SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Phòng thí nghiệm trọng điểm: Nơi “khai sinh” công nghệ mới

[01/08/2011 15:43]

Theo Quyết định số 850/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, phòng thí nghiệm trọng điểm (PTNTĐ) ra đời nhằm tăng cường cơ bản về cơ sở vật chất kỹ thuật cho khoa học - công nghệ. Thực tế, sau hơn 10 năm hoạt động, nhiều sản phẩm khoa học - công nghệ của PTNTĐ đã được ứng dụng trong thực tiễn, đem lại hiệu quả kinh tế cao.…

Kết quả đáng khích lệ

Đến nay, đã có 17 PTNTĐ được xây dựng và đi vào hoạt động. Nhiều PTNTĐ hoạt động có hiệu quả như: PTNTĐ Vật liệu và linh kiện điện tử (Viện Khoa học Vật liệu), đã hình thành ba nhóm nghiên cứu và công bố được 6 công trình trên các tạp chí khoa học quốc tế. Kết quả này rất đáng khích lệ, bởi trong nghiên cứu thực nghiệm ở lĩnh vực vật liệu vài chục năm qua, Việt Nam chỉ có dưới 10 công trình được triển khai, do thiếu thiết bị nghiên cứu đạt chuẩn.

PTNTĐ công nghệ hàn và xử lý bề mặt (Viện Nghiên cứu Cơ khí - Bộ Công Thương) được Nhà nước đầu tư trên 46 tỷ đồng đã triển khai hàng chục đề tài, dự án cấp Nhà nước và cấp bộ phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc các ngành dầu khí, giao thông, xi măng...

Có thể kể một số đề tài tiêu biểu như "Nghiên cứu công nghệ hàn tự động trong không gian nhiều chiều có điều khiển theo chương trình số, phục vụ hàn vỏ tàu và thiết bị hóa dầu"; "Nghiên cứu thiết kế chế tạo hệ thống thiết bị hàn tự động nối ống có đường kính lớn ở trạng thái không quay"… 

PTNTĐ công nghệ gien (Viện Công nghệ sinh học) ứng dụng hệ gien học, đồng thời tiếp cận việc lập ngân hàng gien, bản đồ gien người Việt Nam; nghiên cứu ở mức độ phân tử về bệnh di truyền; đẩy mạnh hợp tác quốc tế trong nghiên cứu về công nghệ gien.

PTNTĐ vật liệu polymer và composite (Đại học Bách khoa TP. Hồ Chí Minh) vừa xây dựng, triển khai ngay hoạt động ngay khi máy móc thiết bị được đưa về. Sau nghiên cứu, đã xuất hiện nhiều công trình điển hình, có giá trị thực tiễn như: chế tạo các phai cống thủy lợi bằng vật liệu composite cho vùng đồng bằng Sông Cửu Long; nghiên cứu chế tạo và ứng dụng vật liệu polymer - composite làm việc ở nhiệt độ cao; ứng dụng vật liệu polymer và composite để thay thế lâu dài, bền vững cho các chất liệu đang sử dụng tại doanh nghiệp…

Bên cạnh đó, các PTNTĐ đã góp phần đào tạo được 56 tiến sĩ và 58 thạc sĩ, hoàn thành 640 bài báo, công trình được đăng trên các tạp chí, trong đó có 30 công trình đăng tạp chí nước ngoài, 22 công trình có kết quả đăng ký để được cấp bằng sáng chế, giải pháp hữu ích…

Nâng cao tính tự chủ

Mặc dù có kết quả khá khả quan như trên nhưng theo đánh giá của Bộ Khoa học - Công nghệ, trong quá trình vận hành, khai thác, PTNTĐ đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập. Đó là việc hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn hoạt động chậm và thiếu, nên không ít đơn vị chủ quản lúng túng trong việc đề ra quy chế làm việc của PTNTĐ.

Điều này dẫn đến việc PTNTĐ gặp khó khăn khi xin giấy phép hoạt động khoa học. Trang thiết bị trong các PTNTĐ là các máy móc hiện đại, đắt tiền, qua một thời gian khai thác, sử dụng (nhất là ở một số ít PTNTĐ đạt công suất khai thác khá cao) cần được duy tu, bảo dưỡng. Trong khi đó, nguồn kinh phí dành cho bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế hằng năm còn ở mức thấp. Một số đơn vị đến nay chưa hoàn thành do vướng mắc ở khâu giải ngân hoặc đầu tư thiếu đồng bộ. 

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của PTNTĐ, Nhà nước cần tiếp tục đầu tư kinh phí cho duy tu, bảo dưỡng thiết bị. Hội đồng của PTNTĐ phải thực hiện đúng vai trò định hướng hoạt động và bảo đảm các sản phẩm nghiên cứu đáp ứng yêu cầu.

Mặt khác, bản thân PTNTĐ phải nâng cao tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước về kinh phí, các tổ chức này cần tự tìm ra những nguồn kinh phí riêng thông qua hoạt động dịch vụ và là cơ sở để nhà khoa học trong nước, nước ngoài đến làm việc. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật cũng cần sửa đổi, đảm bảo cho các PTNTĐ hoạt động theo đúng định hướng, mục tiêu ban đầu.


Báo Công Thương (nthieu)
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