SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Doanh nghiệp cơ khí Việt mới đáp ứng 1/3 nhu cầu trong nước

[11/08/2016 08:37]

Dù được xem làm có tiềm năng rất lớn để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ và cơ khí chế tạo, song hiện nay số doanh nghiệp (DN) hỗ trợ chỉ chiếm 0,03% trong tổng số DN đang hoạt động trên cả nước và năng lực ngành cơ khí mới chỉ đáp ứng được 32,12% nhu cầu trong nước.

Thông tin này được đưa ra tại hội thảo: “Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thúc đẩy phát triển công nghiệp hỗ trợ (CNHT) và cơ khí chế tạo (CKCT)" do Đoàn Giám sát của Ủy ban thường vụ Quốc hội tổ chức ngày 10/8 tại T.HCM.

Hiện nay cả nước có khoảng 1.383 DN hoạt động trong lĩnh vực CNHT, tuy nhiên tỷ lệ cung ứng nguyên phụ liệu trong nước một số ngành trọng điểm như ô tô chỉ từ 20 – 30%, da giày, dệt may trên 10%,... nên giá trị gia tăng thấp, năng lực cạnh tranh của DN kém.

Ngành CKCT có khoảng 3.100 DN, với 53.000 cơ sở sản xuất, nhưng năng lực trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu, vì hằng năm Việt Nam vẫn phải chi hàng chục tỷ USD nhập khẩu máy móc thiết bị. Tình trạng chung của các DN trong nước đều thiếu vốn, công nghệ thiết bị còn lạc hậu, sản xuất manh mún, chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao về sản phẩm công nghệ cao. Chính sách hỗ trợ của nhà nước mặc dù đầy đủ nhưng DN chỉ được hưởng lợi trên giấy tờ. Việc đầu tư cho ngành CKCT còn phân tán, chưa đồng đều...

Ông Nguyễn Đình Hậu - Vụ trưởng Vụ KH&CN các ngành kinh tế kỹ thuật (Bộ KH&CN) cho biết, đối với ngành CNHT và CKCT, các cơ chế, chính sách đã được quy định trong Luật chuyển giao công nghệ và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Tuy nhiên hiện vẫn còn nhiều hạn chế đối với sự phát triển của hai ngành này.

"Hiện chính sách thu hút công nghệ tiên tiến từ nước ngoài vào Việt Nam còn hạn chế; còn thiếu chính sách đặc thù, giải pháp mạnh mẽ, định hướng ưu tiên phù hợp từ nhà nước; cơ chế hỗ trợ tài chính cho NCKH và CGCN còn nhiều bất cập, hoạt động chuyển giao kết quả NCKH cho các DN còn hạn chế;..." - ông Hậu nói.

Tại hội thảo, đại diện nhiều Sở KH&CN địa phương kiến nghị Nhà nước nên tăng cường phát triển thị trường công nghệ, cũng như có cơ chế hỗ trợ vốn, đẩy mạnh hoạt động quỹ phát triển KH&CN quốc gia, để giúp các DN đổi mới công nghệ.

Ông Nguyễn Văn Liệt - Phó Giám đốc Sở KH&CN Đồng Nai thì cho rằng, các bộ ngành cần can thiệp địa phương để ngân sách cấp cho hoạt động KH&CN theo đúng quy định (hiện Đồng Nai mới chỉ được cấp 0,08% ngân sách địa phương cho hoạt động KH&CN).

"Chính phủ sớm xây dựng chiến lược công nghiệp chế tạo quốc gia đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Bộ KH&CN cần có hướng dẫn, hỗ trợ, tổ chức tập huấn cho các địa phương trong việc tổ chức đánh giá các chỉ tiêu đề ra của Chiến lược phát triển KH&CN giai đoạn 2011 – 2020" - ông Liệt kiến nghị.

Trước các kiến nghị này, Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo rà soát hoạt động của ngành CKCT và CNHT để có những định hướng, chỉ đạo sắp tới. Những cải cách, điều chỉnh có thể thể hiện bằng luật, văn bản dưới luật cũng như có những điều chỉnh phù hợp tình hình thực tiễn.Theo Bộ trưởng, CKCT, CNHT có đặc thù là đầu tư lớn, hoàn vốn lâu, .. sự quan tâm xuyên suốt phải cần cả một chặng đường.

Hiện nay, Bộ KH&CN đang chuẩn bị các dự thảo luật để báo cáo với Quốc hội như dự thảo sửa đổi Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi), dự thảo Luật hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa...

“Khi những dự thảo này được thông qua, những vấn đề còn vướng mắc trong thời gian qua về cơ bản sẽ được xử lý” – Bộ trưởng Chu Ngọc Anh khẳng định.

khoahocphattrien.vn (ntbtra)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Lưu ý: Cổng thông tin Sở Khoa học và Công nghệ không chịu trách nhiệm với nội dung các đường link liên kết bên ngoài