Khoa học công nghệ TP.HCM đi đầu trong liên kết 3 nhà
Mô hình: “Doanh nghiệp - Nhà nước - Tổ chức nghiên cứu” trong hoạt động Khoa học và Công nghệ, lấy doanh nghiệp làm trung tâm do Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh khởi xướng đã giúp các nhà khoa học, các nhà sản xuất, kinh doanh “hiểu nhau”, giúp cho việc đưa các sản phẩm nghiên cứu khoa học được ứng dụng trong sản xuất và đời sống.
Nhiều chương trình đã được xây dựng nhằm phát triển sản phẩm công nghiệp thay thế nhập khẩu với chi phí thấp cho năm lĩnh vực ưu tiên của thành phố, gồm: chế biến thực phẩm, dệt may - da, nhựa - cao su, cơ khí nông nghiệp và cơ khí tiêu dùng. Qua đó góp phần nâng cao năng lực thiết kế, trình độ chế tạo của đội ngũ kỹ thuật của doanh nghiệp, kết hợp với đội ngũ Khoa học và Công nghệ tại các viện, trung tâm nghiên cứu, trường đại học.
Kết quả đã tạo dựng cơ chế liên kết hợp tác ba bên, trong đó nhà nước đóng vai trò cầu nối, là “bà đỡ” và cùng chia sẻ rủi ro trong mối liên hệ giữa doanh nghiệp và các tổ chức nghiên cứu. Sự hợp tác liên kết là khâu đột phá rất quan trọng, nhằm phát huy năng lực của đội ngũ cán bộ Khoa học và Công nghệ, đồng thời nâng cao hiệu quả đầu tư, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Nổi bật nhất của mô hình này là Chương trình Hỗ trợ doanh nghiệp hiện đại hóa với chi phí thấp, tạo ưu thế cạnh tranh tổng hợp và đẩy mạnh xuất khẩu (gọi tắt là Chương trình 04 theo Chỉ thị 04/2000/CT-UB-KT ngày 23-2-2000 của UBND Thành phố Hồ Chí Minh).
Chương trình 04 đã thu được những kết quả đáng khích lệ trong hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp như tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức về hệ thống quản lý chất lượng quốc tế, kỹ năng tiếp xúc thương mại, sở hữu trí tuệ, bảo hộ nhãn hiệu hàng hóa, chương trình cung cấp thông tin cho doanh nghiệp thông qua hệ thống đối thoại doanh nghiệp và chính quyền thành phố…
Chương trình đã hình thành và phát triển mô hình “tam giác liên kết” thông qua các nội dung như: Hỗ trợ thiết kế, chế tạo thiết bị có trình độ công nghệ tiên tiến với chi phí thấp so với giá nhập khẩu, khai thác thế mạnh của các cơ quan nghiên cứu, đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa của một số ngành sản xuất, làm tăng khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp.
Ðến nay, qua chương trình “Hỗ trợ thiết kế, chế tạo thiết bị có trình độ công nghệ tiên tiến với chi phí thấp”, TP.HCM đầu tư kinh phí 17,3 tỷ đồng để thiết kế chế tạo 27 loại thiết bị, công nghệ thay thế nhập khẩu với giá thành chỉ bằng 30 - 70% giá nhập khẩu. Ðã chuyển giao hơn 180 thiết bị, tiết kiệm được 11,3 triệu USD (hơn 160 tỷ đồng) cho doanh nghiệp. Sản phẩm của chương trình đã xuất khẩu sang Thái Lan, Lào, Cam-pu-chia, Australia với giá trị gần một triệu USD trong hai năm 2003 và 2004.
Thành phố cũng đã thành lập Trung tâm Thiết kế Chế tạo Thiết bị mới (Neptech) - đơn vị trực thuộc Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố Hồ Chí Minh. Ðây là nơi tập hợp, thu hút các nguồn lực Khoa học và Công nghệ của thành phố để nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ và sản xuất thử nghiệm một số thiết bị - công nghệ, góp phần hiện đại hóa một số ngành sản xuất mũi nhọn của thành phố.
Có thể nói việc hình thành và phát triển mô hình liên kết tam giác: “Doanh nghiệp - Nhà nước - Cơ sở nghiên cứu khoa học” trong hoạt động Khoa học và Công nghệ thông qua chương trình “Hỗ trợ doanh nghiệp hiện đại hóa với chi phí thấp, tạo ưu thế cạnh tranh tổng hợp và đẩy mạnh xuất khẩu” đã tạo tiền đề cho việc xây dựng và phát triển thị trường Khoa học và Công nghệ tại Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng và cả nước nói chung.