Trong hoạt động phát triển kinh tế - xã hội (KT - XH), nhiều xung đột xảy ra không chỉ có tác động tiêu cực mà cũng có mặt tích cực, đó là sự chuyển hóa mang tính phát triển. Việc khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên (TNTN) bất hợp lý có thể ảnh hưởng tiêu cực lâu dài đến sự phát triển bền vững (PTBV) nền KT - XH. Tăng trưởng kinh tế cũng dẫn đến nhiều xung đột như: sự phân hóa các sắc tộc, những mô hình phát triển KT - XH đa dạng và đặc thù giữa các dân tộc; vấn đề tôn giáo; ảnh hưởng do sự di dân và các hệ canh tác mang tính tập quán lâu đời,… Tây Nguyên là vùng đất có các điều kiện tự nhiên, tài nguyên thiên nhiên đa dạng, phong phú, đồng thời là một vùng địa văn hóa, kinh tế, chính trị và lịch sử đặc sắc. Quá trình hội nhập kinh tế quốc tế với sự hình thành và mở rộng các cửa khẩu quốc tế ở Tây Nguyên đã tạo ra nhiều động lực cho sự phát triển KT - XH của vùng. Nhiều mô hình kinh tế mới (mô hình trồng cây cao su, cà phê,…) và nhiều ngành kinh tế mũi nhọn (du lịch, thủy điện) đã hình thành và phát triển. Đặc biệt, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa (CNH, HĐH) trong những năm gần đây đã tác động đến môi trường tự nhiên và gây ra nhiều áp lực trong khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên.