SỞ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Khoa học, công nghệ và Đổi mới sáng tạo - Khơi dậy khát vọng kiến tạo tương lai

Bộ KH&CN đối thoại với bộ ngành nỗ lực cắt giảm danh mục hàng hóa nhóm 2

[18/10/2017 22:33]

Đối thoại giữa Bộ KH&CN với 12 Bộ quản lý ngành, lĩnh vực diễn ra mới đây đã đi đến thống nhất gỡ bỏ ít nhất 50% các loại hàng hóa thuộc diện phải kiểm tra trước khi thông quan sẽ được gỡ nút thắt khi xuất nhập khẩu.

Nỗ lực tháo gỡ rào cản cho DN

Với việc hàng trăm sản phẩm hàng hóa các loại được đưa ra khỏi danh sách kiểm tra, kiểm soát khi xuất nhập khẩu, doanh nghiệp (DN) sẽ giảm được một lượng lớn công việc về thủ tục giấy tờ và thiết thực hơn là giảm chi phí kiểm tra chất lượng. Chủ trương này được đánh giá là thiết thực để cải thiện môi trường kinh doanh, một trong những động thái rõ nét nhất nhằm gỡ những nút thắt đang tạo ra vướng víu cho DN.

Bộ KH&CN là Bộ được Chính phủ giao chủ trì trong việc rà soát các mặt hàng thuộc nhóm 2 - hàng hóa có khả năng gây mất an toàn, ảnh hưởng tới sức khỏe người tiêu dùng và môi trường. Tuy nhiên hiện danh mục hàng hóa nhóm 2 được các bộ ngành quy định quá rộng, nhiều mặt hàng không thực sự có nguy cơ gây mất an toàn.

Đại diện Hiệp hội dệt may Việt Nam cũng như đại diện các bộ ngành đều thống nhất việc có nhiều sản phẩm hàng hóa không thực sự có nguy cơ gây mất an toàn bị xếp vào hàng hóa nhóm 2 đã gây khó khăn cho DN, với hiệp hội này các sản phẩm dệt may các loại vẫn bị xếp vào danh mục hàng hóa nhóm 2 thì chỉ tính riêng việc kiểm tra đối với hàng mẫu nhập khẩu cũng đã mất 1.5 triệu đồng/mẫu.

Theo ông Trương Văn Cẩm - Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam cho rằng, các DN Dệt may vướng nhất về quy định kiểm tra hàm lượng formandehyd đối với sản phẩm dệt may. "Chính cái đó đã làm cho DN tốn rất nhiều thời gian và chi phí, đặc biệt trước khi thông quan DN bị kiểm tra cả những hàng mẫu khiến cho hàng hóa không đưa về nơi để sản xuất đúng thời hạn nên đã gây khó khăn cho DN rất nhiều", ông Cẩm nói.

Theo các chuyên gia, hiện công tác kiểm tra chuyên ngành với những sản phẩm hàng hóa nhóm 2 còn gây khó khăn, gây tốn kém chi phí cho DN. Kiểm tra còn chồng chéo, danh mục hàng hóa phải kiểm tra chuyên ngành còn nhiều trong khi chưa ban hành dầy đủ tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia chủ yếu kiểm tra bằng cảm quan và trên hồ sơ nên tỷ lệ phát hiện lô hàng vi phạm chỉ có 0,03%.

Theo nhận định của chuyên gia độc lập - TS Hà Đăng Điển, đối với hàng hóa thì sẽ có những sản phẩm nằm trong danh giới nhóm 1 và nhóm 2, do đó những sản phẩm hàng hóa này tạm thời nên bỏ ra ngoài nhóm 2. Như vậy một mặt tạo điều kiện cho DN thuận lợi trong quá trình kinh doanh, mặt khác nếu các sản phẩm này vi phạm thì sẽ sử dụng những chế tài bắt buộc DN phải có trách nhiệm.

Các chuyên gia cũng cho rằng, việc rà soát và loại bỏ khỏi danh mục các sản phẩm hàng hóa nhóm 2 trong bối cảnh hiện nay là cần thiết với mục đích cuối cùng là cải thiện môi trường kinh doanh, tạo điều kiện tối đa cho DN. Tuy nhiên, sau 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm sau khi đưa ra khỏi danh mục mà không thấy ổn thì hoàn toàn có thể đưa trở lại vào danh mục.

