SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

VASEP đề xuất 11 biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu thủy sản

[18/07/2016 16:24]

Ngày 12/7/2016, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị trực tuyến tại 3 điểm cầu: Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng nhằm sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2016 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm 6 tháng cuối năm. Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến tham dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.

Tại Hội nghị, đại diện Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Tổng Thư ký Trương Đình Hòe đã có bài tham luận báo cáo tình hình sản xuất và XK thủy sản 6 tháng đầu năm và đề xuất các biện pháp đẩy mạnh XK thủy sản Việt Nam.

6 tháng đầu năm XKTS của cả nước ước đạt 3,1 tỷ USD, tăng 4,4% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong đó, XK tôm chiếm tỷ trọng lớn nhất gần 43% với 1,34 tỷ USD, tăng gần 6% so với cùng kỳ năm ngoái; XK cá tra chiếm 25% với 786 triệu USD, tăng 5,5%,; các loại cá biển khác chiếm 16% đạt 508 triệu USD, tăng 8%.

Dự báo nguồn cung tôm và cá tra nguyên liệu sẽ thiếu hụt trong nửa cuối năm do ảnh hưởng thời tiết bất lợi từ đầu năm. Khai thác thủy sản (cá ngừ và các loại cá biển) cũng khó khăn vì chi phí cao, công nghệ bảo quản còn chưa cải thiện được nhiều, giá bán không bù đắp giá vốn cho ngư dân. Tuy nhiên với sự hồi phục nhu cầu thị trường đối với mặt hàng tôm và cá tra, dự báo tổng XK thủy sản năm 2016 sẽ tăng khoảng 8% đạt 7,1 tỷ USD. Trong đó, XK tôm đạt 3 tỷ USD, tăng 10%, cá tra 1,6 tỷ USD, cá ngừ 500 triệu USD…

Để giải quyết khó khăn và thúc đẩy XK thủy sản trong thời gian tới, trong bài tham luận, Hiệp hội VASEP đã đề xuất 11 kiến nghị liên quan đến cải cách thủ tục hành chính theo theo đúng Nghị quyết 19/2015 và Nghị quyết 19/2016 của Chính phủ và các vấn đề liên quan đến từng ngành hàng và hoạt động thương mại thủy sản.

Cụ thể 11 kiến nghị như sau:

1. Một số lĩnh vực và nội dung trọng tâm kiến nghị tiếp tục cải cách quy định & thủ tục hành chính bao gồm:

 Kiểm soát an toàn thực phẩm thủy sản xuất khẩu, rà soát- cải cách hơn nữa một số quy định của Thông tư 48/2013/TT-BNNPTNT của Bộ NNPTNT (về kiểm tra, chứng nhận ATTP TS XK).

Rà soát-cải cách các quy định kiểm soát nhập khẩu các nguyên liệu-sản phẩm để sản xuất hàng xuất khẩu, vì một số quy định hiện hành đang bất cập, làm giảm đáng kể cơ hội-nỗ lực-và tốn chi phí của doanh nghiệp khi nhập khẩu nguyên liệu-hàng hóa-gia vị để sản xuất hàng xuất khẩu: cụ thể là Thủ tục công bố hợp quy và công bố phù hợp quy định ATTP đối với hàng nhập khẩu để SXXK; Quy định về dán nhãn sản phẩm; Quy định về dán nhãn phụ trên bao bì nguyên liệu nhập khẩu theo Nghị định 89/2006/NĐ-CP của Chính phủ.

Đề xuất đánh giá xếp loại DN nhập khẩu để được xét ưu tiên miễn/giảm kiểm dịch:Về quy định kiểm dịch đối hàng nhập khẩu là nguyên liệu thủy sản để gia công và sản xuất hàng xuất khẩu cần có cơ chế đánh giá xếp loại DN nhập khẩu để xét ưu tiên miễn kiểm dịch đối với từng nguyên liệu mà DN thường xuyên nhập khẩu có cùng nguồn gốc xuất xứ và cùng nhà cung cấp dựa vào KQ kiểm tra và lịch sử của các lô hàng trước đó. Nội dung này cần đưa vào Dự thảo Thông tư thay thế Thông tư 06/2010/TT-BNNPTNT mà Bộ NNPTNT đang dự thảo.

2. Đánh giá ảnh hưởng của xâm ngập mặn ở ĐBSCL: Tiến hành đánh giá ảnh hưởng của xâm nhập mặn ở ĐBSCL để có các biện pháp nhằm cân đối ba yếu tố thời vụ thả nuôi, sản xuất giống, sản xuất thức ăn nhằm tránh tình trạng thiếu thừa dẫn đến tăng cao giá thành sản xuất nguyên liệu, sản lượng thu hoạch và chất lượng nguyên liệu thủy sản.

