Màng bọc thực phẩm phải đảm bảo quy định nào trước khi đưa ra thị trường?
Để dễ dàng kiểm soát cũng như đảm bảo an toàn cho người sử dụng thì sản phẩm màng bọc thực phẩm cần phải công bố hợp quy sản phẩm trước khi đưa ra thị trường.
Màng thực phẩm phải được hợp quy trước khi đưa ra thị trường
Vài năm trở lại đây, màng bọc thực phẩm đã trở thành một dụng cụ đắc lực trong nhà bếp của các bà nội trợ. Tuy nhiên, nếu không sử dụng đúng cách hoặc sử dụng với mọi loại thực phẩm thì cũng sẽ làm biến chất và gây hại.
Không khó để nhận ra màng bọc thực phẩm có rất nhiều loại với các nguồn gốc xuất xứ khác nhau như: Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Mỹ, Nhật… Thậm chí, các siêu thị lớn cũng bắt đầu sản xuất loại màng bọc riêng của mình.
Màng bọc thực phẩm là sản phẩm được chế tạo từ các nguyên liệu nhựa tổng hợp với chất liệu chủ yếu từ PVC (Màu vàng ngà, trong suốt, hay dính tay, khó bóc tách. Khó cháy, chỉ cháy khi có lửa đốt, mùi hôi) và PE (Màu trắng, trong suốt, ít dính tay, dai, dễ bóc tách. Dễ cháy, lửa đều màu, không tắt, không có mùi hôi).
Với màng PVC, nếu sử dụng không đúng cách, chẳng hạn như dùng ở nhiệt độ cao (bọc thức ăn nóng, cho vào lò vi sóng quay), nó sẽ giải phóng chất clo hoặc các phụ gia ở trong PVC. Dùng lâu ngày có thể gây nhiều nguy hại cho sức khỏe như rối loạn nội tiết, suy tim, gan, thận, thậm chí là ung thư. Trong khi đó, màng PE an toàn hơn vì nó chứa ít chất phụ gia gây hại hơn, an toàn cho sức khỏe. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, lựa chọn màng PE thay cho PVC chưa chắc đã đảm bảo an toàn nếu như người sử dụng không dùng đúng cách.
Theo đại diện Vụ Hợp chuẩn, Hợp quy (Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, sản phẩm màng bọc thực phẩm thuộc danh mục hàng hóa do Bộ Y tế quản lý, để dễ dàng kiểm soát cũng như đảm bảo an toàn cho người sử dụng thì Bộ Y tế đã có quyết định cần phải công bố hợp quy sản phẩm do cơ sở sản xuất hay nhập khẩu trước khi đưa ra thị trường.
Cụ thể, màng bọc là sản phẩm được làm từ hai chất liệu chính là PE và PVC, có sử dụng phụ gia DEHP (một hóa chất hữu cơ và là viết tắt của diethylhexyl phtalat) để làm mềm cho nên cần phải công bố sản phẩm phù hợp với QCVN 12-1:2011/BYT để đảm bảo chất lượng sản phẩm không gây ảnh hưởng với thực phẩm trong quá trình tiếp xúc gây hại cho người sử dụng.
Sau khi đánh giá chứng nhận sản phẩm theo phương pháp thử và các yêu cầu về kỹ thuật được nêu rõ trong QCVN 12-1:2011/BYT đơn vị phải thực hiện công bố hợp quy ở Sở Y tế theo Quy định về chứng nhận hợp chuẩn, chứng nhận hợp quy và công bố hợp chuẩn, công bố hợp quy được ban hành kèm theo Quyết định số 24/2007/QĐ BKHCN.
Việc công bố hợp quy màng bọc thực phẩm nói riêng và Chứng nhận các thiết bị, sản phẩm tiếp xúc thực phẩm nói chung là việc bắt buộc và nên làm với tất cả những đơn vị có sản phẩm cho nên cần lưu ý thực hiện đúng quy định tránh gây ảnh hưởng đến việc kinh doanh.
Theo quy định, hồ sơ công bố bao bì chứa đựng, bao gói thực phẩm: Bản công bố hợp quy, phù hợp quy định an toàn thực phẩm; Bản thông tin chi tiết về sản phẩm (tiêu chuẩn cơ sở); Kết hoạch kiểm soát chất lượng; Kế hoạch giám sát định kỳ; Mẫu nhãn sản phẩm; Mẫu sản phẩm; Giấy đăng ký kinh doanh của công ty đưa sản phẩm ra thị trường có ngành nghề phù hợp; Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Nội dung nhãn phụ sản phẩm (đối với sản phẩm nhập khẩu); Kết quả kiểm nghiệm trong vòng 12 tháng có đủ chỉ tiêu theo quy định trong trường hợp nhập khẩu (Trường hợp không có giấy phân tích thành phần này thì phải cung cấp kết quả khảo nghiệm tại các trung tâm khảo nghiệm có chức năng).
Đối với nhóm sản phẩm này, doanh nghiệp nộp hồ sơ tại Cục An toàn thực phẩm (đối với những sản phẩm nhập khẩu) và Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm (đối với những sản phẩm sản xuất trong nước).
Theo quy định, đối với hồ sơ công bố hợp quy đầy đủ theo quy định, trong thời gian 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ công bố hợp quy, cơ quan chuyên ngành tổ chức kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ công bố. Trường hợp hồ sơ công bố hợp lệ, cơ quan chuyên ngành ban hành Thông báo tiếp nhận hồ sơ công bố cho tổ chức, cá nhân công bố. Thời hạn hiệu lực của phiếu tiếp nhận công bố tiêu chuẩn sản phẩm là 3 năm và thời hạn giải quyết từ 25 – 30 ngày làm việc.