Mục đích của Chương trình hoạt động nhằm đẩy nhanh tốc độ đưa khoa học kỹ thuật vào nông nghiệp, góp phần thực hiện đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; đồng thời nâng cao nhận thức cho cán bộ, hội viên nông dân về vai trò, vị trí của KH&CN và trình độ ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật trong sản xuất và đời sống.
Sau 5 năm triển khai thực hiện, Chuơng trình đã thu được những kết quả bước đầu đáng khích lệ. Nhờ ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật và công nghệ vào thực tiễn sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, đời sống của nhiều vùng nông thôn đã có sự thay đổi tích cực. Nhiều sản phẩm nông nghiệp đã chứa đựng hàm lượng khoa học.
Cho đến nay, Hội nông dân Việt Nam đã xây dựng và ký kết Chương trình phối hợp hoạt động với hơn 40 Bộ, ngành, doanh nghiệp và hơn 50 tỉnh, thành, Hội và Sở KH&CN. Nhiều hoạt động trong Chương trình đạt kết quả cao. Điển hình như Chương trình Xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao KH&CN phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nông thôn miền núi giai đoạn đến 2010 (gọi tắt là Chương trình nông thôn miền núi). Chương trình này đã thực hiện được hơn 200 dự án, xây dựng hơn 500 mô hình ứng dụng KH&CN, chuyển giao trên 1000 công nghệ…Cuộc thi sáng tạo kỹ thuật của nhà nông hàng năm, đã trao giải cho gần 40 giải pháp sáng tạo có chất lượng.
Theo báo cáo của Hội Nông dân, bình quân mỗi năm số hộ nông dân đăng ký phấn đấu danh hiệu nông dân sản xuất giỏi tăng 16,7%, số hộ đạt tiêu chuẩn hộ sản xuất giỏi các cấp tăng 13,6%. Dự án “Hướng dẫn người nghèo cách làm ăn và khuyến nông, khuyến lâm” tại 23 xã đặc biệt khó khăn đã giúp cho 10.000 hộ nông dân thoát nghèo.
Phát biểu tại Hội thảo, nguyên Thứ trưởng Trần Quốc Thắng đánh giá cao tầm quan trọng của Chương trình cũng như những kết quả đã đạt được. Thông qua Chương trình, người dân đã thay đổi tư duy trong canh tác, hướng đến những tiến bộ KH&CN, tạo được phong trào ứng dụng tiến bộ trong nông nghiệp và quan trọng hơn cả là đã góp phần làm thay đổi bộ mặt nông thôn. Bộ KH&CN cũng đang đẩy mạnh nhiều hoạt động như: Nghiên cứu và ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp, hướng tới những công nghệ có hàm lượng kỹ thuật cao; Chuyển giao giống cây trồng có chất lượng cũng như giá trị kinh tế, đặc trưng cho từng vùng; Tăng cường giải pháp xử lý môi trường; Hỗ trợ các sáng kiến cải tiến…
Để Chương trình phối hợp tốt hơn trong thời gian tới, các đại biểu đều nhất trí với những nội dung: Tiếp tục ký kết Chương trình hoạt động với các tỉnh còn lại; Thường xuyên tuyên truyền sâu rộng cho hội viên, nông dân về vai trò của KH&CN; Xây dựng các câu lạc bộ khoa học kỹ thuật nhà nông; Năm 2010 tiếp tục phối hợp hoạt động giai đoạn 2011 – 2020 giữa hai ngành.