Ngành Công Thương: Lấy KH&CN làm động lực phát triển
Chuyến thăm và làm việc với Bộ Công Thương về hoạt động khoa học và công nghệ (KH&CN) của Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân ngày 29/6 cho thấy, KH&CN đã và đang khẳng định vai trò của các hoạt động này đối với sự phát triển của ngành này.
Trước đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã khảo sát,
đánh giá các hoạt động nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ tại Viện nghiên
cứu Cơ khí, Bộ Công thương và Viện Dầu khí Việt Nam, Tập đoàn dầu khí Quốc gia
Việt Nam.
Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã có những ấn tượng
rất tốt về mô hình Viện nghiên cứu khoa học của Bộ Công thương.
Báo cáo của Bộ Công thương về hoạt động KH&CN của
Bộ cho thấy; Các hoạt động nghiên cứu và ứng dụng KH & CN đã chú trọng giải
quyết các yêu cầu của sản xuất, sử dụng hợp lý, tiết kiệm tài nguyên, năng lượng,
phát triển nguồn nguyên liệu trong nước thay thế nguyên liệu nhập ngoại; đổi
mới, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại, chế tạo thiết bị, dây chuyền phục
vụ sản xuất. Nhiều công trình nghiên cứu khoa học công nghệ đã được áp dụng
thành công vào lĩnh vực sản xuất góp phần đáp ứng nhu cầu trong nước. Hơn 30
công trình nghiên cứu KH&CN của các đơn vị trong Bộ đã được trao Giải thưởng
sáng tạo KH&CN Việt Nam (Vifotec).
Bên cạnh đó, các chương trình, đề án được Chính phủ
giao chủ trì tuy mới triển khai thực hiện nhưng cũng đã có một số kết quả khả
quan đáng khích lệ; một số sản phẩm tá dược như amidon, methadone hydroclorid, kháng
sinh cefaclor, bột can xi hydroxyapatile nano để bào chế thuốc chống loãng
xương, catharanthin làm thuốc chống ung thư máu… đã được nghiên cứu sản xuất thử và đang được bán cho các công ty
dược phẩm để thử nghiệm; sản phẩm nhiên liệu sinh học đang được sản xuất và pha
chế thành xăng E5 bản thử trên thị trường hay một số nhà máy đang được đầu tư
xây dựng.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cũng cho biết:
thực hiện Nghị định 115/2005/NĐ-CP về cơ chế tự chủ , tự chịu trách nhiệm
của các tổ chức khoa học công nghệ công lập và Nghị định số 80/2007/NĐ-CP về
doanh nghiệp khoa học công nghệ, các tổ chức khoa học ngành Công Thương
đã tích cực chuyển đổi mô hình, tổ chức theo hướng tinh gọn, tự chịu trách nhiệm.
Kinh phí Nhà nước chi cho hoạt động khoa học công nghệ
của ngành Công Thương đã tăng khá mạnh từ 87 tỷ đồng năm 2006 lên 214,2 tỷ đồng
năm 2010.
Tại buổi làm việc, Bộ Công thương cũng kiến nghị tập
trung vào một số điểm như cơ chế quản lý, giảm thủ tục hành chính, tạo điều
kiện thuận lợi trong sử dụng vốn, cơ sở vật chất...
Sau khi lắng nghe những kiến nghị, thắc mắc từ lãnh đạo
Bộ Công thương, Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Bộ cần tính toán đánh
giá và sắp xếp lại các viện nghiên cứu thuộc bộ và các viện nghiên
cứu thuộc Tập đoàn, Tổng công ty cho phù hợp với nhu cầu, đồng thời giao
nhiệm vụ và có định hướng chi tiết cụ thể cho các viện.
Phó Thủ tướng cũng đặc biệt quan tâm tới các kiến nghị
của các viện, trường và các doanh nghiệp trong việc hoàn thiện cơ chế chính
sách để phát triển khoa học công nghệ trong thời gian tới. Trong đó, cần chú ý rà
soát lại danh mục cơ cấu vốn và chế độ ưu đãi vốn cho các viện nghiên cứu.