Xe đạp lọc nước, ống hút làm từ cỏ bàng tham gia hội nghị toàn cầu
Đây là những sản phẩm của Việt Nam tham gia hội nghị toàn cầu các nhà sáng chế (FAN4) nhằm nhận hỗ trợ kỹ thuật, công nghệ từ chuyên gia toàn cầu để sớm ứng dụng vào cuộc sống.
Nhà sáng chế Phạm Văn Anh và chiếc máy lọc nước gắn xe đạp cho người dân xã Phong Thạnh, huyện Cầu Kè, tỉnh Trà Vinh.
FabLab Saigon sẽ kết hợp cùng Saigon Innovation Hub (SIHUB), thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM và mạng lưới các FabLab Việt Nam chính thức tổ chức “Hội nghị mạng lưới các FabLab Châu Á lần 4 (FAN4)” từ ngày 2-5/05 tới tại TP.HCM.
Với chủ đề “Đồng kiến tạo một thế giới tốt đẹp hơn”, hội nghị năm nay thu hút chuyên gia từ Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Jordan, Ấn Độ, Philippines, Bangladesh… đến hỗ trợ các dự án phát triển bền vững của nhiều nhà sáng chế.
Các nhà sáng chế của Việt Nam sẽ tham dự FAN4 với nhiều sản phẩm có khả năng ứng dụng lớn như, thiết bị lọc nước gắn xe đạp và hệ thống chiếu sáng công cộng bằng năng lượng mặt trời dành cho khu vực nông thôn của ECO Group Việt Nam hay giải pháp dùng ống hút làm từ cỏ bàng để hạn chế rác thải từ ống hút nhựa của anh Trần Minh Tiến…
Các dự án trên đều nằm trong 17 mục tiêu phát triển bền vững của Liên Hiệp Quốc, được đề ra vào năm 2015, và đã có nguyên mẫu hoàn thiện nhưng chưa thể phát triển quy mô lớn do hạn chế về công nghệ và nguồn vốn đầu tư.
Nguyễn Trọng Nhân, Giám đốc Fablab Saigon chia sẻ, thông qua hội nghị lần này, FabLab Saigon kỳ vọng sẽ tìm ra các giải pháp kỹ thuật hiệu quả nhằm nhân rộng mô hình phát triển bền vững trên toàn quốc, đồng thời thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong cộng đồng sáng chế và chế tạo trẻ ở Việt Nam.
Bà Trần Thị Thu Hương, Vụ trưởng - Trợ lý Bộ Trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ đánh giá cao ý tưởng phát triển cộng đồng nhà sáng chế trên toàn cầu của Fablab.
“Không nằm ngoài mục tiêu xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo cho Việt Nam, việc nâng cao nhận thức về các mục tiêu phát triển bền vững như xử lý nước sạch, năng lượng sạch, bảo vệ môi trường… là một trong các hoạt động cộng đồng nên được khuyến khích và nhân rộng”- bà Hương nói.
Ông Huỳnh Kim Tước, CEO SIHUB chia sẻ, cộng đồng sáng chế (makers) là nhân tố tiên phong trong sáng tạo và ứng dụng các giải pháp kỹ thuật, công nghệ, để phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia. Hội nghị mạng lưới các FabLab Châu Á lần 4 sẽ là cơ hội tốt dành cho các bạn trẻ yêu thích đổi mới sáng tạo và các hoạt động cộng đồng tại TP.HCM.
Fablab là một công xưởng thu nhỏ tập trung vào lĩnh vực chế tác số (Digital Fabrication). Fablab tạo ra không gian cho những người yêu thích sáng tạo trên nền tảng khoa học và công nghệ cùng nhau gặp gỡ, thực hiện các sản phẩm mà mình mong muốn.
Những gì mà Fablab mang lại cho cộng đồng là giải pháp cho những vấn đề mang tính địa phương, những gì mà xã hội đang thực sự cần. Hiện nay, hệ thống Fablabs đã triển khai được gần 700 mô hình trên khắp thế giới. Hiện, Mỹ là quốc gia dẫn đầu về số lượng với 172 Fablab.
Fablab Saigon được thành lập vào tháng 03/2014. Sau sự ra đời của Fablab Saigon, các Fablab khác tại Việt Nam cũng ra đời tiếp nốI là Fablab Đà Nẵng, Fablab Hà Nội, Fablab Thảo Điền (Q.2, TP.HCM), Fablab Cần Thơ. Hiện tại các Fablab đang làm việc cùng nhau để xây dựng Mạng lưới Fablab Việt Nam (Fablabs Vietnam Network).
|