Nhiều ứng dụng khoa học công nghệ góp phần nâng cao giá trị nông sản
Trong nhiều năm, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã có các chương trình nghiên cứu ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp. Qua đó góp phần nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Nghiên cứu, nhân giống một số cây trồng đặc sản bằng công nghệ mới. Ảnh minh họa/Báo Bắc Kạn
Hiện nay, nông nghiệp công nghệ cao được xem là nền nông nghiệp áp dụng những công nghệmới vào sản xuất, như các nghiên cứu phát triển giống mới, các giống biến đổi gene kháng sâu bệnh, công nghệ tưới tiêu tiên tiến, công nghệ tiết kiệm đất…; quản lý và tổ chức sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng nông sản, đạt hiệu quả kinh tế cao.
Trong nhiều năm, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã có các chương trình nghiên cứu ứng dụng KH&CN trong lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, nhờ kết quả nghiên cứu KH&CN về giống, kỹ thuật canh tác, phòng trừ sâu bệnh, xây dựng và bảo hộ sở hữu trí tuệ, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) trở thành vùng trồng cây ăn quả lớn, với diện tích hơn 26 nghìn ha cây ăn quả các loại như: vải thiều, cam, bưởi, nhãn, táo. Thu nhập từ trồng cây ăn quả đạt hơn ba nghìn tỷ đồng/năm.
Tỉnh Ðồng Tháp định hình được cây trồng thế mạnh của tỉnh là xoài Cát Chu, với gần 10 nghìn héc-ta, cho tổng thu nhập 2.300 tỷ đồng/năm, hiện đang xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc.
Việc ứng dụng KH&CN cũng thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị cây dừa với diện tích trồng lên tới 69 nghìn ha, tạo ra hơn 30 sản phẩm có giá trị gia tăng cao, thu nhập đạt 5.400 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho gần 13% số dân trong tỉnh Bến Tre.
Việc quan tâm bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của các địa phương đã đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp. Các sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý đưa lại giá bán cao hơn nhiều lần so với khi chưa được cấp văn bằng bảo hộ. Cam Cao Phong (Hòa Bình) năm 2016 đạt hơn 23 nghìn tấn, năm 2017 đạt hơn 30 nghìn tấn. Sau khi được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý, giá bán cam tăng lên, giúp người dân thu lãi từ 400 - 600 triệu đồng/ha.
Giá bưởi Tân Triều (Ðồng Nai) cũng tăng từ 20 đến 40% so với trước khi được bảo hộ chỉ dẫn địa lý. Tích cực ứng dụng KH&CN vào sản xuất, tỉnh Hà Giang hiện có bốn sản phẩm được cấp chứng nhận chỉ dẫn địa lý (cam sành Hà Giang, mật ong bạc hà cao nguyên đá, hồng không hạt Quản Bạ, gạo Già Rui Xín Mần) và 92 sản phẩm được bảo hộ nhãn hiệu tập thể.
Theo Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng, việc phát triển các chuỗi giá trị nông sản bền vững, nâng cao lợi thế, vị thế nông sản Việt Nam trên thị trường thế giới, đẩy mạnh ứng dụng KH&CN trong sản xuất nông nghiệp là nhu cầu thực tế của các địa phương và quốc gia. Bộ KH&CN mong muốn thúc đẩy ứng dụng, hỗ trợ nhằm đưa nhanh các thành tựu công nghệ mới, tiên tiến trong nông nghiệp vào thực tiễn sản xuất, nhất là việc thúc đẩy ứng dụng, đổi mới công nghệ để nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp trên phạm vi cả nước nói chung và khu vực nói riêng.
Theo đánh giá của các nhà khoa học, trong những năm gần đây, công nghệ đã đóng góp khoảng 30% trong giá trị tăng trưởng của nông nghiệp ở nước ta. Phát triển nông nghiệp công nghệ cao đã được Nhà nước quan tâm thể hiện qua các chủ trương chính sách lớn như Đề án phát triển nông nghiệp công nghệ cao đến năm 2020; Chương trình phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao thuộc Chương trình quốc gia phát triển công nghệ cao đến năm 2020. Theo đó, mục tiêu đến năm 2020 hình thành và phát triển gần 300 doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại mỗi vùng sinh thái nông nghiệp và 3-5 vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại mỗi tỉnh vùng kinh tế trọng điểm.
Tuy nhiên, các nhà khoa học cũng cho rằng, nông nghiệp Việt Nam vẫn còn manh mún, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, công nghệ lạc hậu, năng suất, độ đồng đều, chất lượng sản phẩm thấp; khả năng liên kết của nông dân còn hạn chế… Mặt khác, môi trường suy thoái, biến đổi khí hậu tác động không nhỏ đến điều kiện sản xuất, năng suất và chất lượng cây trồng, trong khi nhu cầu thiết yếu của con người về các sản phẩm xanh, sạch ngày càng cao. Vì vậy, việc áp dụng nông nghiệp công nghệ cao là một xu hướng tất yếu. Thị trường đang mở ra nhiều cơ hội nhưng cũng đầy thách thức cho các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực này.