Nhiều doanh nghiệp đang ‘khát’ nhân lực chất lượng cao
Nhiều doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp FDI đang rơi vào cơn 'khát' nguồn nhân lực chất lượng cao, được đào tạo đạt chuẩn.
Bà Nguyễn Thị Phương Mai - Giám đốc điều hành Navigos Search. Ảnh: Dân trí
Báo động tình trạng thiếu hụt lao động trình độ cao
Theo bà Nguyễn Thị Nhàn – Giám đốc dự án CLS - Cloud Learning System, về thực trạng chất lượng lao động Việt Nam, thời điểm cách đây vài năm, Việt Nam được các nhà đầu tư nước ngoài xem như một “miền đất hứa” với những lợi thế như dân số đông, thị trường tiêu thụ lớn; lực lượng lao động dồi dào, chi phí lao động thấp… Tuy nhiên, thực tế trong thời gian gần đây cho thấy, một số những yếu tố được coi như lợi thế này đôi khi vẫn khiến nhiều nhà đầu tư nước ngoài quan ngại. Đặc biệt, thể hiện rõ ràng nhất là vấn đề lao động tại Việt Nam.
Bà Nhàn đã dẫn chứng kết quả báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2017. Cụ thể, chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam chưa có nhiều đột phá. Báo cáo cũng chỉ ra rằng, doanh nghiệp FDI đánh giá chất lượng đào tạo và hiệu quả của lao động Việt Nam năm 2017 chỉ đạt 3,8 điểm. Vì vậy, doanh nghiệp phải chi nhiều tiền hơn cho hoạt động đào tạo khi tuyển dụng nhân sự mới. Cụ thể, chi phí trung bình cho hoạt động này chỉ chiếm 3,6% chi phí kinh doanh vào năm 2013, nhưng sau đó đã tăng vọt lên 5,9% trong năm 2014 và ở mức 5,7% vào năm 2017.
Thực tế này cho thấy, lao động của Việt Nam phần lớn chưa được qua đào tạo; việc sở hữu các kỹ năng mềm, trình độ ngoại ngữ, khả năng làm việc nhóm, kỹ năng công nghệ thông tin và khả năng sáng tạo vẫn còn rất hạn chế. Và rất nhiều lao động Việt Nam dù đã qua đào tạo nhưng khi làm việc vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của chủ doanh nghiệp và phải mất thời gian đào tạo lại.
Báo cáo PCI cũng cho thấy 55% doanh nghiệp khẳng định khó tìm kiếm nguồn lao động có chất lượng cao đáp ứng nhu cầu doanh nghiệp. Cuộc tìm kiếm khá nhọc nhằn của nhà đầu tư nước ngoài và doanh nghiệp trong nước là tìm kiếm nguồn nhân lực chất lượng cao ở Việt Nam.
Còn theo số liệu điều tra của Viện Khoa học Lao động Xã hội, 2/3 số doanh nghiệp Việt Nam cho biết, phần lớn người lao động thiếu hụt kĩ năng cần thiết cả về chuyên môn và các kỹ năng nòng cốt khác. Sự thiếu hụt những kỹ năng cốt lõi ngoài kỹ năng về mặt kỹ thuật còn nghiêm trọng hơn thiếu hụt kỹ năng về kỹ thuật.
Mặc dù nguồn lực lao động dồi dào, song Việt Nam được lựa chọn là điểm hấp dẫn các nhà đầu tư không phải do chất lượng nguồn lao động hay thể chế. Các nhà đầu tư Nhật Bản xếp 3 yêu cầu quan trọng trong việc lựa chọn Việt Nam là điểm đầu tư đó là do sự ổn định chính trị xã hội, quy mô thị trường và lực lượng lao động trẻ.
Liên quan tới vấn đề trên, theo TS Lê Kim Dung - Cục trưởng Cục Việc làm, Bộ LĐ TB&XH, tỷ lệ lao động trong độ tuổi đã qua đào tạo còn thấp, thiếu hụt lao động có tay nghề cao vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của thị trường lao động và hội nhập. Ngoài ra, khoảng cách giữa giáo dục nghề nghiệp và nhu cầu của thị trường lao động ngày càng lớn. Khi xem xét vấn đề thất nghiệp theo góc độ trình độ chuyên môn kỹ thuật thì tỷ lệ thất nghiệp đang có xu hướng gia tăng trong số lao động có trình độ cao.
