Nghiên cứu khoa học – Chìa khóa tiến ra biển
Để khai thác tài nguyên biển và hải đảo, Việt Nam cần có một Chương trình khoa học và công nghệ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo ở quy mô quốc gia.
Nghiên cứu khoa học được xem là giải pháp quan trọng để đánh giá tiềm năng biển, đảo, là “chìa khóa” tiến ra biển
Việt Nam có bờ biển dài và vùng biển rộng lớn chứa đựng nguồn tài nguyên đa dạng và phong phú. Có thể nói, nghiên cứu khoa học biển, hải đảo là chìa khóa để chúng ta tiến ra biển,tiếp cận với những lợi ích to lớn do biển mang lại, là một trong những căn cứ hoạch định cơ chế, chính sách quản lý biển, hải đảo nhằm khai thác, sử dụng tài nguyên biển tiết kiệm, hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, bảo vệ môi trường và dự báo ngăn chặn hoặc hạn chế những thảm họa, thiệt hại do thiên tai gây ra.
*Cần có Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên môi trường biển và hải đảo
Với tầm quan trọng như vậy, Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã có quy định về hoạt động nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Các hoạt động nghiên cứu khoa học, trong đó có nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đã được quy định trong pháp luật về khoa học và công nghệ pháp luật có liên quan. Phù hợp với phạm vi điều chỉnh của Luật tài nguyên, môi trường biển và hải đảo là quy định về quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo, Luật quy định, hoạt động nghiên cứu khoa học về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo được thực hiện thông qua các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo theo quy định của Luật này và pháp luật về khoa học và công nghệ; Luật chỉ tập trung quy định về Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo nhằm huy động nguồn lực quốc gia và sự tham gia của nhiều ngành khoa học và công nghệ để giải quyết các vấn đề liên ngành, lĩnh vực, liên vùng, quốc tế về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; làm cơ sở lý luận để hoạch định chính sách, cơ chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Luật nêu rõ, Nhà nước ưu tiên đầu tư cho các nhiệm vụ khoa học và công nghệ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo thông qua chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Theo quy định của Luật, Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo bao gồm đề tài, dự án, nhiệm vụ nghiên cứu đáp ứng 4 tiêu chí.
Đó là các đề tài cần có tầm quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo; phát huy tiềm lực khoa học và công nghệ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đồng thời phải giải quyết các vấn đề khoa học và công nghệ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực, liên vùng, quốc tế.
Các đề tài này làm cơ sở lý luận để hoạch định chính sách, cơ chế nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển và hải đảo; định hướng cho hoạt động điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Đặc biệt, Chương trình khoa học công nghệ cấp Nhà nước về biển, đảo phải huy động nguồn lực quốc gia và có sự tham gia của nhiều ngành khoa học và công nghệ.
Theo quy định của Luật, cơ quan, tổ chức, cá nhân có đề xuất nhiệm vụ khoa học và công nghệ về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo gửi về bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan nhà nước khác ở trung ương phải phù hợp với ngành, lĩnh vực, địa bàn quản lý để tổng hợp, đề xuất các nhiệm vụ khoa học và công nghệ đưa vào chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo.
Trên cơ sở đề xuất của Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và cơ quan nhà nước khác ở trung ương, Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, xây dựng, đặt hàng thực hiện đề tài, dự án, nhiệm vụ thuộc chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Việc xác định và tổ chức thực hiện chương trình được thực hiện theo quy định của pháp luật.
*Cần đẩy mạnh nghiên cứu
Theo Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam, trong thời gian tới cần đẩy mạnh đầu tư cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ về biển, đại dương, tạo cơ sở khoa học để phát huy tiềm năng của đại dương, biển và hải đảo Việt Nam, nâng cao hiểu biết về tiềm năng, lợi thế và tác động bất lợi từ biển, làm chủ các hoạt động trên biển, xác lập luận cứ khoa học, tạo cơ sở vững chắc cho việc xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững kinh tế biển và đảm bảo quốc phòng an ninh quốc gia, xây dựng thể chế, chính sách quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường biển; nghiên cứu, ứng dụng các giải pháp khoa học và công nghệ mới, tiên tiến, hiện đại trong điều tra cơ bản, quản lý, giám sát, khai thác, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo.
Các vấn đề thời sự về biển, đảo cần nghiên cứu còn là: Phòng tránh thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trên biển, đảo; dự báo, quan trắc, phòng ngừa, ứng phó, khắc phục sự cố môi trường biển; phát triển các ngành kinh tế biển quan trọng; đề xuất được những giải pháp phù hợp nhằm kiểm soát ô nhiễm môi trường biển, a-xít hóa đại dương, bảo tồn các vùng biển và nguồn tài nguyên biển, các hệ sinh thái ven biển, phát triển nghề cá bền vững, phòng chống thiên tai, xâm thực bờ biển; nghiên cứu, xây dựng mô hình cơ quan quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo cho tương xứng, phù hợp, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả thực thi chức năng, nhiệm vụ bảo đảm vận hành thông suốt thể chế quản lý tổng hợp...