Theo kết quả kiểm tra của Tổ công tác của Chính phủ về kiểm tra chuyên ngành vẫn còn nhiều bất cập. Cụ thể như chưa có quy chuẩn kỹ thuật để quản lý hàng hóa nhóm 2, không rõ biện pháp quản lý, một sản phẩm nhưng phải chịu sự quản lý của nhiều cơ quan thẩm quyền khác nhau... điều đó đã gây khó khăn và ách tắc cho DN.

TS Hà Đăng Điển: "Cần sớm loại bỏ các hàng hóa không không thực sự có nguy cơ gây mất an toàn"

DN sẽ rất thuận lợi khi 50% hàng hóa khỏi nhóm 2 được loại bỏ

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chắt lượng, với sự nỗ lực của các Bộ ngành phấn đấu cắt giảm 50% hàng hóa nhóm 2 từ tiền kiểm sang hậu kiểm tại giai đoạn thông quan thì DN sẽ được giảm các chi phí trong quá trình triển khai thủ tục thông quan đó như chi phí lưu kho, lưu bãi và các thủ tục hành chính trong qúa trình kiểm tra, kiểm soát chất lượng sản phẩm, hành hóa. Bên cạnh đó, thời gian đưa hàng hóa đến tay người tiêu dùng sẽ nhanh hơn.

Đề cập đến những vấn đề có thể nảy sinh khi chuyển kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu từ tiền kiểm sang hậu kiểm như cơ chế giám sát hàng hóa như thế nào để hạn chế những vấn đề như bỏ lọt hàng hóa kém chất lượng ra thị trường, ông Linh cho biết: Công tác tiền kiểm sẽ chặt chẽ hơn so với hậu kiểm. Tất cả các sản phẩm hàng hóa phải đáp ứng đầy đủ quy định của pháp luật thì mới được thông quan, còn đối với hậu kiểm thì trách nhiệm của DN phải chịu trách nhiệm về chất lượng hàng hóa do mình nhập khẩu vào. Tuy nhiên, ban đầu có thể thực hiện cam kết, chứng minh DN có thể đáp ứng các yêu cầu của pháp luật.

"Chúng ra phải quy định rõ cơ chế hậu kiểm như thế nào và đối với sản phẩm hàng hóa không đảm bảo chất lượng, không đáp ứng được yêu cầu thì phải có cách thức xử lý. Đặc biệt, chúng ta phải có những chế tài phù hợp để xử lý đối với những sản phẩm hàng hóa gây mất an toàn cho người tiêu dùng", ông Linh nói.

Theo thống kê, các Bộ đã tiến hành rà soát, đề xuất cắt giảm hàng hóa nhóm 2. Cụ thể: Bộ Công Thương đề xuất loại bỏ ra khỏi danh mục 1 nhóm hàng hóa là: Sản phẩm dệt may các loại; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề xuất loại bỏ ra khỏi danh mục 16 sản phẩm như: Giống cây trồng lâm nghiệp; giống vật nuôi trên cạn; động vật và sản phẩm động vật phi thực phẩm...; Bộ Y tế đề xuất loại bỏ ra khỏi danh mục 2 nhóm hàng hóa với 26 sản phẩm; Bộ Xây dựng đề xuất loại bỏ ra khỏi danh mục 36 sản phẩm…

Đặc biệt, văn bản quy định về xuất nhập khẩu hàng hóa nhóm 2 cũng được rà soát nhằm đạt mục đích là khi triển khai trong thực tế sẽ dảm bảo 80% sản phẩm hàng hóa nhóm 2 sẽ được thông quan trong một ngày.

vietq.vn
Bản quyền @ 2017 thuộc về Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ
Địa chỉ: Số 02, Lý Thường kiệt, phường Tân An, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ
Điện thoại: 0292.3820674, Fax: 0292.3821471; Email: sokhcn@cantho.gov.vn
Trưởng Ban biên tập: Ông Trần Đông Phương An - Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ thành phố Cần Thơ