Cần đẩy mạnh vai trò của khoa học trong nông nghiệp
Vừa qua, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) về tình hình hoạt động khoa học và chuyển giao khoa học của Bộ này trong giai đoạn 2006 – 2010.
Nhiều kết quả nghiên cứu
được ứng dụng
Báo cáo Phó Thủ tướng tại buổi làm việc, Ông Bùi Bá
Bổng, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, một trong những kết quả nổi bật nhất
của nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp là nghiên cứu về thủy lợi.
Cụ thể, Bộ đã xây dựng cơ sở khoa học và ứng dụng các
mô hình toán (MIKE 11, MIKE 21, GIS, DEM, CROPWAT, ECOLab..) trong việc đánh
giá tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng đến ngập lụt, môi trường và
hệ thống thủy lợi vùng ĐBSCL, ĐBSH, bước đầu đề xuất điều chỉnh quy hoạch và
các giải pháp nâng cấp hệ thống ứng phó với biến đổi khí hậu.
Ngoài ra, các nhà khoa học thủy lợi còn đề xuất được
qui trình công nghệ tưới tiết kiệm nước cho vùng khan hiếm nước. Hay mô hình
phục hồi đất thoái hóa, nhiễm mặn do nuôi trồng thủy sản cho vùng bán đảo Cà
Mau và vùng ven ĐBSCL. Nhiều quy trình công nghệ mới được phát triển và ứng
dụng như công nghệ ngăn sông vùng ven biển, công nghệ đập trụ bao liên hợp để
đưa ra phương án thiết kế ngăn các cửa sông lớn tại ĐBSCL và ĐBSH… công trình
kiểm soát mặn và chống ngập cho TP. Hồ Chí Minh.
Đặc biêt, trong 5 năm qua, Bộ NN&PTNN đã
nghiên cứu tạo ra được 273 giống cây trồng, trong đó có 97 giống cây được công
nhận chính thức gồm: 28 giống lúa, 10 giống ngô, 11 giống đậu đỗ, 4 giống cây
có củ, 8 giống rau, 4 giống cây ăn quả…nhiều loại giống đã được công nhận và
cho sản xuất thử. Lai tạo thành công giống lợn lai cho các vùng đưa năng suất
chăn nuôi lên cao. Nghiên cứu trong lâm nghiệp cũng cho ra đời 87 giống mới,
gồm 78 dòng và 9 giống cây lâm nghiệp,…
Cần tiếp tục đầu tư
Hiện Bộ NN&PTNN có 3 phòng thí nghiệm (PTN)
trọng điểm quốc gia với vốn đầu tư gần 190 tỷ đồng (PTN tế bào thực vật, PTN tế
bào động vật, PTN về động lực sông biển) và một số PTN trọng điểm về động - thực
vật đã được trang bị các thiết bị hiện đại ngang với tầm khu vực.
Bên cạnh đó, Bộ luôn tạo điều kiện để các tổ chức KH-CN
trong nước hợp tác với các tổ chức quốc tế trong việc hỗ trợ đầu tư xây dựng cơ
sở vật chất, năng lực nghiên cứu KHCN lĩnh vực nông nghiệp nông thôn.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2007-2012, Chính Phủ đã phê
duyệt dự án KH-CN nông nghiệp trị giá 40 triệu USD… đây là một tiền đề quan
trọng để các tổ chức KHCN tự vươn lên, đóng góp thiết thực vào sự phát triển
nông nghiệp nông thôn.
Ngoài ra, Bộ còn sử dụng nguồn Hỗ trợ phát triển chính
thức (ODA) cho KHCN với khoảng 300 dự án hỗ trợ kỹ thuật tăng năng lực cho nghiên
cứu ứng dụng và phát triển khoa học công nghệ…
Tuy nhiên, tại buổi làm việc, nhiều ý kiến của các nhà
khoa học cũng như lãnh đạo các Viện, Trường cho rằng, bên cạnh những thành tựu
đạt được thì nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp cũng còn nhiều khó khăn bất
cập cần những biện pháp giải quyết hợp lý.
Cụ thể, cơ chế chính sách cho nghiên cứu trong nông
nghiệp còn nhiều bất cập trong đó nổi bật nhất là đầu tư cho nghiên cứu
còn thấp, cơ sở nghiên cứu phòng thí nghiệm còn chưa đồng bộ dẫn tới kết quả
nghiên cứu chưa thực sự hiệu quả.
Tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ KH&CN, ông Hoàng
Văn Phong khẳng định, các nhà khoa học đã và đang có những công trình nghiên
cứu có hiệu quả cao trong nông nghiệp.
Bộ trưởng cũng mong rằng trong giai đoạn tới các nhà
khoa học sẽ có nhiều kết quả nghiên cứu tốt hơn nữa góp phần vào sự phát triển
chung của kinh tế xã hội nước nhà, đồng thời cơ chế tài chính sẽ tăng lên để
phục vụ cho ngành khoa học nông nghiệp tốt hơn.
Kết thúc buổi làm việc, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân
khẳng định, những thành tựu mà khoa học mà ngành nông nghiệp đã đạt được trong
thời gian qua là rất lớn và đáng khích lệ. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng yêu
cầu Bộ NN&PTNN cần mạnh dạn thẳng thắn chỉ rõ những cái được và chưa được
còn tồn tại là rào cản của sự phát triển nghiên cứu khoa học trong nông nghiệp.
http://truyenthongkhoahoc.vn (nthieu)