Theo Bản tin Thị trường lao động số 15, tại thời điểm quí 3/2017, số người thất nghiệp có trình độ từ đại học trở lên tăng 53,9 nghìn người so với quí 2/2017 ở mức 237 nghìn người, tương đương 4,51%.
Doanh nghiệp phải bước vào “cuộc chiến” giành nhân tài
Bà Nguyễn Thị Phương Mai - Giám đốc điều hành Navigos Search cho biết, một khảo sát của Navigos Search cho thấy các doanh nghiệp đang bước chân vào cuộc chiến về mặt nhân tài.
“Với khảo sát của Navigos Search chúng tôi thấy rằng có đến 41% doanh nghiệp Việt cảm thấy khó khăn trong việc tìm ứng viên chất lượng cho vị trí quản lý” - bà Mai nói.
Bà Mai cũng chỉ ra rằng thách thức của doanh nghiệp khi họ tuyển dụng những vị trí cấp trung cấp cao là nguồn cung nhân lực Việt Nam cho vị trí này vừa thiếu vừa yếu, chưa có nguồn lực thật sự giúp cho các doanh nghiệp biến thế mạnh của mình thành thế mạnh cạnh tranh trên thị trường lao động.
“Dưới áp lực của cách mạng 4.0, trong thời gian vừa qua, đặc biệt là trong khoảng 3 năm vừa qua, xu hướng công ty khởi nghiệp nhiều, đặc biệt khởi nghiệp công nghệ. Vì vậy đã một lần nữa thu hút các ứng viên ở vị trí cấp quản lý bước ra khởi nghiệp cho công ty riêng của mình, cũng như họ chèo kéo các vị trí quản lý ở các doanh nghiệp khác để về doanh nghiệp của mình" - bà Mai cho biết.
Một vấn đề nữa vô cùng đau đầu theo bà Mai là hiện tượng nhảy việc. Theo bà, có thể do cơ hội đến từ các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài trong thời gian qua tăng nhanh nên cơ hội nhiều mà nguồn cung không nhiều khiến ứng viên chuyển từ doanh nghiệp này sang doanh nghiệp khác khá nhiều. Điều này, dẫn đến 2 hệ quả: hệ quả đầu tiên là làm thế nào đưa ra chiến lược giữ chân và phát triển nhân tài ở doanh nghiệp. Hệ quả tiếp theo là doanh nghiệp không tìm được ứng viên đủ tài đức trong việc chèo lái doanh nghiệp của họ.
Bàn về giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tại Việt Nam, bà Mai cho rằng hiện tại chúng ta có 4 nhóm đối tác cần bắt tay với nhau chặt chẽ để giải bài toán nâng cao chất lượng doanh nghiệp Việt Nam là: cơ quan quản lý nhà nước; các nhà đào tạo, trường đào tạo; doanh nghiệp; các cơ quan truyền thông và đơn vị tư vấn.
Theo quan điểm của bà Mai thì ở góc độ các cơ quan quản lý nhà nước cần có chính sách mạnh mẽ hơn trong việc đào tạo chính nguồn lực tại công ty mình. Ngoài ra, cơ quan quản lý có thể nghĩ đến chính sách đưa ra giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đưa ra công cụ giúp hoạt động hiệu quả hơn.
Về phía các nhà đào tạo, các trường đạo tạo bà Mai cho rằng các đối tượng này cần tích cực hơn trong việc đối thoại với doanh nghiệp, với cơ quan báo đài, các đơn vị tuyển dụng. Đối với các nhà tuyển dụng, bà Mai cho rằng các nhà tuyển dụng cần phải cẩn thận hơn trong việc đưa ra những định hướng, thông tin hỗ trợ nhà đào tạo để họ biết rằng để đào tạo nguồn nhân lực.