Ngày Thương hiệu Việt Nam 20/4: Khẳng định giá trị thương hiệu Việt
Với sự quan tâm của Chính phủ, đặc biệt, nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp (DN), thương hiệu Việt gắn với dịch vụ, sản phẩm hàng hóa chất lượng đã được khẳng định, tạo vị thế, nâng cao sức cạnh tranh trong nền kinh tế hội nhập.
Tôn vinh doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia.
Thương hiệu và những giá trị gắn liền ngày càng được coi trọng đối với mỗi DN, quốc gia trong nền kinh tế hội nhập. Các giá trị đó được thể hiện và kết tinh từ sản phẩm, dịch vụ, gắn với mỗi DN và hình ảnh quốc gia.
Xác định được những giá trị cốt lõi, tầm quan trọng của thương hiệu, ngày nay, cộng đồng DN Việt Nam đã có nhận thức đầy đủ và nỗ lực không ngừng để xây dựng, khẳng định thương hiệu, tạo nên tên tuổi và vị thế cạnh tranh, đóng góp lớn cho nền kinh tế.
Thông qua Chương trình Thương hiệu quốc gia do Chính phủ giao Bộ Công Thương chủ trì, từ năm 2003 đến nay, nhận thức của DN và nhà quản lý thương hiệu về vấn đề xây dựng, phát triển thương hiệu được nâng cao rõ rệt. Với sự hỗ trợ của chương trình, nhiều tập đoàn và DN Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu như “chìa khóa” giúp gia tăng giá trị cho sản phẩm cũng như giá trị của DN. Từ đó, có bước đi đúng hướng trong việc xây dựng, phát triển và quản trị thương hiệu; góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh cho DN và khẳng định vị trí trên thị trường trong nước. Có thể kể đến những thương hiệu lớn trong nước đã đạt Thương hiệu quốc gia như: Tôn Hoa Sen, Vinamilk, Viettel, VNPT, gốm sứ Minh Long…
Hiện nay, đa số DN Việt Nam có quy mô vừa và nhỏ, phần lớn chưa có điều kiện đầu tư nhiều cho xây dựng thương hiệu. Vì vậy, hỗ trợ xây dựng thương hiệu cho hàng hóa, dịch vụ của DN để tăng giá trị gia tăng, thúc đẩy xuất khẩu, cũng như tăng cường khả năng nhận biết hàng hóa, dịch vụ trên thị trường là điều vô cùng cần thiết trong tiến trình hội nhập và phát triển đất nước. Chương trình Thương hiệu quốc gia được thực hiện với mục tiêu đó.
Đây là chương trình duy nhất của Chính phủ được tiến hành với mục đích quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia thông qua sản phẩm. Chương trình thể hiện sự bảo trợ của nhà nước cho các thương hiệu sản phẩm có chất lượng và uy tín kinh doanh, giúp DN Việt Nam tạo chỗ đứng vững vàng trên thị trường trong nước và có điều kiện phát triển thương hiệu ra thế giới.
Ở Việt Nam, có nhiều hoạt động tổ chức vinh danh và bình chọn liên quan tới thương hiệu, tuy nhiên, thương hiệu quốc gia là chương trình duy nhất có gắn thương hiệu sản phẩm của DN. Vì vậy, được công nhận, vinh danh là thương hiệu quốc gia là mục tiêu lớn mà nhiều DN hướng đến.
Ông Nguyễn Duy Chính - Tổng giám đốc Tập đoàn Tân Á Đại Thành - nhấn mạnh: Thương hiệu quốc gia là danh hiệu cao quý của Chính phủ mà bất kỳ DN nào cũng mong muốn đạt được. Không chỉ khẳng định thương hiệu, chất lượng sản phẩm và dịch vụ mà còn nâng cao uy tín, vị thế của DN. Việt Nam đã và đang tiếp tục ký kết các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, nên việc xây dựng thương hiệu DN, thương hiệu và hình ảnh quốc gia rất quan trọng.
Việc lựa chọn các DN đạt Thương hiệu quốc gia được tiến hành 2 năm một lần với mục đích khuyến khích các DN tiếp tục chia sẻ và theo đuổi các giá trị của chương trình, nâng cao niềm tự hào đối với các sản phẩm của Việt Nam. Số lượng các DN đạt Thương hiệu quốc gia tăng dần qua các thời kỳ, năm 2008: 30 DN; năm 2010: 43 DN; năm 2012: 54 DN; năm 2014: 63 DN và năm 2016: 88 DN.
|
www.baocongthuong.com.vn (ntmoanh)