SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

ÐẦU TƯ VỐN CHO LĨNH VỰC NÔNG SẢN XUẤT KHẨU

[06/05/2015 09:14]

Thời gian qua, ngành ngân hàng đã thực thi nhiều chính sách nhằm phát huy và khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh về sản xuất nông nghiệp của khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ÐBSCL), nhất là các sản phẩm nông sản xuất khẩu. Nhưng trong quá trình "nắn dòng chảy vốn" tới lĩnh vực này, vẫn còn nhiều rào cản, đòi hỏi sự vào cuộc không chỉ riêng hệ thống ngân hàng, mà cần sự phối hợp tháo gỡ của nhiều bộ, ngành, đơn vị chức năng.

Nắn dòng chảy vốn 

Xác định nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói chung và nuôi, trồng chế biến xuất khẩu lúa gạo, thủy sản, trái cây nói riêng là những lĩnh vực được ưu tiên, tập trung vốn đầu tư, theo Chánh thanh tra Cơ quan Thanh tra giám sát (NHNN) Nguyễn Hữu Nghĩa, thời gian qua, NHNN đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ. Theo đó, NHNN cho phép các tổ chức tín dụng (TCTD) được xem xét cho vay không cần tài sản bảo đảm với hộ nông dân, chủ trang trại, HTX làm dịch vụ cung ứng vật tư. Ðồng thời chỉ đạo các TCTD giảm tối đa thủ tục giấy tờ và đưa ra các sản phẩm tín dụng phù hợp, dễ tiếp cận hơn đối với đối tượng vay là nông dân, doanh nghiệp (DN) hoạt động ở địa bàn nông thôn.

Số liệu từ NHNN cho thấy, mặc dù lượng vốn các TCTD huy động tại chỗ luôn thấp hơn rất nhiều so với nhu cầu vay, nhưng tốc độ tăng trưởng tín dụng không vì thế bị ảnh hưởng. Tính đến cuối tháng 2-2015, tổng nguồn vốn hệ thống huy động được tại chỗ chỉ đạt hơn 276 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, tín dụng vẫn liên tục tăng trưởng khá cao và nhanh: Từ gần 272 nghìn tỷ đồng năm 2012 lên hơn 302 nghìn tỷ đồng năm 2013, lên 334 nghìn tỷ đồng năm 2014, và đến hết tháng 2-2015 đã lên gần 354 nghìn tỷ đồng. 

Giám đốc Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới (Bến Tre) Huỳnh Thị Cẩm Châu cho biết, một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự phát triển của công ty trong những năm qua, đó chính là nguồn vốn tín dụng từ các ngân hàng thương mại (NHTM). Công ty đang vay vốn lưu động một số NHTM với hạn mức hơn 165 tỷ đồng, hiện sử dụng 70 - 80% hạn mức tín dụng. Sản lượng hằng năm của công ty đạt khoảng 40 nghìn tấn các loại sản phẩm từ dừa, 90% sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, Ca-na-đa, Nhật Bản và EU, kim ngạch xuất khẩu tăng từ 7,5 triệu USD năm 2010 lên 12,8 triệu USD năm 2014, dự kiến năm 2015 là 30 triệu USD.

Gỡ khó từ chính sách 

So với tiềm năng và thế mạnh của vùng, những kết quả đạt được còn chưa tương xứng, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản chỉ chiếm khoảng 10% so với tổng giá trị các mặt hàng xuất khẩu của cả nước. Do đó, để nâng cao giá trị các sản phẩm thuộc lĩnh vực này, nhiều ý kiến cho rằng, phải có những đột phá về chính sách trong cả vấn đề vốn, bảo hiểm và sự vào cuộc, phối hợp của các bộ, ngành chức năng. 

Theo TS Vũ Như Thăng, Viện trưởng Chiến lược và Chính sách (Bộ Tài chính), hoạt động tín dụng xuất khẩu hiện còn vướng mắc bởi các chính sách, vì chú trọng đến tính an toàn trong giám sát hoạt động tài chính ngân hàng, nên số lượng DN đáp ứng được yêu cầu cấp vốn không nhiều; việc hạn chế mức vốn tối đa cho vay cũng là yếu tố gây khó khăn trong việc mở rộng hoạt động tín dụng mới. Ngoài ra, do các sản phẩm thế mạnh của các tỉnh ÐBSCL chủ yếu thuộc lĩnh vực nông nghiệp, thường xuyên đối mặt rủi ro thiên tai, dịch bệnh. Các TCTD trên địa bàn gặp nhiều khó khăn trong việc nhận định thị trường, từ đó ảnh hưởng hiệu quả hoạt động tín dụng, khiến tỷ lệ nợ xấu gia tăng. TS Vũ Như Thăng kiến nghị, bên cạnh các giải pháp về tín dụng, cần triển khai và mở rộng các hoạt động bảo hiểm, nhằm giảm rủi ro cho các hộ nông dân cũng như hoạt động tín dụng của các TCTD. Theo đó, tăng cường hỗ trợ DN bảo hiểm kinh phí thực hiện công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho thương nhân về bảo hiểm tín dụng xuất khẩu; sửa đổi, bổ sung Thông tư 228/2009/TT-BTC của Bộ Tài chính hướng dẫn việc trích lập và sử dụng các khoản dự phòng; nghiên cứu điều chỉnh mức phí phù hợp thu hút người dân tham gia bảo hiểm nông nghiệp, điều chỉnh cách tính thiệt hại để bồi thường khi thiên tai,... 

