SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Tham gia TPP, doanh nghiệp cần chú trọng thực thi quyền sở hữu trí tuệ

[18/02/2016 10:47]

Tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Việt Nam là thành viên đòi hỏi các doanh nghiệp (DN) nói chung và đặc biệt là các DN khởi nghiệp phải đáp ứng những tiêu chuẩn cao về thương mại, sở hữu trí tuệ (SHTT), thực thi quyền SHTT.

Theo TS. Lê Hoài Quốc- Trưởng Ban quản lý Khu công nghệ cao TP.Hồ Chí Minh, sự sống còn của một DN nói chung và DN khoa học công nghệ khởi nghiệp phải phát triển được ít nhất một tài sản trí tuệ (công nghệ, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới, giống cây trồng...) và tài sản trí tuệ đó phải có khả năng bảo hộ độc quyền SHTT.

Ngoài ra, các DN cũng cần hỗ trợ trong việc thực hiện thủ tục kiểm định, kiểm nghiệm và lưu hành sản phẩm, hỗ trợ về sử dụng dịch vụ SHTT và tổ chức quản trị tài sản trí tuệ, kết nối thương mại và chuyển giao công nghệ, đàm phán và tham gia kênh phân phối... Nếu không khi được thị trường ưa chuộng, sản phẩm bị các đối thủ cạnh tranh có tiềm lực mạnh hơn nhảy vào đầu tư thì DN khởi nghiệp gần như không thể bảo vệ hoặc phát triển được thị phần.

Đánh giá của Hội SHTT TP.Hồ Chí Minh cho thấy trên lĩnh vực SHTT về nhãn hiệu, hiện nay, nhãn hiệu nổi tiếng của Việt Nam còn rất ít, thậm chí Việt Nam cũng chưa có bộ tiêu chí cụ thể để nhận biết như thế nào là một nhãn hiệu nổi tiếng. Trong khi các nhãn hiệu nổi tiếng của nước ngoài tại Việt Nam lại rất nhiều. Do vậy, việc trùng tên, giống nhau giữa các thương hiệu là có thể và như thế sẽ bất lợi cho DN Việt Nam. Vì thế nếu DN Việt có sản phẩm đang bán chạy tại nội địa thì phải tranh thủ đăng ký quyền SHTT trước để ngăn ngừa rủi ro về sau.

Bên cạnh đó, khi nền kinh tế tham gia ngày càng sâu vào các hiệp định thương mại tự do nhất là với hiệp định TPP khi mà các biện pháp chống cạnh tranh không lành mạnh của TPP rất mạnh, mức độ bảo hộ quyền SHTT rất lớn, chủ sở hữu quyền được bảo hộ cao hơn. Trong đó, những yếu tố về nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, sáng chế, bí mật thương mại, quyền tác giả và các quyền liên quan được xem là quan trọng hơn cả. Do đó các DN Việt Nam phải nghĩ đến tất cả những tình huống mà đối thủ cạnh tranh có thể gây ra để có sự chuẩn bị bảo vệ mình một cách hữu hiệu nhất.

TS.Nguyễn Hồng Quang - Trưởng phòng Quản lý Khoa học- Trường Đại học Quốc tế - Đại học Quốc gia TP.Hồ Chí Minh cho rằng, để thực thi quyền SHTT, các DN phải chủ động phát huy hoạt động quản trị tài sản trí tuệ của DN mình một cách hiệu quả và cần có nhân sự được đào tạo chuyên môn về quản trị tài sản trí tuệ trong DN. 

Tại TP.Hồ Chí Minh, trong giai đoạn 2011 – 2015, Sở Khoa học và Công nghệ đã phối hợp với Viện Khoa học Sở hữu Trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) đã tổ chức Chương trình đào tạo quản trị viên tài sản trí tuệ. Đây cũng là chương trình đầu tiên trong cả nước hướng đến việc hỗ trợ các DN, trường, viện tự xây dựng hoạt động SHTT và quản trị tài sản trí tuệ trong nội bộ.

baocongthuong.com.vn (Duc Luu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài