Xóa 'rào cản' xuất khẩu sang Hoa Kỳ: Cần sự chung tay giữa các DN Việt
Các doanh nghiệp Việt Nam cần tăng cường liên kết, hợp tác để cùng tháo gỡ rào cản do thị trường Hoa Kỳ đặt ra đối với hàng hóa xuất khẩu.
Để hàng hóa Việt có thể vào Hoa Kỳ nhiều hơn, DN cần nắm rõ những Tiêu chuẩn kỹ thuật, những 'rào cản' mà thị trường này mới đặt ra. Ảnh: báo Hải quan
Theo thống kê từ Bộ Công Thương, kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ thời gian qua liên tục tăng trưởng ổn định và ở mức cao, đạt 50,81 tỷ USD vào cuối năm 2017. Việt Nam hiện là đối tác thứ 12 về xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ, xếp thứ 27 về nhập khẩu hàng hóa và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ.
Một đặc điểm rất quan trọng trong quan hệ thương mại song phương giữa Việt Nam và Hoa Kỳ là tính chất bổ trợ cho nhau giữa hai nền kinh tế. Tuy nhiên, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện nay vào thị trường này vẫn là các mặt hàng truyền thống như: Dệt may, da giày, đồ gỗ, máy móc thiết bị điện tử… Trong khi đó, các sản phẩm có hàm lượng giá trị gia tăng cao hay sản phẩm tiêu dùng cao cấp lại chiếm tỉ trọng không đáng kể.
Nhiều “rào cản” từ thị trường Hoa Kỳ
Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, thách thức lớn đối với DN xuất khẩu của Việt Nam hiện nay là do hệ thống pháp luật của Hoa Kỳ đặt ra rất nhiều quy định chặt chẽ đối với hàng nhập khẩu. Ngoài luật liên bang, mỗi tiểu bang của Hoa Kỳ lại có những quy định, luật định khác nhau.
Vì vậy, DN Việt Nam muốn đưa hàng vào thị trường Hoa Kỳ, cụ thể là tiểu bang nào, phải tìm hiểu luật, những quy định ràng buộc tại tiểu bang đó, cũng như luật Liên bang có liên quan.
Bên cạnh đó, xu hướng bảo hộ thông qua việc ban hành các quy định, tiêu chuẩn mới, phức tạp về chất lượng, an toàn thực phẩm, nguồn gốc sản phẩm, đặc biệt là đối với các sản phẩm nông-lâm-thủy sản cũng ngày càng được Hoa Kỳ tăng cường áp dụng.
Những thay đổi trong chính sách thương mại mới của Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam, khiến cho việc duy trì mức kim ngạch hiện tại, hay thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu vào Hoa Kỳ trở thành bài toán không dễ tìm ra lời giải đáp thỏa đáng.
Chính vì vậy, Bộ Công Thương khuyến khích các DN Việt Nam cùng nhau phối hợp xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất hàng xuất khẩu đi Hoa Kỳ, thông qua đó mang lại nhiều giá trị gia tăng cho hàng hóa Việt Nam, Bộ Công Thương luôn sẵn sàng hỗ trợ DN trong tiến trình này.
Thực tế trong thời gian qua, ngày càng nhiều mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam bị Hoa Kỳ áp thuế chống bán phá giá cũng như nâng điều kiện tiêu chuẩn kỹ thuật cho hàng nhập khẩu.
Cần sự chung tay từ các doanh nghiệp
Thực tế, các DN xuất khẩu của Việt Nam đa phần là DN nhỏ và vừa (DNNVV) thường ít kinh nghiệm đối phó với các vụ kiện thương mại, do đó việc đáp ứng các yêu cầu từ phía Hoa Kỳ sẽ gặp khó khăn. Một vấn đề nữa đó là chi phí thuê luật sư cho các vụ kiện cao, DN khó có thể đáp ứng. Hơn nữa, các vụ kiện cũng thường kéo dài, dẫn đến nhiều thiệt hại cho DN.
Chính vì vậy, ông Chu Thắng Trung, Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) lưu ý, khi DN bị kiện, việc đầu tiên là phải hợp tác chặt chẽ với Chính phủ Hoa Kỳ, đồng thời phải có sự hợp tác của toàn thể các DN trong ngành.
Là ngành xuất khẩu trọng điểm vào thị trường Hoa Kỳ trong những năm qua, chia sẻ về cách thức vượt qua những rào cản của Hoa Kỳ đối với ngành thủy sản, ông Trương Đình Hòe, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, VASEP luôn đồng hành cùng các DN tiến hành các biện pháp cụ thể nâng cao hơn nữa hiệu quả của công tác kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo đảm chất lượng và xem đây là giải pháp chiến lược để vượt qua thách thức và rào cản.
Đặc biệt, VASEP cùng các DN Việt Nam tích cực tìm hiểu và cập nhật thông tin để kịp thời điều chỉnh kế hoạch sản xuất cũng như cải tiến và khắc phục thiếu sót, đáp ứng tốt hơn yêu cầu đảm bảo chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm.
Liên quan tới vấn đề này, bà Virginia Foote, Hội đồng thành viên Amcham Hà Nội cho rằng các DN xuất khẩu của Việt Nam cần nâng cao giá trị cho hàng hóa xuất khẩu, cũng như định hướng thị trường trọng điểm một cách cụ thể hơn. Bên cạnh đó, để bảo đảm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật cũng như chủ nghĩa bảo hộ của Hoa Kỳ, các DN Việt Nam nên liên kết, phối hợp, hợp tác với các DN bản địa của Hoa Kỳ để có thể nâng cao giá trị cho hàng hóa cũng như đáp ứng được các “hàng rào” tiêu chuẩn kỹ thuật.