3. Sản xuất giống thủy sản: Nhanh chóng nghiên cứu các biện pháp và có các chiến lược cụ thể đối với sản xuất giống thủy sản. Cần coi công tác giống là yếu tố then chốt có thể chi phối đến các hoạt động khác như sản lượng, sử dụng kháng sinh, giá thành. Kiến nghị Chính phủ và Bộ NNPTNT có kế hoạch tiếp cận và áp dụng thực nghiệm các mô hình nuôi tiên tiến, hướng đến sản xuất nguyên liệu thủy sản bền vững, giá thành hạ và không kháng sinh.

4. Chương trình Tôm sạch: Kiến nghị Chính phủ và Bộ NNPTNT có các chương trình cụ thể nhằm nâng cao nhận thức về tôm sạch (không kháng sinh) cho người nuôi, nậu vựa, cơ sở sơ chế, nhà máy chế biến để có nguyên liệu tôm không kháng sinh, không tạp chất. Trong năm 2016, xin kiến nghị Chính phủ và Bộ NNPTNT có đợt rà soát đồng thời về tình hình lạm dụng kháng sinh, bơm chích tạp chất. Rà soát lại điều kiện vệ sinh và điều kiện lao động ở các cơ sở thu mua, sơ chế nhằm có các biện pháp bảo đảm an toàn VSTP cho sản phẩm thủy sản.

5. Ngành cá Tra hội nhập và vượt rào cản: Thuế CBPG cá tra vào Mỹ vẫn còn cao, Chương trình thanh tra cá da trơn là những vấn đề rào cản cho ngành cá tra. Mặc dù các vấn đề này chỉ liên quan đến thị trường Mỹ, nhưng thực tế có tác động rất lớn đến các thị trường chủ lực của cá tra Việt Nam, đặc biệt là thị trường Châu Âu. Do đó, xin kiến nghị Chính phủ, Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT cùng các Bộ hỗ trợ tối đa, có các chính sách nhằm huy động nguồn lực để ngành cá tra vượt qua các rào cản này trong tương lai (Kiện ra WTO, chiến lược giá trị thay thế, điều kiện tương đồng, quảng bá hình ảnh…).

6. Đầu tư, hỗ trợ công nghệ đánh bắt xa bờ và bảo quản sau thu hoạch để tăng năng suất và lợi nhuận cho ngư dân khai thác thủy sản, tận dụng được nguồn nguyên liệu trong nước để xuất khẩu.

7. Xúc tiến thương mại, quảng bá thị trường: Thúc đẩy xúc tiến thương mại, quảng bá thị trường theo tiếp cận liên kết chuỗi, hợp tác công tư (PPP). Kiến nghị Chính phủ và các Bộ NNPTNT, Công Thương chủ động trong việc dành ngân sách đáng kể và tham gia chủ trì một số chương trình xúc tiến thương mại trọng điểm.

8. TPP và FTAs: Năm 2016 đến 2018 là thời gian mà hấu hết các Hiệp định thương mại thế hệ mới có hiệu lực, xin kiến nghị Chính phủ hỗ trợ các Doanh nghiệp qua các chương trình nâng cao nhận thức về ưu đãi thuế quan đi kèm với quy tắc xuất xứ để giúp các DN có thể tối đa hóa các ưu đãi mà các Hiệp định mang lại.

9. Tháo gỡ & đầu tư phát triển về cảng biển-hạ tầng giao thông ở ĐBSCL: Kiến nghị với Chính phủ: (1) Đầu tư một cảng biển xứng tầm & hiện đại tại khu vực ĐBSCL để đáp ứng, thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu toàn vùng, tiện dụng-giảm chi phí và nâng cao sức cạnh tranh của DN và toàn vùng ĐBSCL; (2) rà soát, cân đối và điều chỉnh giảm các trạm thu phí và mức phí cầu-đường ngay trong 2016 để nuôi sức DN và thúc đẩy giao thương, phát triển của các DN trong vùng khi đa số vẫn là DN vừa và nhỏ.

10. Xây dựng Tp. Cần Thơ là Trung tâm Công nghệ sinh học của ĐBSCL: Tiềm năng và lợi thế của ĐBSCL là nông nghiệp và thủy sản. Tuy nhiên, để phát triển xứng tầm với tiềm năng và bền vững thì phải phát triển công nghệ sinh học để lôi kéo & thúc đẩy các lĩnh vực thế mạnh của vùng được phát huy ở một cung bậc phát triển mới phù hợp xu thế hiện nay. Qua đó, không chỉ thúc đầy phát triển về sản xuất, về công nghệ chế biến mà còn nâng cao đời sống người lao động, người dân trong vùng.

Kiến nghị với Chính phủ xem xét đầu tư có mục tiêu để Cần Thơ trở thành một trung tâm về công nghệ sinh học của vùng ĐBSCL và của cả nước.

11. Sửa đổi các vướng mắc trong việc thực hiện Luật Lao động, Luật Bảo hiểm Xã hội, Luật Việc làm của Quốc hội và quy định về thu phí Công đoàn 2% phù hợp với thông lệ quốc tế và điều kiện thực tế của Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động SXKD của DN. 

vasep.com.vn (Duc Luu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài