Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là công cụ quan trọng thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững
Ngày 5/7, tại Hà Nội, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Ngân hàng Thế giới tổ chức hội nghị "Nâng cao năng lực cạnh tranh, hiện thực hóa các mục tiêu phát triển bền vững trong thời kỳ cách mạng công nghiệp 4.0".
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chủ trì hội nghị.
Hội nghị được tổ chức dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với sự tham gia của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và hơn 650 đại biểu đại diện cho các cơ quan của Đảng, Chính phủ, bộ, ngành, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan nghiên cứu, đại sứ quán, tổ chức quốc tế; và tập trung thảo luận những vấn đề và giải pháp để thúc đẩy hợp tác công - tư nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển bền vững ở Việt Nam trong thời gian tới.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhận định, hội nghị là dịp để cộng đồng doanh nghiệp có thể đối thoại trực tiếp với lãnh đạo Đảng, Chính phủ, các bộ/ban/ngành nhằm tăng cường hỗ trợ từ phía Chính phủ đối với sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Thủ tướng tin tưởng rằng với sự nỗ lực của Chính phủ, sự đồng hành của cộng đồng doanh nghiệp, sự đồng thuận của xã hội và sự ủng hộ, hợp tác của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ hoàn thành các mục tiêu phát triển bền vững cùng Chương trình nghị sự 2030 với những kết quả tốt nhất, đặc biệt là trong bối cảnh tối ưu hóa mọi thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Nhiều chương trình khoa học, công nghệ phục vụ phát triển bền vững
Tham luận tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy cho biết, Chương trình nghị sự 2030 vì sự phát triển bền vững của Liên Hợp Quốc đã khẳng định khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo (STI) là công cụ quan trọng (cùng với tài chính, thương mại, xây dựng năng lực,...) và đóng vai trò quan trọng trong giải quyết các thách thức liên ngành của phát triển bền vững. Đơn cử, nền kinh tế đạt được năng suất cao hơn thông qua đa dạng hóa, đổi mới và nâng cao công nghệ, thông qua việc tập trung vào các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao. Hay như việc tăng cường nghiên cứu khoa học, nâng cấp nâng lực công nghệ trong các ngành công nghiệp ở tất cả các nước, đặc biệt là các nước đang phát triển, đến năm 2030 khuyến khích phát minh và tăng số người làm việc trong lĩnh vực nghiên cứu, tăng kinh phí chi cho lĩnh vực nghiên cứu và phát triển từ Nhà nước và khu vực tư nhân.
Theo Thứ trưởng Bùi Thế Duy, Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030 tăng gấp 1,5 lần năng suất lao động trong nông nghiệp và thu nhập của lao động nông nghiệp; tăng năng suất lao động thông qua đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cấp và đổi mới công nghệ, tập trung vào các ngành tạo giá trị tăng cao và sử dụng nhiều lao động. "Nhận thức và xác định vai trò của STI trong thực hiện kế hoạch hành động quốc gia, Bộ Khoa học và Công nghệ luôn gắn các hoạt động của bộ với việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, và coi STI phục vụ mục tiêu của Chương trình nghị sự 2030 là một nội dung để khẳng định STI đóng vai trò động lực, quốc sách hàng đầu trong phát triển kinh tế - xã hội" - Thứ trưởng Bùi Thế Duy nói.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ phát biểu tại hội nghị.
Theo đó, Bộ Khoa học và Công nghệ đã và đang thực hiện một loạt các chương trình như Chương trình Khoa học và Công nghệ trọng điểm cấp Nhà nước giai đoạn 2013-2018 "Khoa học và công nghệ phục vụ phát triển bền vững vùng Tây Bắc" với sản phẩm đầu ra là bộ cơ sở dữ liệu và luận cứ khoa học phục vụ xây dựng, điều chỉnh chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển bền vững, góp phần đảm bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Tây Bắc.
Bộ cũng xây dựng một số mô hình phát triển kinh tế - xã hội phù hợp cho cộng đồng ở một số tiểu vùng, liên vùng khu vực Tây Bắc cũng như nghiên cứu các giải pháp khoa học và công nghệ phù hợp để sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường; phát huy, bảo tồn các giá trị văn hóa; nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo ra các sản phẩm hàng hóa; phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai...
Bên cạnh đó, còn có thể kể đến Chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học và công nghệ thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2016-2025 với sản phẩm đầu ra như: xây dựng mô hình ứng dụng và chuyển giao công nghệ để phát triển bền vững nghề trồng dâu nuôi tằm ở huyện Lâm Hà, tỉnh Lâm Đồng; xây dựng mô hình nhân giống và nuôi thương phẩm cá đối mục (Mugil cephalus Linnaeus, 1758) tại huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình; ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp trên địa bàn nông thôn miền núi.
Để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của Chương trình Nghị sự 2030, Thứ trưởng Bùi Thế Duy kiến nghị cần đảm bảo sự phối hợp giữa Bộ Khoa học và Công nghệ với các bộ, ngành trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững; đảm bảo các nguồn lực về tài chính, nhân lực cho các hoạt động STI để đáp ứng các nhu cầu mà các mục tiêu phát triển bền vững đặt ra đối với STI; ngân sách, nguồn nhân lực cho các nhiệm vụ STI phục vụ phát triển bền vững cần được ưu tiên ở tất cả các cấp từ Trung ương đến địa phương.
Đồng thời cần có những ưu tiên đối với các hoạt động hợp tác quốc tế song phương, đa phương về STI nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững, Thứ trưởng Bùi Thế Duy nhấn mạnh.
Hội nghị đã nghe tham luận của lãnh đạo các bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ; cũng như tham luận của đại diện các doanh nghiệp như Coca-Cola Việt Nam, Heineken Việt Nam và các chuyên gia tư vấn về kỷ nguyên số...
|