Giới thiệu hai cuốn sổ tay về điện gió tại Việt Nam
Mới đây, tại Hà Nội, Bộ Công Thương và Dự án Năng lượng gió GIZ đã tổ chức Hội thảo giới thiệu cuốn sổ tay “Thông tin về đầu tư vào ngành Năng lượng gió tại Việt Nam” và “Hướng dẫn Quy trình lập Quy hoạch Điện gió tại Việt Nam”.
Dự án Năng lượng gió GIZ do Bộ Năng lượng, Bảo tồn Tự
nhiên và An toàn Hạt nhân (BMU) Cộng hòa Liên bang Đức tài trợ. Dự án đã đi vào
hoạt động 3 năm, hỗ trợ xây dựng khung pháp lý cho điện gió nối lưới tại Việt
nam. Cuốn sổ tay “Thông tin về Đầu tư vào ngành Năng lượng gió tại Việt Nam”
cung cấp những thông tin cần thiết về cơ chế pháp lý hiện hành và những hỗ trợ
của Chính phủ cho các nhà đầu tư điện gió tại Việt Nam. Cuốn sổ tay cũng đề cập
đến những thông tin quan trọng liên quan đến quy trình đầu tư và các phương án
tài chính. Bản Dự thảo Quyết định về Quản lý các Dự án điện gió tại Việt Nam
vừa được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, hiện đang được thảo luận với trọng
tâm về các cơ chế hỗ trợ cho điện gió nối lưới.
Cuốn sổ tay “Hướng dẫn Quy trình lập Quy hoạch Điện gió
tại Việt Nam” được xây dựng dựa trên những bài học kinh nghiệm về Quy hoạch
Điện gió của tỉnh Bình Thuận, tỉnh thí điểm đã triển khai rất thành công quy
hoạch điện gió với sự tham gia của các tư vấn viên người Đức. Lựa chọn địa điểm
chính là một trong những nhân tố quan trọng nhất quyết định đến sự thành công
của các Dự án về gió. Cuốn sổ tay cũng đề cập đến các yếu tố cần phân tích
trong quy hoạch điện gió như tốc độ gió, cơ sở hạ tầng và sự nối lưới. Cuốn sổ
tay cung cấp hướng dẫn cho các cấp có thẩm quyền của các địa phương có tiềm
năng về gió cách thức xây dựng Quy hoạch Điện gió hiệu quả và nhấn mạnh tầm
quan trọng của việc xác định các vùng đặc biệt tại địa phương: vùng loại trừ,
vùng đệm và những vùng tiềm năng cho điện gió.
Bà Angelika Wasielke, Cố vấn trưởng dự án Điện gió GIZ
cho biết: “Mục tiêu của chúng tôi là giúp các nhà đầu tư có những thông tin
thật cần thiết nhằm xây dựng các Dự án Năng lượng gió tại Việt Nam dễ dàng hơn
và tư vấn cho các cấp có thẩm quyền của các địa phương có tiềm năng gió về quy
trình xây dựng quy hoạch điện gió hiệu quả”.
“Điện gió là một ngành công nghiệp thân thiện với môi
trường có thể giúp giải quyết bài toán về thiếu hụt năng lượng cho Việt Nam.
Điện gió cũng góp phần vào việc giảm thiểu biến đổi khí hậu thông qua việc giảm
thiểu khí CO2 ra môi trường”, bà Angelika Wasielke khẳng định.
Theo báo cáo của Hội đồng Năng lượng Gió toàn cầu, trên toàn thế giới
công suất lắp đặt điện gió ngày một gia tăng. Cụ thể, công suất lắp đặt điện
gió trên toàn thế giới trong năm 2010 là 35,8 GW. Con số này góp phần đưa tổng
công suất lắp đặt điện gió trên toàn thế giới lên đến 194,5 GW, tăng 22,5% từ
158,7 GW vào cuối năm 2009.
http://truyenthongkhoahoc.vn (nthieu)