Bên cạnh đó, hoạt động xuất khẩu nông sản của ÐBSCL còn đối mặt nhiều thách thức phát sinh từ quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, nhất là từ quá trình đàm phán ký kết Hiệp định Ðối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Theo nhận định của PGS, TS Trần Ðình Thiên, Viện trưởng Kinh tế Việt Nam, việc chủ động ký kết thực thi các Hiệp định Khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA) với một số nước, trong đó, TPP dự kiến mở ra nhiều cơ hội cho sản xuất nông sản xuất khẩu nhưng cũng đối mặt nhiều rủi ro, thách thức, nhất là sự cạnh tranh của nông sản trong nước với các nước ASEAN, chưa kể các nước có nền nông nghiệp phát triển như Hoa Kỳ, Ô-xtrây-li-a... Ngoài ra, cũng đối mặt các vụ kiện bán phá giá, rào cản kỹ thuật về an toàn vệ sinh thực phẩm... 

Theo TS Vũ Như Thăng, để vào được thị trường các nước TPP, ngành thủy sản Việt Nam phải đáp ứng các tiêu chuẩn về dư lượng kháng sinh, về tiêu chuẩn vi sinh trên sản phẩm... Trong khi đó, khó khăn lớn nhất của người dân là thiếu kiến thức về kỹ thuật và thiếu nguồn giống sạch bệnh. Vì vậy, yêu cầu đặt ra đòi hỏi các cơ quan chức năng cần hỗ trợ, tập huấn cho nông dân về kỹ thuật nuôi và cung cấp nguồn giống sạch bệnh để nâng cao năng suất, chất lượng. Ðồng thời, hoàn thiện công tác quản lý môi trường và dịch bệnh, khắc phục khó khăn trong bảo quản và tiêu thụ thủy sản.

Tháo rào cản vay vốn 

Ðối với hệ thống ngân hàng, nhiều lãnh đạo NHNN thừa nhận, về tổng thể, tín dụng nông nghiệp cho khu vực ÐBSCL vẫn đối diện nhiều khó khăn. Huy động vốn trên địa bàn chỉ đáp ứng gần 70% nhu cầu nguồn lực dành cho nông nghiệp, đòi hỏi các ngân hàng chủ động điều động vốn từ các địa phương khác. Theo đồng chí Nguyễn Hữu Nghĩa, một trong những nguyên nhân tạo ra điểm nghẽn trong việc tiếp cận và sử dụng nguồn vốn tín dụng ngân hàng là tình trạng mua bán không có hợp đồng bằng văn bản diễn ra phổ biến, dẫn tới việc phá vỡ cam kết khi được mùa, cung tăng; năng lực quản lý điều hành của các DN trong ngành còn yếu, tình hình tài chính thiếu minh bạch, đặc biệt khối DN quy mô vừa và nhỏ không đủ khả năng đánh giá diễn biến thị trường và không kịp điều chỉnh hoạt động kinh doanh khi thị trường có biến động mạnh... "Ðể chính sách tín dụng cho vùng được phát huy tối đa hiệu quả đòi hỏi sự đột phá mới cả về cơ chế, chính sách và hướng dẫn triển khai. Kết hợp nhiều phương thức cho vay linh hoạt như cho vay dự án đầu tư, cho vay hạn mức tín dụng, cho vay hợp vốn,... nhằm giúp người vay chủ động hơn trong sử dụng vốn phù hợp chu kỳ sản xuất nông nghiệp. Ðặc biệt, có thể phát triển loại hình tín dụng cho thuê tài chính trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn" - ông Nghĩa đề xuất. 

Ngoài ra, để hỗ trợ đa dạng hóa nguồn vốn và sản phẩm tín dụng hợp pháp, đặc biệt là tín dụng vi mô phù hợp nhu cầu, năng lực sử dụng vốn và nguồn tài sản bảo đảm của người nông dân, TS Nguyễn Ðỗ Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn kiến nghị, cần mở rộng tự do hóa, kết hợp tăng cường tiêu chuẩn hóa và giám sát hoạt động của các TCTD chính thức và phi chính thức. Ða dạng hóa sản phẩm tín dụng đáp ứng tốt nhu cầu của người dân cùng với tăng cường phối hợp giữa các TCTD, đoàn thể và chính quyền địa phương, để hướng dẫn người dân cách xây dựng dự án vay vốn, sử dụng vốn hợp lý, tạo môi trường tín dụng an toàn.

Theo baonhandan.com.vn (Duc Luu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài