Đề án Hệ tri thức Việt số hóa: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban chỉ đạo
Ban chỉ đạo Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” gồm có 16 thành viên, Trưởng Ban chỉ đạo là Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam.
Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hoá” đã được chính thức khởi động lúc 10 giờ 10 phút 10 giây ngày 1/1/2018.
Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định 494/QĐ -TTg thành lập Ban Chỉ đạo Đề án "Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa". Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam làm Trưởng Ban chỉ đạo.
3 Phó Trưởng Ban Chỉ đạo gồm: Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh; Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) Nguyễn Mạnh Hùng; Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh Lê Quốc Phong.
Các Ủy viên Ban chỉ đạo gồm lãnh đạo: Văn phòng Chính phủ; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Y tế; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Tư pháp; Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam; Viện Hàn lâm Khoa học và Xã hội Việt Nam; Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam; Đại học Quốc gia Hà Nội.
Tại Quyết định này, Thủ tướng Chính phủ đã nhấn mạnh: không dân tộc nào, quốc gia nào có thể phát triển bền vững nếu không chú trọng tới khoa học và công nghệ, không phát huy hiệu quả năng lực sáng tạo dựa trên nền tảng tri thức vững chắc của người dân. Để đất nước phát triển nhanh hơn, bền vững hơn trong bối cảnh thế giới đang bước vào cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, nhất thiết phải tăng cường nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, nâng cao năng lực đổi mới sáng tạo của mỗi người dân, mỗi tổ chức ở tất cả các ngành, các lĩnh vực.
“Việc xây dựng và triển khai Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa” sẽ góp phần thúc đẩy, tạo điều kiện để mọi người dân học tập suốt đời, làm chủ tri thức; tăng cường sáng tạo nghiên cứu, ứng dụng khoa học công nghệ; phát huy sức mạnh trí tuệ của toàn dân, thúc đẩy quá trình phát triển đất nước”, Quyết định của Thủ tướng Chính phủ nêu rõ.
Ban chỉ đạo có chức năng tham mưu, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, đôn đốc, phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương, tổ chức thực hiện có hiệu quả Quyết định số 677/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 18/5/2017 về việc phê duyệt Đề án "Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa".
Ban chỉ đạo giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, điều phối, đôn đốc hoạt động triển khai thực hiện Đề án "Phát triển Hệ tri thức Việt số hóa" trên phạm vi toàn quốc, các ngành, các lĩnh vực, theo khu vực và vùng miền.
Bên cạnh đó, nghiên cứu, đề ra chủ trương, giải pháp huy động các nguồn lực, tập hợp lực lượng, đặc biệt là các doanh nghiệp tham gia xây dựng Hệ tri thức Việt số hóa; chỉ đạo việc tổ chức các cuộc thi, các đợt phát động, các hoạt động vinh danh cá nhân, tổ chức và cộng đồng. Từng bước đẩy mạnh các hoạt động này thành phong trào toàn dân.
Đồng thời, chỉ đạo đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của Hệ tri thức Việt số hóa trong sự nghiệp xây dựng, phát triển các ngành, lĩnh vực trong bối cảnh cuộc cách mạng Công nghiệp lần thứ 4.
Các thành viên Ban chỉ đạo làm việc theo chế độ kiêm nhiệm. Nhiệm vụ cụ thể của các thành viên do Trưởng Ban chỉ đạo phân công.
Sau hơn 6 tháng Bộ Khoa học và Công nghệ tích cực phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân để chuẩn bị, đúng 10 giờ 10 phút 10 giây ngày 1/1/2018, tại Hà Nội, Đề án “Phát triển Hệ tri thức Việt số hoá” đã được chính thức khởi động dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam. Với mục tiêu “Chia sẻ tri thức - Cổ vũ sáng tạo - Kết nối cộng đồng - Vì tương lai Việt Nam”, Đề án được khởi động vào dịp đầu năm mới nhằm lan tỏa thông điệp “Mọi ý tưởng, từng phím gõ đều vì cộng đồng”; từ đây người Việt Nam có thể chung tay cùng xây dựng hệ tri thức Việt số hóa, mọi nguồn lực trong xã hội có thể cùng tham gia phổ biến tri thức tới người dân một cách thuận tiện, hiệu quả, đơn giản.
Được hiện thực hóa tại https://itrithuc.vn/, Hệ tri thức Việt số hóa được kỳ vọng sẽ tạo ra một hệ sinh thái toàn diện để tất cả mọi người, nhất là thế hệ trẻ Việt Nam sáng tạo, phát triển các công nghệ tiên tiến trên nền tảng của dữ liệu lớn, IoT, trí thông minh nhân tạo..., đặc biệt trong thời kỳ Cách mạng công nghiệp 4.0 đang tác động mạnh mẽ tới mọi lĩnh vực từ khoa học, giáo dục, giao thông, tài chính, sản xuất, y tế… Đây chính là nền tảng kiến tạo những cơ hội lớn, thực tiễn cho phong trào khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam.