Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN ở địa phương: Chưa rõ đâu là mô hình tự chủ phù hợp
Hiện nay, hàng năm các Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN được thành lập trực thuộc các Sở KH&CN thực hiện hàng nghìn hợp đồng dịch vụ tư vấn cho doanh nghiệp và người dân, mang lại tổng giá trị nhiều chục tỷ đồng.
Trung tâm nuôi cấy mô của Khu Nông nghiệp công nghệ cao Thanh Hóa. Ảnh: PN
Thống kê của Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ - Bộ KH&CN cho thấy, thời gian qua các trung tâm đã thực hiện nhiều hợp đồng dịch vụ tư vấn hiệu quả cho doanh nghiệp và người dân.
Cụ thể hằng năm có tới khoảng 3000 hợp đồng/ nămhợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ được thực hiện, tăng trưởng trung bình khoảng 15%/năm; giá trị hợp đồng tư vấn, chuyển giao công nghệ khoảng 80 tỷ đồng/năm, tăng trưởng trung bình 10-15%/năm.
Một số kết quả ứng dụng, chuyển giao công nghệ điển hình như: Công nghệ nuôi cấy mô tế bào; Công nghệ vi sinh trong sản xuất chế phẩm sinh học, sản xuất giống nấm ăn, nấm dược liệu; công nghệ trồng rau bằng hệ thống thuỷ canh, công nghệ sản xuất chế phẩm sinh học phục vụ ngành thuỷ sản; công nghệ vật liệu mới sản xuất composite làm vỏ tàu, vật chứa; công nghệ xử lý nước sinh hoạt, nước uống; bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gene, phát triển tài sản trí tuệ…
Đây là kết quả bước đầu đáng ghi nhận, tuy nhiên, theo ý kiến các nhà quản lý và chuyên gia, chúng vẫn còn khá khiêm tốn nếu so với kỳ vọng cùng những nỗ lực đầu tư của Nhà nước trong những năm gần đây.
Chưa rõ đâu là mô hình phù hợp
Từ nhiều năm nay, các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN trực thuộc các Sở KH&CN gặp nhiều khó khăn do trụ sở tạm bợ, không có nhà xưởng, trạm, trại thực nghiệm, thiết bị lạc hậu, nhân lực phục vụ công tác nghiên cứu KH&CN còn thiếu và yếu...
Để giải quyết những khó khăn này, Đề án 317 (theo Quyết định 317/QĐ-TTg ngày 15/3/2012 của Thủ tướng Chính phủ) ra đời, theo đó đến nay đã có 52/63 trung tâm thực hiện và được phê duyệt các dự án đầu tư xây dựng trụ sở mới, nhà xưởng trại thực nghiệm, phòng thí nghiệm, tăng cường trang thiết bị kỹ thuật…với tổng kinh phí là 3.543 tỷ đồng, TS Tạ Việt Dũng – Cục trưởng Cục Ứng dụng và Phát triển công nghệ cho biết.
Với quy mô hàng nghìn tỷ đồng Nhà nước đã bỏ ra, cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN bước đầu đã được đầu tư bài bản. Nhưng trong cách tổ chức và hoạt động, trên thực tế các nhà quản lý vẫn chưa xác định rõ đâu là mô hình phù hợp và hiệu quả nhất.
Theo ông Trần Quốc Thành – Giám đốc Sở KH&CN tỉnh Nghệ An, hiện mô hình hoạt động của các trung tâm vẫn chưa có sự thống nhất. Mặc dù theo Thông tư liên tịch số 29/2014/TTLT-BKHCN-BNV hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn về KH&CN thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện đã quy định, trung tâm là nơi đánh giá, tìm kiếm nhu cầu công nghệ của các doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xã hội cũng như người dân, trên cơ sở đó kết nối các viện trường, ứng dụng thử nghiệm và chuyển giao.
“Tuy nhiên khi quy định tại văn bản hướng dẫn thì chưa được cụ thể nên mỗi trung tâm trên toàn quốc có một mô hình, cách làm không giống nhau, mỗi nơi có một kiểu triển khai” – ông Thành nói. Trong thời gian tới, ông cho rằng Bộ KH&CN cần xác định một số mô hình đã chứng minh được tính hiệu quả, rút ra những đặc điểm chung và cả những nét riêng phù hợp với đặc thù các địa phương, từ đó có hướng dẫn cụ thể hơn để các trung tâm có mô hình hoạt động một cách bài bản và có tính hệ thống.
Cần những sản phẩm ứng dụng cụ thể và hấp dẫn
Mặc dù chưa xác định rõ đâu là mô hình hiệu quả nhất nhưng kỳ vọng Nhà nước dành cho các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN là rất lớn, phản ánh qua yêu cầu tất cả các trung tâm này phải sớm thực hiện chuyển đổi sang tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Để làm được điều này, theo ông Thành, không có cách nào khác là các trung tâm phải có những sản phẩm KH&CN cụ thể và chứng minh được giá trị tiềm năng của chúng để hấp dẫn sự quan tâm của doanh nghiệp.
Muốn vậy, các trung tâm cần hướng đến các sản phẩm KH&CN đã phát triển chín muồi, sẵn sàng đưa vào thương mại hóa. Kinh nghiệm của Nghệ An là ngoài đề tài dự án trung tâm phối hợp với các viện, trường để triển khai, hằng năm, Sở KH&CN tỉnh Nghệ An chủ động tham gia tìm kiếm và giao cho Trung tâm nhiệm vụ, công nghệ có thể ứng dụng ngay mà không cần thông qua đề tài dự án nghiên cứu từ đầu để giảm thiểu kinh phí quản lý.
Ví dụ khi thấy Viện Chăn nuôi nghiên cứu thành công giống lợn mới, Nghệ An đã chỉ đạo Trung tâm nhập về địa phương, triển khai mô hình nuôi thay vì nghiên cứu, khảo sát. Kinh phí thực hiện được giao thông qua nhiệm vụ thường xuyên từ ngân sách sự nghiệp khoa học. “Cách này đã triển khai 2-3 năm nay cho thấy hiệu quả rõ rệt” – ông Thành nói.
Bên cạnh đó, một kinh nghiệm hữu ích khác là các trung tâm cần chủ động lựa chọn các sản phẩm KH&CN là thế mạnh của địa phương mình để tạo ra sự khác biệt với sản phẩm từ địa phương khác. Dẫn thực tế từ Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN Nghệ An thời gian qua, ông Thành cho biết trung tâm này đã có nhiều sản phẩm KH&CN nổi bật được ứng dụng tốt như: chế phẩm vi sinh vật phân hủy tồn dư thuốc bảo vệ thực vật trong đất trồng rau Biogreen, chế phẩm compost maker sản xuất phân vi sinh từ phế phụ phẩm nông nghiệp, các sản phẩm thuốc trừ sâu sinh học…
Đặc biệt các trung tâm này cũng là đơn vị chủ yếu triển khai chương trình bảo tồn khai thác phát triển quỹ gene, bằng cách chủ động phân tích chọn cây nào là cây quý, có giá trị kinh tế hấp dẫn, từ đó kêu gọi các đề tài dự án.
“Với vùng miền núi kêu gọi doanh nghiệp đầu tư sẽ khó cạnh tranh với đồng bằng, do đó phải thông qua quỹ gene này mới tìm thấy sự khác biệt. Minh chứng là Nghệ An đã kêu gọi được doanh nghiệp đầu tư cho cây hà thủ ô đỏ, cây sâm Phuxailaileng, đẳng sâm, cây gấc và đang chuẩn bị đầu tư cho cây trà hoa vàng” – ông Thành nói và cho biết Nghê An coi đây là nhiệm vụ thường xuyên để các trung tâm có thể tự chủ được.
Chính nhờ có những sản phẩm cụ thể và cách tiếp cận thiết thực như vậy mà Trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN Nghệ An trở thành một trong những đơn vị đầu tiên của cả nước chuyển đổi thành công hoạt động sang cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Tập trung thay vì rải rác
Cho rằng để tồn tại và phát triển thì bản thân các đơn vị phải tích cực, chủ động, sáng tạo, tự chủ mạnh mẽ hơn nữa và có sản phẩm cho xã hội và thị trường, song bà Nguyễn Thị Tố Uyên – Giám đốc Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN Cần Thơ cũng kiến nghị Bộ KH&CN cần có những cơ chế hỗ trợ và giao các trung tâm thực hiện nhiệm vụ thuộc các Chương trình KH&CN cấp quốc gia, tiếp cận với các nguồn vốn hỗ trợ từ các Quỹ Đổi mới công nghệ Quốc gia, Quỹ Phát triển KH&CN Quốc gia…
“Lựa chọn và giao kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước cho trung tâm có nhu cầu và đủ điều kiện tiếp nhận kết quả nghiên cứu này vào hoạt động ứng dụng, chuyển giao công nghệ ở địa phương. Hỗ trợ các trung tâm hoàn thiện kết quả nghên cứu trước khi nhân rộng và chuyển giao công nghệ” – bà Uyên kiến nghị và cho rằng Bộ KH&CN cũng cần có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, đặt hàng liên quan đến hoạt động giải mã công nghệ. Đây là một trong những giải pháp giúp các trung tâm nhanh chóng tiếp cận được với trình độ KH&CN của thế giới tạo nên những bước phát triển đột phá cho các ngành kinh tế - kỹ thuật.
Chung quan điểm này, ông Tạ Việt Dũng nhận định rằng trên thực tế từ Đề án 317 – các trung tâm đã được đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất hạ tầng tốt, có phòng thí nghiệm, trại thực nghiệm… đủ năng lực để thực hiện các nhiệm vụ lớn, “vì thế cần được giao nhiệm vụ tập trung hơn thay vì các đề tài tản mát, nhỏ lẻ chia nhỏ ra nhiều sở, ngành như trước đây để khai thác hiệu quả kinh phí đã đầu tư”.