Thử nghiệm nuôi trồng rong nho (Caulerpa lentillifera J. AGARDH, 1837) trong bể với các mật độ và phương thức nuôi trồng khác nhau
Nghiên cứu do các tác giả Nguyễn Thị Ngọc Anh, Dương Thị Thanh Mai và Trần Ngọc Hải - Khoa Thủy sản, Trường Đại học Cần Thơ thực hiện.
Ảnh: sưu tầm.
Rong nho (Caulerpa lentillifera) còn gọi là trứng cá hồi xanh (nho biển), thuộc ngành rong lục, có giá trị dinh dưỡng cao (giàu acid amin thiết yếu, vitamin A, C và các nguyên tố vi lượng như phospho, sắt, iod, canxi) và rất tốt cho sức khoẻ con người như phòng chống các bệnh bướu cổ, thiếu máu, suy dinh dưỡng, thấp khớp, cao huyết áp, chống lão hoá, béo phì... (FAO, 2003; Ratanaarporn and Chirapart, 2006). Vì thế, rong nho được ưa chuộng và sử dụng như một loại rau xanh trong các món rau trộn ở một số nước châu Á như Nhật Bản, Philippin.
Trên thế giới, việc nuôi trồng loài rong này đã được thực hiện từ những năm đầu của thập niên 50 ở Philippin và sau đó là Nhật Bản (FAO, 2003). Năm 2004, rong nho được di nhập vào Việt Nam từ Nhật Bản và Viện Hải dương học Nha Trang đã có những nghiên cứu đầu tiên về đặc tính sinh học và kỹ thuật trồng trong điều kiện phòng thí nghiệm (Nguyễn Hữu Đại và ctv., 2006). Nhiều nghiên cứu cho biết sinh trưởng và chất lượng của rong nho không chỉ bị ảnh hưởng bởi các yếu tố môi trường (độ mặn, nhiệt độ, cường độ ánh sáng, chế độ dinh dưỡng) mà còn bị ảnh hưởng bởi điều kiện nuôi trồng, trong đó mật độ ban đầu và phương thức nuôi trồng là một trong những yếu tố kỹ thuật ảnh hưởng rất lớn đến sự tăng trưởng và năng suất rong nho (Shokita et al., 1991; FAO, 2003; Nguyễn Hữu Đại và ctv., 2006; Ratana-arporn and Chirapart, 2006). Bên cạnh đó, mật độ và phương thức nuôi trồng rong nho khác nhau giữa các nơi, tùy thuộc vào quy mô sản xuất và điều kiện nuôi trồng trong ao hay trong bể lớn hoặc bể nhỏ, mật độ rong dao động từ 0,5 kg/m2 đến 2 kg/m2 và mỗi phương thức nuôi trồng đều có ưu nhược điểm riêng (Đỗ Kim Tâm, 2015). Từ những vấn đề trên, nghiên cứu được thực hiện nhằm xác định mật độ và phương thức nuôi trồng đạt kết quả tốt nhất về tăng trưởng, năng suất và chất lượng của rong nho (C. lentillifera) trong bể và cung cấp cơ sở khoa học cho việc xây dựng quy trình trồng rong nho trong bể đạt hiệu quả cao.
Thí nghiệm được bố trí hai nhân tố gồm hai mật độ rong nho ban đầu (0,5 kg/m2 và 1 kg/m2) kết hợp với hai phương thức nuôi trồng (trồng tiếp đáy và trồng treo trên vỉ lưới), mỗi nghiệm thức được lặp lại 3 lần. Rong nho được trồng trong bể nhựa 250 L, nền đáy cát ở độ mặn 30‰, bột cá được sử dụng làm nguồn dinh dưỡng. Sau 30 ngày nuôi trồng, không có ảnh hưởng tương tác (p>0,05) giữa mật độ và phương thức nuôi trồng đối với tốc độ tăng trưởng, tỉ lệ thân đứng trên toàn tản và tỉ lệ thân đứng đạt kích thước thương phẩm. Tốc độ tăng trưởng và năng suất thân đứng của rong nho ở nghiệm thức trồng tiếp đáy cao hơn có ý nghĩa (p<0,05) so với hai nghiệm thức trồng treo trên vỉ lưới ở cả hai mật độ nuôi. Ở nghiệm thức nuôi đáy với mật độ 0,5 kg/m2 cho năng suất thân đứng đạt kích thước thương phẩm không khác biệt thống kê so với mật độ 1 kg/m2. Thêm vào đó, thành phần hóa học (độ ẩm, protein, lipid và tro) của rong nho không bị ảnh hưởng bởi điều kiện nuôi trồng và không phát hiện kim loại nặng (Hg, Pb, As và Cd) trong các mẫu rong nho thí nghiệm. Kết quả thí nghiệm này cho thấy nuôi trồng rong nho trong bể với mật độ ban đầu 0,5 kg/m2 và áp dụng phương pháp trồng tiếp đáy được xem là thích hợp.
Tạp Chí Khoa học Trường Đại học Cần Thơ-Tập 52, Phần B(2017)