Cảnh giác với 'xăng bẩn' pha dung môi, bột màu
Với công thức pha chế 50% xăng A92 trộn với 50% chất dung môi và chất tạo màu thành "xăng bẩn" A92, 2 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu ở Nghệ An đã tuồn ra thị trường hàng triệu lít xăng A92 kém chất lượng.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, việc sử dụng dung môi trong pha chế xăng là hành động vi phạm pháp luật. Tỷ lệ RON chỉ đạt khoảng 50% thì xăng đó không đảm bảo chất lượng và an toàn.
Đồng quan điểm, ông Trần Quốc Thành, Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Nghệ An cũng cho rằng, đây là một dạng dung môi sử dụng trong vấn đề hòa tan các chất như sơn, chất tẩy rửa... chính vì thế mà nó không được phép sử dụng vào làm nhiên liệu trong động cơ.
Hàng triệu lit xăng kém chất lượng được pha chế từ dung môi, bột màu đã đến tay người tiêu dùng trước khi bị phanh phui tại 2 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tại Nghệ An
Theo hóa đơn giá trị gia tăng xuấ bán, chất dung môi của Tổng công ty xăng dầu Cần Thơ có giá là 10.600đ/lit. Trong khi đó xăng RON 92 có giá bán cho khách hàng là 18.000đ/lit.
Theo ghi nhận ban đầu, chi đến thời điểm bị phát hiện thì các cơ sở kinh doanh xăng dầu này đã bán ra thị trường khoảng 2 triệu lit xăng dầu kém chất lượng, thu lợi nhiều tỷ đồng. Như vậy trong suốt thời gian dài, người tiêu dùng đã mua và sử dụng xăng dầu kém chất lượng mà không hề hay biết.
Đại tá Nguyễn Xuân Thiêm, Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về Kinh tế, Công an tỉnh Nghệ An cho biết, qua điều tra phát hiện tình trạng pha trộn xăng rất nhiều. Ví dụ như tỷ lệ RON của xăng RON 92 bán ra thị trường thì tỷ lệ RON chỉ còn 46% và cao nhất cũng chỉ trên 70%.
Từ thực tế trên cho thấy, ngoài vấn đề chiếm đoạt tiền của khách hàng thì câu hỏi đặt ra là những phương tiện sử dụng loại xăng này sẽ có hệ lụy như thế nào, theo ông Trần Quốc Thành, việc sử dụng xăng pha chất dung môi sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng, tới môi trường và làm hư hỏng động cơ.
“Việc pha hợp chất dung môi, bột tạo màu lên tới hơn 50% tỷ lệ xăng là rất nguy hiểm. Đây là nguyên nhân gây mất an toàn với động cơ mà người sử dụng phương tiện. Cụ thể là nguy cơ cháy nổ rất cao, đồng thời gây hư hỏng cho bộ phận chế hòa khí”, ông Thành cho biết.
Theo báo cáo nhanh của Sở KH&CN Cần Thơ, bản thân các doanh nghiệp này sản xuất dung môi và cung cấp theo hợp đồng thương mại cho một số đơn vị khác ở địa bàn Nghệ An và một số địa phương khác. Ông Nguyễn Nam Hải cho biết, trong hợp đồng cam kết các đơn vị này cũng ghi rõ điều khoản là không sử dụng cho pha chế xăng dầu và hatjndoodngjn sản xuất của các đơn vị này cũng không sử dụng chất này trong hoạt động pha chế xăng dầu của họ.
Theo lãnh đạo Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, bằng mắt thường rất khó phân biệt xăng kém chất lượng trên thị trường, do đó các cơ quan chức năng cần thường xuyên kiểm tra và tiếp nhận thông tin từ người dân để giám sát các hoạt động kinh doanh xăng dầu đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng.