Ảnh hưởng của nồng độ các yếu tố N, P, và K trong dung dịch dinh dưỡng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất giống khoai tây GO (Generation zero) tại Đà Lạt, Lâm Đồng
Nghiên cứu được thực hiện bởi nhóm tác giả nghiên cứu Nguyễn Thế Nhuận, Nguyễn Quang Thạch, Nguyễn Đăng Nghĩa.
Ảnh minh họa.
Nghiên cứu ảnh hưởng của nồng độ các yếu tố N, P và K trong dung dịch dinh dưỡng đến sinh trưởng, phát triển và năng suất củ giống khoai tây G0 tại Đà Lạt, Lâm Đồng được thực hiện trong điều kiện nhà màng cách ly với giống khoai tây Atlantic; cây giống được trồng trên giá thể mụn xơ dừa trơ trên bồn xi măng, sử dụng cây giống ra rễ (root cutting).
Nồng độ đạm (N) trong dung dịch dinh dưỡng có tương quan chặt với tốc độ tăng trưởng chiều cao cây, tốc độ tăng trưởng số lá và tốc độ tăng trưởng diện tích lá trong sản xuất củ giống khoai tây. Dung dịch dinh dưỡng có nồng độ N = 202 mg/L cho kết quả tốt nhất với năng suất thực thu 277,8 củ/m2 , khối lượng trung bình củ đạt 16,84 gam và tỷ lệ củ đạt tiêu chuẩn 90,5%.
Kết quả nghiên cứu cho thấy, nồng độ lân không ảnh hưởng nhiều đến tốc độ tăng trưởng số lá khoai tây, tương quan chặt với tốc độ tăng trưởng chiều cao cây và tốc độ tăng trưởng diện tích lá, mức P=56,5 mg/L cho kết quả cao nhất; khối lượng trung bình củ đạt 17,94 gam, năng suất thực thu đạt 265,8 củ/m2 và đạt 92,8% củ tiêu chuẩn. Nồng độ kali có tương quan chặt với tốc độ tăng trưởng chiều cao cây; tốc độ tăng trưởng số lá và tốc độ tăng trưởng diện tích lá có tương quan chặt, mức K=283,5 mg/L cho kết quả tốt nhất, khối lượng trung bình củ đạt 19,17 gam, năng suất thực thu đạt 296,3 củ/m2 và tỷ lệ củ tiêu chuẩn đạt 94,5%.
Tạp chí nông nghiệp &PTNT, số 2/2018