Định hướng xuất khẩu nông lâm thủy sản 2018
Định hướng phát triển thị trường nông sản năm 2018 là tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên 3 trục sản phẩm: quốc gia, địa phương và mỗi xã, phường một sản phẩm.
Tiếp tục nghiên cứu thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm trứng, đây là một trong những sản phẩm có sức tiêu thụ tốt của ngành chăn nuôi. Ảnh: VGP/Đỗ Hương
Chiều 31/1, Ban chỉ đạo phát triển thị trường nông sản của Bộ NN&PTNT đã tổ chức cuộc họp định hướng xuất khẩu nông sản năm 2018. Cuộc họp đã đánh giá và xây dựng các chuỗi giá trị đối với sản phẩm quốc gia và sản phẩm chủ lực để mở cửa và phát triển thị trường cho phù hợp, ưu tiên chỉ đạo sản xuất tốt các mặt hàng có tiềm năng xuất khẩu như tôm, trái cây.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam yêu cầu, thời gian tới, các đơn vị cần triển khai có hiệu quả việc xúc tiến thương mại, đặc biệt là xúc tiến thương mại kết hợp tháo gỡ rào cản với quảng bá đẩy mạnh tiêu thụ nông sản. Cụ thể, tháo gỡ rào cản kỹ thuật tại thị trường Mỹ, EU, chú ý thị trường sát Việt Nam, tập trung thị trường mới như Ấn Độ, Trung Đông.
Đặc biệt, đối với các thị trường trọng tâm, tiềm năng như thị trường Trung Đông, Nga, Ấn Độ và ASEAN sẽ chủ động đẩy mạnh giới thiệu quảng bá các sản phẩm có thế mạnh như rau quả, thủy sản, gạo, sản phẩm chăn nuôi.
Thị trường nội địa sẽ được chú trọng đặc biệt, gắn thị trường với vùng nguyên liệu tập trung, nâng cao chất lượng hàng hóa, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tích cực giới thiệu, quảng bá sản phẩm đặc sản vùng miền, địa phương trên cả nước.
Cụ thể, trong ngành hàng thủy sản sẽ tập trung tháo gỡ những khó khăn đối với thủy sản ở các thị trường Mỹ và EU nhằm giữ được thị phần thủy sản ở các thị trường này.
Về ngành hàng lâm sản, theo ông Nguyễn Quốc Trị, Tổng cục trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, hiện các thị trường xuất khẩu lâm sản vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng tốt. Thời gian tới sẽ sớm ký kết Hiệp định đối tác tự nguyện VPA/FLECT với EU để đẩy mạnh xuất khẩu gỗ sang thị trường này; tăng cường hợp tác thương mại và hài hòa hóa các quy định quản lý nguồn gốc lâm sản đối với các thị trường Hàn Quốc, Australia, Nga; thúc đẩy hợp tác lâm nghiệp và thương mại được liệu với Trung Quốc. Đồng thời đẩy mạnh phát triển trồng rừng gỗ lớn, để giảm nhập khẩu nguyên liệu gỗ. Khi Việt Nam chủ động được nguồn gỗ trong nước sẽ giảm giá thành sản xuất và minh bạch nguồn gốc gỗ.
Trong chăn nuôi sẽ đẩy mạnh quá trình xuất khẩu chuỗi thịt lợn gắn với xây dựng vùng chăn nuôi đảm bảo an toàn dịch bệnh. Tiếp tục nghiên cứu, tính toán phát triển sản phẩm xuất khẩu như: thịt gà, trứng…, bởi những sản phẩm này vẫn có sức tiêu thụ tốt.
Các sản phẩm trồng trọt, tiếp tục thúc đẩy phát triển các mặt hàng có tiềm năng, còn dư địa xuất khẩu như rau quả, cao su… Theo đó, Cục Trồng trọt sẽ tiếp tục kết hợp với khuyến nông xây dựng vùng nguyên liệu an toàn, tập trung; tổ chức các diễn đàn, hội chợ, xúc tiến thương mại theo vùng, nhất là vùng sản xuất hàng hóa theo hình thức xã hội hóa.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu, Ban chỉ đạo cần cải tiến có hiệu quả thông tin, dự báo thị trường nông sản. Phải phân tích kỹ một số thị trường để định hướng cho doanh nghiệp và địa phương trong xuất khẩu.