Nguồn gốc sự ra đời của Trung tâm phân tích thí nghiệm TP.HCM
Là những nhà hóa học, chúng tôi đã thảo luận với nhau rằng nếu Việt Nam có một trung tâm phân tích với các thiết bị đầy đủ, thậm chí không cần quá hiện đại, cho phép thực hiện phân tích hóa học nhanh chóng, một bi kịch như vậy đã không xảy ra.
Giáo sư Nguyễn Quý Đạo.
Được thành lập ngày 18/2/1985, Trung tâm Dịch vụ Phân tích thí nghiệm TP.HCM (CASE) là đơn vị trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ TP.HCM, hoạt động trong lĩnh vực phân tích thí nghiệm, nằm trong hệ thống các phòng phân tích thí nghiệm của khu vực và cả nước. Sau hơn 30 năm hình thành và phát triển, từ đội ngũ nhân sự chỉ gồm 20 nhân viên, 4 phòng ban cùng đội ngũ lãnh đạo ban đầu, đến nay, trung tâm đã có hơn 160 viên chức - người lao động, 11 phòng ban và 2 trụ sở hoạt động. Sự phát triển của CASE đóng góp tích cực vào quá trình phát triển của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực tại TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Tạp chí Khám phá trân trọng giới thiệu loạt bài "Case - Chặng đường ghi dấu thành công" của tác giả Nguyễn Quý Đạo, Giám đốc nghiên cứu danh dự tại CNRS, Giáo sư danh dự tại Ecole Centrale Paris, Chủ tịch Ủy ban Tư vấn Pháp đối với Việt Nam, Cựu Giám đốc Văn phòng Khu vực Đông Nam Á của CNRS tại Hà Nội, Việt Nam, người có nhiều đóng góp cho sự ra đời và phát triển của CASE sau này.
Năm 1976, một năm sau khi Việt Nam thống nhất, bầu không khí khẩn trương xây dựng lại đất nước đã bị tàn phá bởi nhiều thập kỷ do chiến tranh tàn khốc. Người Việt Nam tại Pháp, dưới sự bảo trợ của Tổng Hội người Việt Nam tại Pháp, nhiệt tình thành lập Hiệp hội các nhà khoa học và chuyên gia tại Pháp chuyên về các lĩnh vực khoa học và kỹ thuật như Toán học, Công nghệ thông tin, Xây dựng dân dụng... Sau đó, tôi được các nhà hóa học đồng nghiệp bầu làm Chủ tịch Hội Hóa học.
Đúng như dự đoán, rất nhiều vấn đề nảy sinh cho chúng tôi trong giai đoạn thống nhất đất nước. Chúng tôi theo dõi những tin tức Việt Nam qua báo chí. Lúc bấy giờ còn chưa có Internet!
Một sự kiện khủng khiếp đã xảy ra và thu hút sự chú ý của chúng tôi: Vào cuối thập niên 1970 tại Thành phố Hồ Chí Minh, nhiều trẻ sơ sinh bị chết sau khi được xoa phấn rôm. Điều này gợi chúng tôi nhớ lại những ký ức đau đớn của vụ phấn rôm Morhange vài năm trước ở Pháp. Trong trường hợp của Việt Nam, nguyên nhân là do sử dụng sản phẩm giả được sản xuất trong nước.
Lương tâm và trách nhiệm thôi thúc chúng tôi hành động. Là những nhà hóa học, chúng tôi đã thảo luận với nhau rằng nếu Việt Nam có một trung tâm phân tích với các thiết bị đầy đủ, thậm chí không cần quá hiện đại, cho phép thực hiện phân tích hóa học nhanh chóng, một bi kịch như vậy đã không xảy ra! Ý tưởng xây dựng một trung tâm phân tích hóa học ở Việt Nam ra đời như thế. Để đạt được dự án đầy tham vọng này, chúng tôi đã phải chuẩn bị một cách cẩn thận, tỉ mỉ từng giai đoạn.
Cơ hội và Trực giác
Vài năm trước đó, Hội Hóa học tại Pháp của chúng tôi đã có sáng kiến tổ chức một cuộc họp về chủ đề Hóa học phân tích, với mục đích thống kê khả năng của các nhà hóa học Việt Nam tại Pháp. Đây là hội thảo đầu tiên về các phương pháp phân tích hóa học, diễn ra tại trường Đại học Paris-Orsay vào ngày 6-7 tháng 11 năm 1976. Đã có hơn một trăm nhà hóa học người Việt Nam từ khắp nơi trên nước Pháp. Hội thảo thu được thành công lớn qua đó cho phép chúng tôi nắm biết lĩnh vực chuyên môn của từng nhà khoa học!
Tuy nhiên, để thực hiện dự án xây dựng một trung tâm phân tích hóa học ở Việt Nam, thì chúng tôi phải đối mặt với rất nhiều vấn đề: thuyết phục các nhà chức trách Việt Nam những giá trị của dự án để họ chấp thuận, tìm kiếm nguồn tài chính, tìm kiếm các chuyên gia Pháp có thẩm quyền đồng ý tham gia xúc tiến dự án. ...
Năm 1982, tôi được ông Nguyễn Ngọc Trân - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước (tiền thân của Bộ Khoa học và Công nghệ) mời đến để nghiên cứu tính khả thi của dự án: địa điểm để xây dựng Trung tâm trong tương lai , về phía Việt Nam ai sẽ tài trợ cho các dự án và bằng cách nào? Sau khi cân nhắc giữa các Bộ củaViệt Nam, đèn xanh đã được bật cho chủ trương thành lập một Trung tâm đặt tại TP.HCM dưới sự quản lý của Ủy ban Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam và Uỷ Ban Nhân Dân TPHCM
Sự chấp thuận này đã đưa tôi đến những vấn đề tiếp theo, về phía Pháp, làm thế nào để đạt được hiện thực hóa dự án này.