Thứ trưởng Bộ Khoa học: 'Doanh nghiệp khoa học sẽ được ưu đãi'
Cơ quan quản lý ngành khoa học đưa ra nhiều chính sách, hỗ trợ, hướng dẫn doanh nghiệp khoa học công nghệ phát triển.
Thứ trưởng Trần Văn Tùng bên lề hội nghị Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ năm 2017. Ảnh: Mạnh Tùng.
Tại hội nghị Phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ năm 2017 sáng 20/12, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Văn Tùng cho biết, Bộ đang hoàn thiện Nghị định doanh nghiệp khoa học và công nghệ - kỳ vọng sẽ khắc phục vướng mắc trước đây về phát triển doanh nghiệp trong lĩnh vực này.
Theo ông Tùng, số lượng doanh nghiệp khoa học công nghệ những năm qua còn ít so với tiềm năng và mục tiêu đề ra bởi cách tổ chức thực hiện chính sách có nhiều hạn chế. Một số nơi, việc cấp phép đầu tư và công nhận họ là doanh nghiệp khoa học công nghệ còn thiếu thống nhất giữa các sở, ngành liên quan.
Báo cáo của Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay, sau 10 năm thi hành Nghị định 80/2007 về doanh nghiệp khoa học và công nghệ và một số văn bản luật đã thu hút nhiều đơn vị đầu tư cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Giá trị của sản phẩm và lợi nhuận của doanh nghiệp từ đó gia tăng, một hệ thống doanh nghiệp khoa học và công nghệ ở Việt Nam được hình thành.
Đến hết tháng 8, cả nước có hơn 300 doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận doanh nghiệp khoa học và công nghệ, nhiều hồ sơ khác đang được các Sở Khoa học tiếp nhận, thẩm định. Tổng doanh thu của các doanh nghiệp này trong năm 2016 đạt hơn 14.400 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế gần 1.300 tỷ đồng.
"Sắp tới, các thủ tục hành chính cho doanh nghiệp khoa học công nghệ, các thủ tục chứng nhận loại hình doanh nghiệp này sẽ đơn giản hóa. Căn cứ vào kết quả nghiên cứu, các sản phẩm mà doanh nghiệp đó làm chủ, những phương án khả thi đưa vào sản xuất trong tương lai... để công nhận họ là doanh nghiệp khoa học công nghệ, giúp họ được hưởng ưu đãi", ông Tùng nhấn mạnh.
Thứ trưởng Khoa học cũng cho rằng, việc tuyên truyền và hướng dẫn các chính sách của Nhà nước thời gian qua chưa tốt. Do đó, Bộ và các Sở Khoa học sẽ đẩy mạnh truyền thông về vấn đề này, trong đó ưu tiên cho mạng xã hội bởi đây là kênh thông tin lan tỏa mạnh mẽ.
"Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp khoa học công nghệ, các sở Khoa học ở các địa phương hướng dẫn, giúp đỡ doanh nghiệp phát triển trong lĩnh vực này bằng thái độ phục vụ. Mọi vướng mắc sẽ báo lên Bộ để giải quyết, tháo gỡ ngay", Thứ trưởng Tùng khẳng định. Ông cũng gợi ý các doanh nghiệp thành lập câu lạc bộ trong thời gian sớm nhất, tạo môi trường liên kết, học hỏi và giúp đỡ nhau.
Tại hội nghị, hơn 10 đại biểu là cán bộ các Sở Khoa học và doanh nghiệp đã bày tỏ những khó khăn trong việc hình thành, phát triển; gặp rào cản khi đưa sản phẩm ra thị trường.
Đại diện Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM trình bày nhiều khó khăn trong việc phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ. Ảnh: Mạnh Tùng.
Các đại biểu cho rằng, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ với sản phẩm chưa thực hiện hiệu quả, việc mở rộng thị trường ra nước ngoài càng khó hơn. "Chưa kể, việc tiếp cận chính sách khoa học và công nghệ ở các địa phương rất khác nhau gây khó cho doanh nghiệp. Chúng tôi cũng bị hạn chế trong việc tiếp cận vốn tín dụng, chính sách miễn tiền thuê đất", chủ doanh nghiệp nông nghiệp ở Tây Ninh chia sẻ.
Năm 2012 Thủ tướng phê duyệt Chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp khoa học và công nghệ và tổ chức khoa học và công nghệ công lập thực hiện cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm.
Tháng 7/2016, Thủ tướng quyết định sửa đổi, bổ sung một số nội dung chương trình trên. Mục tiêu đến năm 2020 sẽ "hỗ trợ hình thành và phát triển 3.000 doanh nghiệp khoa học và công nghệ; thành lập 100 cơ sở và đầu mối ươm tạo công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp khoa học và công nghệ".