Tăng cường công tác quản lý nhà nước về hoạt động khoa học và công nghệ cho phóng viên, cộng tác viên các cơ quan thông tấn báo chí
Ngày 14-15/6/2018, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Truyền thông Khoa học và Công nghệ (KH&CN) - Bộ KH&CN đã tổ chức Hội thảo “Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về hoat động KH&CN cho phóng viên, cộng tác viên các cơ quan thống tấn báo chí” nhằm sơ kết công tác truyền thông 6 tháng đầu năm và định hướng truyền thông KH&CN trong 6 tháng cuối năm; định hướng đẩy mạnh truyền thông trong giai đoạn sắp tới; cung cấp, cập nhật thông tin trong lĩnh vực ứng dụng KH&CN tại địa phương và truyền thông về Cuôc cách mạng 4.0.
Tham dự Hội thảo có ông Bùi Thế Duy - Thứ trưởng Bộ KH&CN; ông Nguyễn Hoàng Linh - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Bộ KH&CN; ông Trần Quang Tuấn - Giám đốc Trung tâm truyền thông, Bộ KH&CN, cùng phóng viên, cộng tác viên thông tấn báo chí trong nước.
Phát biểu tại Hội Thảo, Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy nhấn mạnh: KH&CN ngày càng nhận được sự quan tâm lớn của Chính phủ, được xem là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển đất nước nhanh và bền vững. Vì vậy, hoạt động truyền thông KH&CN cũng được quan tâm và chú trọng đầu tư, là 1 trong 6 giải pháp chủ yếu để thực hiện Chiến lược phát triển KH&CN Việt Nam giai đoạn 2011-2020. Để chuẩn bị cho Cách mạng công nghiệp lần thứ 4, truyền thông cần góp sức tạo ra các hiệu ứng mạnh để thúc đẩy các phong trào ứng dụng công nghệ, tuyên truyền đẩy mạnh chia sẻ tri thức vì tri thức là nền tảng để tạo ra các phát minh, sáng chế công nghệ mới ứng dụng vào cuộc sống.
Tại Hội thảo, các chuyên gia đã giới thiệu, trao đổi các vấn đề chính bao gồm: Những vấn đề chung về Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tại Việt Nam; Công tác thanh kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu và đơn giản hóa điều kiện đầu tư, kinh doanh; Một số điểm mới của Luật chuyển giao công nghệ (sửa đổi); Hoạt động KH&CN địa phương và vai trò của truyền thông KH&CN. Đây là những nội dung rất quan trọng, giúp các phóng viên, cộng tác viên các cơ quan thông tấn báo chí cập nhật kịp thời, chính xác cơ chế chính sách mới, hiệu quả của KH&CN, phối hợp chặt chẽ với các Bộ, ngành trong việc cung cấp thông tin cho xã hội, tuyên truyền phổ biến pháp luật, phổ biến kiến thức liên quan, đóng góp cho phát triển kinh tế, ổn định xã hội.
Trong những năm qua, thành tựu đạt được thuộc lĩnh vực KH&CN đặc biệt là sự đổi mới công nghệ đã và đang đóng góp thiết thực cho sự phát triển của các ngành, lĩnh vực và thực sự là một trong những trụ cột tạo nên sức mạnh của nền kinh tế.
Theo đánh giá, cùng với sự phát triển của KH&CN, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đã và đang diễn biến rất nhanh và mạnh, tạo ra những biến chuyển mới có tác động sâu sắc đối với hệ thống chính trị, xã hội, kinh tế của toàn thế giới. Bên cạnh những thành tựu Việt Nam nỗ lực đạt được, Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đặt ra không ít thách thức, nhất là sẽ làm thay đổi mạnh mẽ cơ cấu nguồn nhân lực và thị trường lao động của nước ta. Vì vậy Bộ KH&CN đã phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các công việc tuyên truyền để nâng cao nhận thức đến xây dựng kế hoạch thực hiện với những nhiệm vụ, giải pháp cụ thể để phù hợp với những thay đổi do Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại.
Đối với công tác kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu, Bộ KH&CN đã cải cách mạnh mẽ và là một trong những Bộ đi tiên phong về công tác đổi mới hoạt động kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hóa xuất nhập khẩu trong thời gian qua. Cụ thể, Bộ phối hợp với các bộ, ngành có liên quan, trình Thủ tướng bãi bỏ 114 sản phẩm, hàng hóa nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng. Đồng thời, Bộ đã ban hành Thông tư Số 07/2017/TT-BKHCN, ngày 16/06/2017, theo đó chuyển 91% nhóm sản phẩm, hàng hóa do Bộ quản lý sang cơ chế hậu kiểm, giảm 96% số lô hàng thuộc phạm vi quản lý của Bộ KH&CN phải kiểm tra trước thông quan. Đối với Luật Chuyển giao công nghệ thì hiện có một số phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng. Bên cạnh đó là sửa một số thuật ngữ; một số thuật ngữ mới xuất hiện bao gồm: công nghệ sạch, giải mã công nghệ, đổi mới công nghệ, thẩm định giá công nghệ, thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ…
Kết thúc Hội thảo, các chuyên gia hy vọng với đội ngũ những người làm công tác truyền thông ngày càng đông đảo, chuyên môn vững vàng, với các phương tiện kỹ thuật phục vụ truyền thông ngày càng tốt hơn, chắc chắn công tác truyền thông KH&CN sẽ gặt hái được nhiều thành công hơn nữa trong thời gian tới.