệp trong nước có lợi thế là am hiểu địa lý, lối sống, văn hóa tiêu dùng của Việt Nam, vì vậy nên tận dụng lợi thế này để chuẩn bị chu đáo từ sản phẩm, bao bì, mẫu mã, cách thức và thời điểm tung sản phẩm ra thị trường phù hợp để duy trì và củng cố chỗ đứng trên “sân nhà”.

Một số thương hiệu Việt Nam đã có được sự tin cậy của khách hàng trong nước thì không được lơ là, phải tập trung xây dựng hình ảnh tốt hơn nữa. Vì khi AEC thành lập, nhiều sản phẩm nước ngoài sẽ có cơ hội tràn vào Việt Nam, trong khi đó một bộ phận người dân Việt Nam lại có tâm lý sính ngoại nên rất có thể chuyển sang dùng sản phẩm nước ngoài khi chúng được bày bán rộng rãi trên thị trường nội địa với giá cả và chất lượng không thua kém hàng Việt Nam, nếu không muốn nói là hơn. Việc phục vụ tốt thị trường trong nước là nền tảng vững chắc để doanh nghiệp có thể vươn xa tới các thị trường nước ngoài mà cụ thể là ASEAN.

Thứ năm: liên kết phát triển. Chúng ta nên học hỏi lẫn nhau về chiến lược cạnh tranh trong kinh doanh, thay vì làm đối thủ nên chăng bắt tay làm đối tác của nhau, cùng tham gia vào chuỗi giá trị, tạo sức mạnh lợi thế nhờ quy mô và phát huy tốt hơn lợi thế so sánh. Khi AEC thành lập, dự báo sẽ có nhiều doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào Việt Nam, họ sẽ thâm nhập và “xén” bớt thị phần nội địa của doanh nghiệp Việt. Muốn cạnh tranh, ta phải mạnh; muốn mạnh, ta (chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa) phải liên kết với nhau. Doanh nghiệp cũng cần tăng cường trao đổi, đối thoại với các cơ quan chính phủ, hiệp hội để kịp nắm bắt những thông tin, chính sách đồng thời phản ánh những khó khăn trở ngại để các cơ quan chức năng kịp thời có những điều chỉnh phù hợp với thực tế.

Tóm lại, hội nhập AEC vừa là cơ hội, vừa là thách thức. Cần phải nhìn nhận rằng, trong môi trường nội địa khá an toàn như hiện nay có thể doanh nghiệp chưa quá lo ngại, nhưng một khi cuộc chơi thay đổi, khi mà những bảo hộ Nhà nước dành cho doanh nghiệp đang dần dỡ bỏ, thị trường đang dần thống nhất và các doanh nghiệp phải cạnh tranh công bằng với nhau thì nguy cơ bị đào thải sẽ rất lớn. Vì vậy, doanh nghiệp Việt Nam nên nhận thức cơ hội, thách thức từ việc hội nhập AEC, tìm hiểu những lợi ích và khó khăn mà AEC mang lại.

Cùng với việc hiểu đầy đủ về xu thế, doanh nghiệp cũng cần phân tích, so sánh lợi thế giữa các quốc gia và nhận thức năng lực của chính doanh nghiệp mình để có những điều chỉnh và đầu tư thích hợp. Đó là cơ sở để doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh và hội nhập.

Theo trungtamwto.com.vn (Duc Luu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài