CMCN 4.0: Hoàn thiện hệ thống pháp lý để tránh thất thu tiền thuế
Cần có những thiết chế pháp lý đồng bộ, minh bạch cho các quỹ đầu tư mạo hiểm, tránh hình sự hóa làm thui chột đi các cơ hội sáng tạo cho các doanh nghiệp trẻ.
Toàn cảnh buổi làm việc.
Đây là vấn đề được thảo luận sôi nổi tại buổi làm việc giữa Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Ngân hàng Nhà nước ngày 25/10. Buổi làm việc nhằm đánh giá tình hình thực hiện Chỉ thị số 16/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường năng lực tiếp cận Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của Ngân hàng Nhà nước.
Hệ thống pháp luật lúng túng vì những điều chưa có tiền lệ
Với công nghệ xuyên quốc gia, người ta có thể dùng tận dụng con người, vật chất, của cải của ta nhưng ngồi tận nơi xa tắp nào đó vẫn thu tiền của không cần qua hệ thống kiểm soát. Điều đó có nghĩa với việc thất thu tiền thuế, nhường “sân chơi”, người tiêu dùng Việt Nam cho các doanh nghiệp nước ngoài khi họ đang kinh doanh trên “đất nhà mình”.
Uber, Grab, Google, Netplex… là những ví dụ điển hình của Cách mạng Công nghiệp 4.0 khi mà công nghệ vượt qua biên giới, vượt qua những hệ thống pháp luật hiện hành khiến hệ thống pháp luật lúng túng vì chưa có tiền lệ. Sự xuất hiện của đồng tiền ảo Bitcoin cũng làm hệ thống tài chính truyền thống của nhiều quốc gia phải xem xét lại tính pháp lý nên thừa nhận hay không thừa nhận… Các dịch vụ mới cũng đang dần xuất hiện trước sự ngỡ ngàng, không thể tưởng tượng được với người tiêu dùng.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán, cho rằng vấn đề pháp lý đang được đặt ra cấp bách hơn bao giờ hết. Thực tế cho thấy, hệ thống pháp lý thường chậm hơn so với nhu cầu thực tế 2- 3 năm, nhất đối với tốc độ phát triển công nghệ như vũ bão như hiện nay thì khoảng cách đó ngày càng xa. Nếu không có hành lang pháp lý đầy đủ thì ranh giới giữa phạm pháp và vinh quang là rất mong manh, không ai dám làm cả. Ông Dũng nhấn mạnh, đây là thách thức của quốc gia, không còn dừng lại ở một ngành, một lĩnh vực nào.
Ông Phạm Tiến Dũng, Vụ trưởng Vụ Thanh toán (ngồi giữa) phát biểu tại buổi làm việc.
Hơn nữa, ngoài vốn và lãi suất thì đối với những ngành nghề ứng dụng thành tựu từ Cách mạng Công nghiệp 4.0 như phát triển nông nghiệp công nghệ cao, hay khởi nghiệp của doanh nghiệp CNTT, công ty Fintech..., các chính sách mới của pháp luật phải đồng bộ, rõ ràng về khái niệm, điều kiện, tiêu chuẩn được nhận sự hỗ trợ, ưu tiên là những gì. Quy trình thủ tục, thời gian xử lý tất cả đều minh bạch, công khai trên mạng; có chế tài xử lý các bên vi phạm nhất là các công chức, viên chức cố tình nhũng nhiễu, tạo cửa “xin cho”.
Phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm là điều rất cần thiết
Tại buổi làm việc, ông Phạm Xuân Hòe, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng đã đưa ra quan điểm rất mạnh dạn về Quỹ Đầu tư mạo hiểm: đó là cần phải đầu tư theo đúng tư duy thị trường. Nếu cứ vướng mắc về cơ sở pháp lý về vấn đề chịu trách nhiệm khi đầu tư thất bại thì sẽ rất khó triển khai được hoạt động đầu tư mạo hiểm.
Theo ông Hòe, phát triển các quỹ đầu tư mạo hiểm là điều rất cần thiết cho Việt Nam, vì các lĩnh vực công nghệ mới khi thử nghiệm phát triển sẽ còn nhiều rủi ro. Ví dụ như ở Mỹ cứ 400 ý tưởng khởi nghiệp thì chỉ có một ý tưởng thành công. Chính vì thế, những thiết chế pháp lý cho dạng quỹ này cũng phải đồng bộ, minh bạch, tránh hình sự hóa làmthui chột đi các cơ hội sáng tạo cho các doanh nghiệp trẻ.
Theo đó, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Khoa học và Công nghệ sớm nghiên cứu bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện hành lang pháp lý cho hoạt động của các Quỹ đầu tư phát triển khoa học công nghệ. Trong đó, chú trọng khuyến khích mô hình Quỹ đầu tư mạo hiểm để các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước quản lý.
Một vấn đề nữa cũng được nhắc đến là cần định nghĩa lại về nguồn tài nguyên quốc gia. Trước đây, khi nói về tài nguyên quốc gia, người ta thường nhắc đến tài nguyên rừng, khoáng sản… nhưng nay, tài nguyên mạng, dữ liệu số cũng là những loại tài nguyên có giá trị tài sản to lớn cần được bảo vệ và khai thác.
Trao đổi trong cuộc làm việc, ông Đàm Bạch Dương, Vụ trưởng Vụ Công nghệ cao, Bộ KH&CN, cho rằng chính sách muốn có hiệu quả thì đối tượng thụ hưởng phải rõ ràng. Tuy nhiên, Bộ KH&CN cũng khuyến nghị các Bộ, Ngành tự rà soát lại hệ thống chính sách hiện có liên quan đến Cách mạng 4.0, để từ đó thấy cần điều gì, thiếu điều gì hay có sự chồng chéo vướng mắc thì bổ sung, điều chỉnh hoặc ban hành mới.